Ứng dụng công nghệ thông tin, tăng hiệu quả phục vụ
Rút ngắn thời gian xử lý công việc
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Tin học Việt Nam, chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT – truyền thông ICT Index của tỉnh năm 2019 nằm trong nhóm trung bình so với cả nước, tăng so với 5 năm trước đây.
Cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh hướng dẫn người dân sử dụng thẻ khám bệnh thông minh. |
Để từng bước nâng cao chỉ số này, hằng năm, Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh giao cho Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị rà soát, đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị hiện đại, từng bước nâng cấp hạ tầng và phần mềm; đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ.
Đặc biệt, thực hiện kết nối phần mềm một cửa điện tử dùng chung với một số phần mềm chuyên ngành như: Cấp mã số đơn vị có quan hệ ngân sách của Bộ Tài chính; cấp phiếu lý lịch tư pháp của Bộ Tư pháp; cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia… Nhờ vậy, người dân, doanh nghiệp được giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Từ tháng 5-2019, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đưa vào sử dụng thẻ khám bệnh thông minh. Đến nay đã cấp 5 nghìn thẻ cho bệnh nhân điều trị các bệnh ngoại trú như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính.
“Thẻ lưu được hồ sơ bệnh án, nhật ký khám bệnh, nhờ vậy chúng tôi giảm thời gian thực hiện các TTHC với mỗi trường hợp đến khám mà đầu tư cho việc thăm khám, tư vấn người bệnh. Trung bình mỗi ngày bệnh viện có 600-700 lượt người khám, điều trị ngoại trú, tăng gấp đôi so với trước kia song thời gian giải quyết giảm đi đáng kể”, bác sĩ Hoàng Thị Phương, Khoa Nội tim mạch chia sẻ.
Ông Trần Văn Năm (60 tuổi), xã Yên Lư (Yên Dũng) vừa được các bác sĩ kiểm tra bệnh tăng huyết áp định kỳ hằng tháng cho biết: “Trước kia tôi phải dậy sớm đến xếp hàng, lấy số thứ tự. Giờ đến đây, chỉ cần quẹt thẻ khám bệnh thông minh, chọn phòng khám là rất nhanh đến lượt, không phải chờ đợi lâu”.
Được đánh giá tốt về mức độ ứng dụng CNTT trong khối các sở, ngành, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên nâng cấp các phần mềm, nâng cao hiệu quả công việc.
Năm 2015, Sở đầu tư kinh phí xây dựng phần mềm quản lý đối tượng người có công và là tỉnh đầu tiên trên cả nước triển khai thực hiện phần mềm này. Hiện thông tin của 160 nghìn người có công đã đồng bộ hóa dữ liệu với kho lưu trữ và phân cấp quản lý đến các xã, phường, thị trấn.
Đầu tư đồng bộ hạ tầng, tích hợp dữ liệu
Dù hiệu quả việc ứng dụng CNTT được nâng lên rõ rệt qua từng năm nhưng còn nhiều tồn tại như: Hạ tầng CNTT thiếu đồng bộ; hệ thống đường truyền hạn chế về tốc độ băng thông; thiết bị, phần cứng cấu hình thấp, nguy cơ mất an toàn thông tin cao. Cơ sở dữ liệu chung của tỉnh chưa đầy đủ, kinh phí cho công tác này hạn hẹp. Một bộ phận cán bộ, công chức còn ỷ lại, ngại học hỏi tiếp cận cái mới.
Ngày 4-5, BTV Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành Nghị quyết về phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025. Mục tiêu đến năm 2025 có hơn 70% hệ thống phần mềm chuyên ngành, cơ sở dữ liệu của các sở, ngành, địa phương có nhu cầu được kết nối, liên thông, đồng bộ trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Bắc Giang. Qua đó từng bước đáp ứng yêu cầu theo kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh. |
Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Việt Yên cho biết: “Hầu hết các xã, thị trấn, phòng chuyên môn không có cán bộ chuyên trách về CNTT nên khi gặp sự cố về mạng hay cần nâng cấp phiên bản phần mềm thì rất lúng túng. Việc khai thác các tính năng của ứng dụng cài đặt cũng hạn chế”.
Khắc phục tình trạng này tại TP Bắc Giang, huyện Lục Ngạn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn cán bộ am hiểu về CNTT phụ trách bộ phận một cửa. Riêng ngành giáo dục, bố trí giáo viên dạy Tin học ở các trường học kiêm nhiệm, song hiệu quả chưa rõ rệt.
Để nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, huyện, TP cân đối kinh phí, bảo đảm thực hiện các dự án trọng điểm và xây dựng cơ sở hạ tầng cho ứng dụng CNTT của đơn vị. Cùng đó chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo đảm cho hoạt động CNTT thông suốt.
Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông mở 2 lớp đào tạo chuyên sâu về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho các cán bộ chuyên trách về CNTT của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện.
Ông Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, đến cuối năm 2019, Sở tiếp tục thực hiện chuẩn hóa phần mềm một cửa điện tử trên địa bàn tỉnh và triển khai phần mềm liên thông 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đến tất cả các cơ quan, đơn vị.
Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh tập trung 3 nhóm giải pháp gồm: Phát triển hạ tầng kỹ thuật; triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng các hệ thống phần mềm đồng bộ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó chú trọng nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh; xây dựng và triển khai đồng bộ các hệ thống thông tin chuyên ngành phục vụ quản lý hành chính, trọng tâm các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, giao thông, xây dựng, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, công thương, tư pháp…
Hoài Thu
Ý kiến bạn đọc (0)