Truy xuất nguồn gốc vải thiều: Làm tốt từ khâu sản xuất
Quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ kinh phí
Vụ vải thiều năm ngoái có một lô hàng đóng gói mã số của huyện Lục Ngạn qua cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn sang Trung Quốc bị sâu đục cuống quả, mã xấu. Lực lượng chức năng kiểm tra cho thấy, số hàng hóa trên không phải của địa phương. Vấn đề này đặt ra yêu cầu quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp phép và thực hiện nghiêm việc truy xuất nguồn gốc nông sản nhằm bảo đảm uy tín, chất lượng vải thiều Lục Ngạn nói riêng và Bắc Giang nói chung.
Nông dân thôn Lân Thịnh, xã Phúc Hòa (Tân Yên) chăm sóc vải sớm. |
Năm nay, toàn tỉnh có 28 nghìn ha vải thiều, sản lượng ước đạt 180 nghìn tấn. Trong đó, hơn 200 ha vải xuất khẩu sang Nhật với 30 mã vùng; 218 ha xuất khẩu sang Mỹ, EU với 18 mã vùng và 15.867 ha xuất sang Trung Quốc gồm 149 mã vùng. Tất cả diện tích này đều được hướng dẫn, kiểm soát quá trình chăm sóc và làm truy xuất nguồn gốc.
Để giúp các đơn vị thực hiện gắn tem truy xuất nguồn gốc cho quả vải, tỉnh đã phê duyệt kinh phí, giao Sở Công Thương hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) sản xuất, tiêu thụ vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn làm tem, nhãn, bao bì sản phẩm. UBND huyện Lục Ngạn còn hỗ trợ 50% kinh phí làm tem truy xuất nguồn gốc cho các HTX, DN tiêu thụ vải thiều đáp ứng đủ điều kiện.
Địa phương đang phối hợp với VNPT Bắc Giang thống nhất mẫu tem, nhãn, quy cách bao gói sản phẩm; thiết lập sổ nhật ký chăm sóc vải thiều điện tử giúp thuận lợi cho người dân, khách hàng khi mua sản phẩm vải thiều thuận tiện kiểm tra, theo dõi qua điện thoại thông minh. Cùng đó, các HTX, DN chủ động giải pháp nâng chất lượng sản phẩm, các điều kiện để xuất khẩu. Tại Tân Yên, ngoài hỗ trợ của UBND huyện, các thành viên HTX, DN còn tự góp kinh phí làm tem, nhãn, bao bì đóng gói vải thiều.
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, toàn tỉnh có hơn 40 tổ hợp tác, HTX sản xuất, tiêu thụ vải thiều và hàng trăm cơ sở đóng gói đã có tem nhãn đầy đủ. Vì vậy, ngoài việc quản lý, kiểm soát hướng dẫn các hộ dân sản xuất vải thiều bảo đảm quy trình, cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, quản lý các cơ sở đóng gói hàng hóa, không để xảy ra tình trạng bán tem nhãn trôi nổi trên thị trường hoặc hàng một đằng, tem một nẻo, tạo điều kiện cho vải kém chất lượng trà trộn để trục lợi, làm mất uy tín vải thiều Bắc Giang.
Tuân thủ nghiêm quy trình
Mới đây, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Đây là tin vui giúp vải thiều rộng cửa tiêu thụ. Rút kinh nghiệm từ vụ vải trước, ngay từ đầu năm nay, tỉnh tập trung chỉ đạo các huyện sản xuất vải thiều theo các tổ hợp tác, HTX và quản lý chặt vùng trồng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào canh tác theo quy trình an toàn, VietGAP, GlobalGAP như: Lắp camera giám sát, ghi sổ nhật ký chăm sóc... tạo thuận lợi cho quản lý, truy xuất nguồn gốc.
Năm nay, toàn tỉnh có 28 nghìn ha vải thiều, sản lượng ước đạt 180 nghìn tấn. Trong đó, diện tích vải xuất đi Nhật hơn 200 ha với 30 mã số vùng trồng; 18 mã số vùng với 218 ha xuất khẩu sang Mỹ, EU; 149 mã số vùng gồm 15.867 ha xuất khẩu sang Trung Quốc". Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp và PTNT) |
Lục Ngạn có diện tích vải thiều hơn 16 nghìn ha, trong đó 194,5 ha (27 mã vùng) được cấp đi Nhật Bản. Thời gian này, cán bộ chuyên môn Sở Nông nghiệp và PTNT, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đang giám sát chặt chẽ quy trình chăm sóc bảo đảm chất lượng, truy xuất nguồn gốc tại các xã, nhất là vùng trồng xuất khẩu.
Năm nay, gia đình ông Hoàng Văn Minh, thôn Chay, xã Phì Điền bắt đầu sản xuất vải xuất khẩu sang Nhật Bản. Được cán bộ thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật bón phân, chăm sóc bảo đảm an toàn, chủ vườn còn tuân thủ nghiêm việc ghi nhật ký bón phân, phun thuốc BVTV. Sử dụng nước sạch tưới cho vải, không dùng thuốc trừ sâu, bệnh trôi nổi mà theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Vì thế, 1 ha vải thiều của gia đình phát triển tốt, nhiều quả, đủ điều kiện gắn tem truy xuất.
Tại xã Phì Điền còn có 9 hộ sản xuất vải xuất khẩu sang Nhật Bản với quy mô khoảng 10 ha và hơn 30 thành viên HTX Sản xuất thương mại và dịch vụ nông nghiệp Phì Điền cũng được hướng dẫn, thực hiện nghiêm quy trình bảo đảm truy xuất nguồn gốc. Theo ông Tăng Văn Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn, định kỳ từ 1 đến 2 tuần, đơn vị phối hợp kiểm tra quy trình sản xuất, sổ nhật ký của các xã để kịp thời hướng dẫn phương pháp chăm sóc phù hợp; khuyến khích các hộ tự kiểm tra, giám sát lẫn nhau.
Huyện Tân Yên và Lục Nam cũng vừa được cấp 2 mã vùng trồng vải đi Nhật Bản, các đơn vị chuyên môn cũng đang chỉ đạo bà con thực hiện đúng quy trình canh tác, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp và PTNT) thông tin, hiện vải đang trong giai đoạn quả non. Vải thiều còn 1-2 đợt rụng quả sinh lý (tùy trà), căn cứ tình hình thời tiết, cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con bón phân NPK giúp hạn chế rụng quả, kết hợp tỉa cành, chú ý giữ ẩm, phòng trừ sâu, bệnh. Năm nay, Chi cục và phòng nông nghiệp và PTNT các huyện tập trung cao cho chỉ đạo sản xuất vải thiều, bảo đảm nâng sản lượng, chất lượng và chú trọng thực hiện nghiêm quy trình sản xuất vải thiều xuất khẩu.
Ý kiến bạn đọc (0)