Trường mới rộn rã niềm vui
Sau nhiều năm ở ngôi trường cũ chật chội, xuống cấp, ngay trong những ngày đầu năm học 2023-2024, gần 500 học sinh và cán bộ, giáo viên Trường THCS Lý Tự Trọng, phường Đa Mai (TP Bắc Giang) vui mừng được giảng dạy và học tập ở ngôi trường mới. Trường được xây dựng đồng bộ trên khu đất mới tại tổ dân phố Mai Đọ, các hạng mục thiết kế theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia mức độ 2 với quy mô 28 phòng học, nhà hiệu bộ, nhà đa năng. Công trình khởi công tháng 1/2023 với tổng diện tích 8,9 nghìn m2, kinh phí đầu tư hơn 55 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.
Niềm vui trường, lớp mới của học sinh Trường Tiểu học và THCS Hữu Sản (Sơn Động). |
Thầy giáo Đỗ Quốc Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau khi được bàn giao cơ sở vật chất từ đơn vị thi công, Ban Giám hiệu xây dựng nội quy, quy chế quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công, giao cho các lớp và cá nhân phụ trách. Các lớp học, phòng làm việc được trang bị đầy đủ bàn ghế, quạt, đèn chiếu sáng. Để phủ xanh không gian trường lớp học, nhà trường trồng cây cảnh, các dãy lớp học được làm đẹp bằng những chậu hoa nhiều màu sắc.
Được biết năm học trước, chất lượng giáo dục toàn diện của Trường THCS Lý Tự Trọng có bước tiến đáng kể. Điểm bình quân 3 môn thi tuyển sinh vào lớp 10 đạt 7,3 điểm, đứng thứ 6/17 trường THCS của TP và xếp thứ 15/233 trường THCS toàn tỉnh. Với những điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất của năm nay, ngay khi bước vào năm học mới, thầy, cô giáo và học sinh nhà trường hăng hái đăng ký các chỉ tiêu thi đua trọng tâm, nhất là thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nâng chất lượng giảng dạy và học tập.
Từ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, nhiều trường được tăng cường cơ sở vật chất phục vụ năm học. Trong đó khối THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDTX) được đầu tư 338 tỷ đồng xây dựng 238 phòng học, công trình phụ trợ; tu sửa, nâng cấp nhiều hạng mục. Huyện Lục Ngạn đưa vào sử dụng 144 phòng học mới; huyện Sơn Động hoàn thành xây mới và cải tạo 40 phòng học.
Một số trường được xây mới hoàn toàn bằng nguồn kinh phí ngân sách hoặc huy động xã hội hóa như: Trường THCS thị trấn Cao Thượng (Tân Yên); Trường Mầm non Vân Trung (Việt Yên). Nhìn chung các cơ sở xây mới thiết kế rộng rãi, khang trang, có nhiều cửa sổ để đón ánh sáng tự nhiên, phù hợp với xu hướng phát triển quy mô học sinh của địa phương, đồng thời bám sát tiêu chí trường chuẩn quốc gia và mục tiêu xây dựng trường học thông minh.
Hòa trong niềm vui đón năm học mới, các em học sinh ở Trường Tiểu học và THCS Phúc Sơn 2 (Sơn Động) phấn khởi khi từ năm học này được ở trong khu nhà bán trú sạch sẽ, khang trang. Thầy giáo Nguyễn Duy Tùng, Hiệu trưởng nhà trường kể, sau khi được huyện đầu tư xây dựng nhà bán trú khép kín với 12 phòng và nhà ăn rộng rãi, Cơ sở Aerobic Bảo Ngọc (TP Bắc Giang) và các mạnh thường quân đã tài trợ đồ dùng bán trú gồm: Bàn ghế, tủ điện nấu cơm, dụng cụ chế biến bếp ăn, tủ lạnh... Nhờ vậy năm học này các em nhà xa được học 2 buổi/ngày không còn bữa no, bữa đói, đi lại vất vả.
Em Triệu Phúc Lâm, ở thôn Non Tá năm nay lên lớp 9 bày tỏ: “Từ nhà em đến trường gần 7 km phải qua nhiều ngầm, suối. Năm học cuối cấp này, em được ở nhà bán trú tại trường nên yên tâm hơn, có thêm thời gian để học tập”.
Đến nay, tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học ở Bắc Giang đạt 96%, xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ 1 đạt 94,5%, mức độ 2 đạt 20,6%, cao hơn so với bình quân toàn quốc. |
Được biết, đến nay tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học ở Bắc Giang đạt 96%, xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ 1 đạt 94,5%, mức độ 2 đạt 20,6%, cao hơn so với bình quân toàn quốc. Ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Năm học này, toàn ngành sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới hơn nữa trong công tác quản lý và giảng dạy. Muốn hoàn thành mục tiêu đó đòi hỏi hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị tại các trường phải đáp ứng yêu cầu".
Bên cạnh tín hiệu vui trên, qua rà soát và đối chiếu với quy định vẫn còn nhiều nơi cơ sở vật chất mới đáp ứng việc dạy và học ở mức tối thiểu, còn tình trạng thiếu phòng học, phòng chức năng. Trước thực tế đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí chuẩn bị khởi công xây dựng 169 phòng học, khối phụ trợ học tập cho các trường. Những trường sẽ được đầu tư xây dựng là: THPT Hiệp Hòa số 2, THPT Hiệp Hòa số 4, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX huyện Hiệp Hòa; Trường THPT Lạng Giang số 1, THPT Lạng Giang số 2, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX huyện Lạng Giang, Trường THPT Yên Thế; tổng mức đầu tư 205 tỷ đồng từ ngân sách.
Trong thiết kế, những trường xây dựng mới sẽ tích hợp hạ tầng lắp đặt trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại như máy chiếu, ti vi, bảng điện tử, hệ thống loa truyền thanh, ánh sáng mang lại không gian học tập hiện đại, thân thiện, tạo thuận lợi cho thầy và trò. Các địa phương tiếp tục rà soát, đầu tư xây thêm trường, lớp học, giảm điểm trường lẻ, nâng cao chất lượng dạy và học.
Bài, ảnh: Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)