Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong ký ức bộ đội Trường Sơn
Một ngày cuối tháng 2, ngôi nhà khang trang của ông Ngô Đức Thịnh (SN 1942) ở tổ dân phố My Điền 1, thị trấn Nếnh (Việt Yên) rôm rả hơn ngày thường vì có đồng đội đến chơi. Họ đều là lính lái xe thuộc Trung đoàn Ô tô vận tải 13, Sư đoàn 571 năm xưa.
Theo mạch câu chuyện, các cựu binh ôn lại một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, nhắc về công lao to lớn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Trong kháng chiến cam go, các ông là chiến sĩ, cán bộ dưới cơ sở nên không có điều kiện, cơ hội để gặp gỡ, làm việc cùng Tư lệnh kính mến. Thế nhưng tên tuổi của vị tướng ấy thì vang xa khắp núi rừng trùng điệp.
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 101, Trung đoàn ô tô vận tải 13, Bộ đội Trường Sơn. Ảnh tư liệu. |
Cựu binh Ngô Đức Thịnh kể, năm 1964, ông bắt đầu vào Trường Sơn làm lính lái xe. Lúc bấy giờ, việc chi viện cho chiến trường miền Nam chuyển từ hình thức gùi thồ sang vận tải bằng ô tô, dẫu thế, khó khăn vẫn chất chồng. Tuyến chi viện chiến lược bị lộ, máy bay địch dễ dàng phát hiện quân ta, rồi cứ thế đuổi đánh. Năm 1967, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên (lúc đó mang quân hàm Đại tá) được Bộ Tư lệnh, Quân ủy T.Ư điều vào làm Tư lệnh Đoàn 559, xây dựng tuyến đường chi viện chiến lược Bắc-Nam.
“Bằng sự tài ba, quyết đoán của mình, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã có những quyết sách sáng suốt giúp giữ vững tuyến vận tải cho miền Nam ruột thịt. “Dân” lái xe chúng tôi phấn khởi lắm vì ngày càng có nhiều tuyến đường kín, đường nhánh được mở ra, địch đánh đường này ta đi đường khác. Chúng tôi lao vào chiến đấu với tư thế hiên ngang, tin ngày toàn thắng", ông Thịnh không giấu được xúc động.
Bà Nguyễn Thị Vinh, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) chụp ảnh với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. |
Nối tiếp câu chuyện, ông Thân Văn Thái (SN 1953) ở thôn Nhẫm, xã Trung Sơn (Việt Yên) nói, ở đơn vị, ông và đồng đội được quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên nhưng rất tiếc chưa được gặp cấp trên lần nào. Ông Thái chỉ nghe nói vị Tư lệnh có vóc dáng cao lớn, nhanh nhẹn, chỉ huy quyết đoán, tài tình; không có trọng điểm ác liệt, binh trạm nguy hiểm nào ông chưa đặt chân đến. Như lần làm nhiệm vụ gần bến phà Long Đại (Quảng Bình)-“tọa độ lửa” trên tuyến Trường Sơn, ông Thái hay tin Tư lệnh đích thân đến kiểm tra. Đường xuống phà rất khó khăn, dốc trơn trượt nhưng xe của Tư lệnh Nguyên đi xuống đầu tiên để khảo sát, nắm tình hình. Sau lần ấy, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên chỉ đạo tăng cường lực lượng công binh, pháo binh hỗ trợ bảo vệ phà. Nhờ đó, từng đoàn xe chở người, vũ khí, lương thực cứ thế đi qua mà không gặp sự cố, ách tắc.
Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên (tên khai sinh Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng), sinh ngày 1/3/1923; quê quán ở xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình); hoạt động cách mạng từ năm 1938, được kết nạp vào Đảng tháng 12/1939. Năm 1967, đồng chí được điều động làm Tư lệnh Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn. Cuộc đời của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên dù ở vị trí nào cũng để lại những dấu ấn đặc biệt. Tên ông trở thành huyền thoại gắn với Bộ đội Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh. Năm 1974, đồng chí được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. |
Giai đoạn đồng chí Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh (1967-1976), Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thiện 3 phương thức vận tải cơ giới-đường bộ, đường sông và đường ống. Trong đó, vận tải ô tô là nòng cốt, đường ống là quan trọng, đường sông là hỗ trợ. Chỉ trong hơn 2 năm (1973-1975), cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Ô tô vận tải 13 cùng các lực lượng khác đã vận chuyển binh lực, hỏa lực, vũ khí kỹ thuật, bảo đảm hành quân tăng gấp gần 320 lần so với giai đoạn 1959-1964, đưa đến các chiến trường trước 3 tháng. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ đội Trường Sơn đã huy động hơn 2 nghìn ô tô và 90 đoàn binh khí kỹ thuật tham gia các chiến dịch; vận chuyển khoảng 61 nghìn tấn đạn cho chiến dịch, bắc lại hàng trăm cây cầu bảo đảm giao thông trên tuyến quốc lộ từ Quảng Trị vào Đồng Nai thông suốt. Có được kỳ tích này phải kể đến công sức lớn lao của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên.
Giữa mưa bom, bão đạn, hầu hết những người lính Trường Sơn quê tỉnh Bắc Giang chỉ nghe danh, chưa hề biết mặt Tư lệnh. Khi non sông nối liền, các cựu chiến binh năm xưa mới có dịp gặp gỡ vị tướng của Trường Sơn huyền thoại. Nữ lái xe Trường Sơn Nguyễn Thị Tuế (SN 1946) ở phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) cũng có nhiều kỷ niệm với vị Tư lệnh kính mến. Bà nói, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà cùng đồng đội trong trung đội nữ lái xe mang tên Anh hùng Nguyễn Thị Hạnh được tham dự một hội nghị do Bộ Quốc phòng tổ chức. Bà rất phấn khởi khi thấy Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đứng ngay bên cạnh mình chuyện trò. Bà Tuế cho hay: “Bác Nguyên là cán bộ cấp cao nhưng rất giản dị, gần gũi, vẹn nghĩa tình với đồng đội. Hôm đó, mỗi chị em chúng tôi được thủ trưởng tặng một bộ quần áo quân phục. Chị em nào hoàn cảnh khó khăn hơn thì được tặng thêm chăn, màn”.
Cựu chiến binh Trung đoàn Ô tô vận tải 13 kể chuyện về Trung tướng. |
Vào dịp Trung tướng tròn 95 tuổi (năm 2018), các đồng chí: Nguyễn Thị Vinh, Dương Thị Quang, Bùi Đình Nhung… (thành viên Ban Chấp hành Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Giang) đã đến nhà riêng ở Hà Nội mừng thọ thủ trưởng. Bà Vinh kể lại, thấy khách đến, Trung tướng niềm nở đón chào, bắt tay từng người trong đoàn. Dịp ấy, Hội đã tặng Trung tướng bức tranh cây dã hương nghìn tuổi với mong muốn Tư lệnh sống khỏe, sống lâu.
Thế nhưng tránh sao được quy luật sinh tử của đất trời. Ngày 4/4/2019, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từ trần trong sự tiếc thương vô hạn của người thân, đồng đội. Bà Vinh cùng nhiều anh em từng là lính Trường Sơn năm xưa đã vượt đường xa để đến tiễn đưa, vĩnh biệt vị Tư lệnh kính yêu. Bao năm qua, những tấm ảnh chụp cùng Trung tướng được bà Vinh cất giữ cẩn thận, xem như món quà vô giá. Trong tâm thức những người lính Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên mãi là tượng đài huyền thoại, một vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo đức độ, trọn nghĩa, vẹn tình với đồng đội, anh em.
Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)