Tìm về những nẻo dân ca
Người đồng hành cùng tôi là ông Nguyễn Văn An. Vâng, lại là ông An, một người không xa lạ, một trưởng lão dân tộc Sán Dìu, một linh hồn kết nối những làn điệu dân ca làm cho mỗi thành viên trong từng câu lạc bộ (CLB) dân ca ngày thêm thân thiện bên nhau. Nghĩa tình thôn xóm, bản làng cũng từ đấy mà càng thêm gắn kết.
Một khúc ca đàn tính. |
Người nghệ nhân ấy nay đã thuộc hàng "cây đa cây đề" (ông sinh năm 1938) mà sức vẫn dẻo dai bền bỉ. Dù dốc đứng đèo quanh, dù đường xa dặm thẳm, hễ nơi nào khai hội dân ca là một mình ông “không ngán thời tiết” cùng chiếc xe máy bon bon tới. Ông đến để chia sẻ niềm đam mê và cổ vũ phong trào, để được nghe những câu giao duyên không bao giờ cũ.
"Có lẽ bản thân được khỏe như ngày hôm nay có phần là nhờ dân ca", ông An bảo vậy. Ông có lý khi cho rằng mình thường xuyên được dịch chuyển, được gặp gỡ giao lưu trò chuyện, đó chính là liều thuốc trường sinh.
Đi lại nhiều khỏe về thể chất, giao lưu dân ca khỏe cho tâm hồn, làm cho người ta quên đi tuổi tác, át đi bệnh tật. Nhớ khi CLB dân ca Nùng đầu tiên do ông Nguyễn Văn An khởi xướng tại nơi hẻo lánh Dộc Mùng, xã Giáp Sơn từ hơn 10 năm trước, đến nay tuy tuổi đã ngoài 80 mà thần thái ông không khác là bao.
Phải chăng dân ca đã ngấm vào đường gân thớ thịt trong ông. Không khỏe sao được khi phong trào dân ca các dân tộc Lục Ngạn từ con số 0 nay đã là 31 CLB, trong đó dân ca của người Sán Chí, người Cao Lan được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Cá nhân ông được nhà nước vinh danh Nghệ nhân ưu tú.
Dù chưa “phủ sóng” khắp vùng, nhưng làn điệu dân ca của Lục Ngạn vẫn tựa hương hoa rừng lan tỏa bay xa. Không chỉ vượt suối băng đèo lên Chiên Sơn, Quế Sơn, Giáo Liêm, Cẩm Đàn vùng cao Sơn Động, mà còn xuống với Đông Hưng, Vô Tranh, Lục Sơn dải Lục Nam.
Chưa hết, dân ca còn “vượt biên” tìm bạn tới Lạng Sơn, Quảng Ninh, lên Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc bởi nơi đó có rất nhiều người “cùng dân tộc ta cả”.
Trong 31 CLB dân ca trên đất Lục Ngạn gồm 6 dân tộc thuộc 24 xã thì dân tộc Nùng Phàn Sình đông hơn với 12 CLB, người Sán Dìu 11 CLB, còn lại người Tày, người Sán Chí, Cao Lan từ 1 đến 4 CLB. Riêng người Kinh gốc gác dân xuôi trên dải đất Trù Hựu không vì thế mà chịu kém cỏi để cũng dùng dằng một CLB dân ca “Quan họ vùng cao” đậm đà bản sắc.
Những nẻo dân ca dù ngay chân đèo hay trên lưng chừng núi, dù sóng nước Cấm Sơn hay bên suối Thác Lười, ở đâu cũng tình thắm nghĩa nồng, cũng rạo rực hương xuân. Đó là soong hao của người Nùng ở Tân Sơn, Biên Sơn, Kim Sơn, Hộ Đáp, Biển Động…
Câu hát then của người Tày ở Quý Sơn, Phì Điền… Lời soọng cô của người Sán Dìu ở Nam Dương, Giáp Sơn, Tân Mộc… hay sóong cộ của người Sán Chí ở Kiên Lao, Sa Lý cũng như Sình ca của người Cao Lan ở Đèo Gia, Phú Nhuận. Tất cả tuy khác nhau về câu từ, làn điệu, nhưng đều giống nhau chỉ ở một chữ "say".
Chính vậy mà anh chị em có thể hát qua ngày quên ăn, hát qua đêm quên ngủ. Dù không sân khấu trang hoàng, không nhạc cụ sáo đàn, không môi hồng má phấn, không sổ tay ghi chép nhưng: “Đã đi đến chốn thì chơi/ Chẳng sợ ai cười chẳng sợ ai chê/ Chơi cho mãn đám mới về/ Mẹ mắng cũng mặc người chê cũng đành”.
Phải chăng, xuất phát từ tình yêu muôn thuở, từ kiếp sống nhân sinh, mà khát vọng ấy đã trở nên vĩnh hằng chẳng thể nào đổi khác.
Dù ai chê bác mặc ai
Em đi hát hội cho đời dài ra.
Vâng, đời dài ra từ lời ca câu hát, tình yêu cuộc đời từ những nẻo dân ca.
Ngô Minh Bắc
Ý kiến bạn đọc (0)