Thực hiện Chỉ thị số 19 của BTV Tỉnh ủy: Tạo chuyển biến tích cực trong quản lý đất đai
BẮC GIANG - Chỉ thị 19 - CT/TU (Chỉ thị 19) của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai được ban hành ngày 11/6/2020, qua gần 4 năm thực hiện đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các vi phạm về đất đai đều được rà soát, phân loại, lập biên bản xử lý. Công tác quản lý nhà nước về đất đai dần đi vào nền nếp.
Xử phạt hàng nghìn trường hợp
Từ năm 2020 trở về trước, tình hình xâm lấn, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trái luật trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như phát triển KT-XH tại địa phương. Khắc phục tình trạng này, ngày 11/6/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 19 và tháng 8/2021 ban hành tiếp Kết luận 120-KL/TU (Kết luận 120) về đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị trên.
Một công trình vi phạm tại phường Nếnh (thị xã Việt Yên) phải tháo dỡ. |
Chỉ thị 19 và Kết luận 120 đã được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh quán triệt sâu rộng; ban hành nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo thực hiện nghiêm túc ở các địa phương, cơ sở. Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề kiểm điểm tiến độ; làm rõ nguyên nhân, tồn tại hạn chế; tháo gỡ vướng mắc, đề ra lộ trình xử lý.
Qua rà soát, toàn tỉnh có hơn 70 nghìn trường hợp vi phạm; trong đó có gần 17 nghìn trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đất ở, với tổng diện tích gần 2.750 ha; số còn lại vi phạm trong nội bộ đất nông nghiệp.
Kết quả, sau gần 4 năm thực hiện Chỉ thị, công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn đã có chuyển biến tích cực. Toàn bộ các vi phạm đều được phân loại, lập biên bản hiện trạng để xử lý theo quy định. Tinh thần Chỉ thị 19 có sức lan tỏa rộng. Vi phạm mới theo đó giảm rõ rệt. Các vi phạm trong nội bộ đất nông nghiệp đã được hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Riêng vi phạm ở nhóm tự ý chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đất ở đều bị lập biên bản xử lý.
Đến hết tháng 3/2024, riêng 5 huyện, thị xã: Lạng Giang, Yên Thế, Việt Yên, Yên Dũng, Sơn Động đã lập biên bản xử phạt gần 3 nghìn trường hợp vi phạm với tổng số tiền xử phạt và thu lại khoản lợi bất hợp pháp hơn 18,5 tỷ đồng. Trong đó, phạt nhiều nhất là huyện Lạng Giang 10,2 tỷ đồng, đã nộp ngân sách 7,1 tỷ đồng; Sơn Động hơn 4 tỷ đồng, đã nộp ngân sách gần 3,7 tỷ đồng... |
Đến hết tháng 3/2024, riêng 5 huyện, thị xã: Lạng Giang, Yên Thế, Việt Yên, Yên Dũng, Sơn Động đã lập biên bản xử phạt gần 3 nghìn trường hợp với tổng số thu tiền phạt và thu lại khoản lợi bất hợp pháp hơn 18,5 tỷ đồng. Trong đó, xử phạt nhiều nhất là huyện Lạng Giang 10,2 tỷ đồng, đã nộp ngân sách 7,1 tỷ đồng; Sơn Động hơn 4 tỷ đồng, đã nộp ngân sách gần 3,7 tỷ đồng.
Nhờ kiên quyết xử lý, vi phạm về đất đai giảm rõ rệt. Nếu trước ngày 11/6/2020, toàn tỉnh có gần 16,35 nghìn trường hợp tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp và đất ở, thì sau khi Chỉ thị 19 ban hành đến nay chỉ xảy ra 649 trường hợp (hiện các địa phương đã xử lý được khoảng 600 trường hợp).
Đặc biệt, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền các địa phương còn tập trung kiểm tra, giám sát, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai. Tính từ năm 2021 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, ... đã tổ chức hơn 100 cuộc giám sát, kiểm tra chấp hành về thực hiện Chỉ thị 19. Qua đó đã xử lý kỷ luật 3 tổ chức đảng; khiển trách và cảnh cáo 79 trường hợp, cách chức vụ trong đảng 2 đảng viên.
Đồng chí Nguyễn Văn Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Lạng Giang cho hay, thực hiện Chỉ thị 19, đơn vị đã kiểm tra 13 đảng ủy và các cá nhân là bí thư đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã. Qua đó đã kết luận 3 đảng ủy và 5 cá nhân có khuyết điểm, vi phạm nhưng chưa đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật; 5 cá nhân vi phạm bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo và khiển trách.
Tiếp tục xử lý dứt điểm
Ông Phí Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổ trưởng Tổ công tác giám sát thực hiện Chỉ thị 19 của tỉnh cho biết, đạt kết quả trên là do cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tích cực vào cuộc, thực hiện đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền, vận động đến xử lý vi phạm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên việc xử lý các vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị 19 (nhất là giai đoạn từ ngày 1/7/2014 đến 11/6/2020) còn hạn chế. Toàn tỉnh có 3.413 trường hợp vi phạm trong giai đoạn này thì đến nay mới xử lý được hơn 340 trường hợp. Số vi phạm còn lại chủ yếu là có công trình, nhà ở; đối tượng vi phạm không có chỗ ở khác... nên việc xử lý gặp khó khăn.
Nguyên nhân là do nhiều trường hợp vi phạm về đất đai có tính chất lịch sử, nguồn gốc rất phức tạp; nhiều trường hợp không có chỗ ở khác... Ngoài ra, do một số địa phương chưa thực sự quan tâm, bám sát các mốc lộ trình, kế hoạch xử lý của UBND tỉnh, còn tư tưởng ngại va chạm khi xử lý. Việc hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc trong xử lý của các cơ quan chuyên môn còn chưa rõ ràng. Năng lực, ý thức trách nhiệm của một số cán bộ lãnh đạo, đảng viên hạn chế...
Thực trạng trên dẫn tới công tác lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính ở một số nơi lúng túng, mỗi nơi xử lý một kiểu. Vẫn còn tình trạng người đứng đầu địa phương để xảy ra nhiều vi phạm; cán bộ, đảng viên vi phạm chưa được xem xét xử lý nghiêm. Đơn cử như ở huyện Lục Nam, sau thời điểm Chỉ thị 19 ban hành, có xã vẫn để người dân xây dựng gần chục biệt thự, nhà xưởng kiên cố nhưng người đứng đầu chỉ bị xử lý kỷ luật nhẹ, thậm chí còn được bố trí sang làm chủ tịch ủy ban MTTQ xã (?!).
Ông Phí Thanh Bình thông tin thêm: Vướng mắc là Luật Đất đai năm 2024 chưa có nội dung tháo gỡ giải quyết đối với trường hợp trên. Vì thế, các vi phạm sau ngày 01/7/2014 vẫn phải xử lý, giải quyết theo quy định của pháp luật, nếu không sẽ tạo tiền lệ xấu. Do đó, đề nghị cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã tiếp tục tuyên truyền, vận động để người vi phạm đồng thuận, tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục tình trạng ban đầu của đất.
Quan tâm kiểm điểm xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý, để xảy ra vi phạm về đất đai, nhất là các trường hợp vi phạm sau ngày 11/6/2020 nhưng không báo cáo, có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, đến nay vẫn chưa xử lý xong. Cùng đó, xem xét xử lý kỷ luật các cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật đất đai để răn đe, làm gương.
Thùy Ninh
Ý kiến bạn đọc (0)