Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại, khơi dậy khát vọng làm giàu với nông dân
BẮC GIANG - Ngày 31/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân toàn quốc năm 2024 với chủ đề: “Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới”.
Hội nghị do T.Ư Hội Nông dân (HND) Việt Nam chủ trì, phối hợp tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến trong toàn quốc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại điểm cầu T.Ư. Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ. |
Tham gia đối thoại tại điểm cầu Trung ương còn có các đồng chí lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và hơn 300 nông dân trên toàn quốc.
Ở điểm cầu tỉnh Bắc Giang có đại diện lãnh đạo HND tỉnh và một số sở, ngành dự.
Tại hội nghị, các đại biểu là nông dân, đại diện hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trao đổi một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Hiện nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, dịch bệnh không còn phù hợp với thực tế (cụ thể là một số nội dung trong Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh). Việc tiếp cận dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp gặp khó khăn. Theo đó, đại biểu đề nghị các bộ, ngành liên quan quan tâm nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách sát thực tiễn để hỗ trợ nông dân.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) mong muốn các cấp, ngành quan tâm nghiên cứu, quy hoạch khu vực sản xuất hoặc cụm chế biến cho các làng nghề, HTX. Mục đích để hỗ trợ HTX có quỹ đất xây dựng nhà xưởng, kho bãi, khu chế biến nhằm nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường; bảo đảm an toàn thực phẩm; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tạo điều kiện giúp các HTX hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ.
Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. |
Các đại biểu cũng quan tâm trao đổi nhiều ý kiến về cơ chế, chính sách để hướng tới mục tiêu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, giảm phát thải, phát triển tín chỉ các bon; giải pháp nâng cao giá trị nông sản; đào tạo, dạy nghề cho nông dân, nhất là những nông dân độ tuổi trung niên; giải pháp chuyển từ nông nghiệp thuần túy sang nông nghiệp hàng hóa; gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa tại khu vực nông thôn…
Trước các ý kiến của nông dân, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp trả lời một số nội dung và chỉ định lãnh đạo các bộ, ngành liên quan giải đáp những vấn đề nông dân quan tâm.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nông dân Việt Nam không chỉ hoàn thành sứ mệnh bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia mà đang góp phần quan trọng để bảo đảm an ninh lương thực thế giới, khi Việt Nam đang khẳng định lợi thế xuất khẩu lương thực vào thị trường quốc tế.
Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong bối cảnh đất nước đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực năm 2024, năm 2025 nông nghiệp, nông dân cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, bứt phá để kết thúc thắng lợi nhiệm kỳ Đại hội XIII, phấn đấu tăng trưởng GDP ít nhất 8%, cao hơn chỉ tiêu Trung ương, Quốc hội đã đề ra để tạo đà, tạo lực cho tăng trưởng 2 con số những năm tới.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, muốn phát triển nông nghiệp bền vững, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và khơi dậy khát vọng làm giàu của nông dân cần phải đưa nông nghiệp vào hệ sinh thái gồm các ngành nghề, lĩnh vực khác để cùng phát triển.
Đồng chí yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục rà soát, nghiên cứu thể chế, chính sách nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trong thực tiễn. Quan tâm quy hoạch ngành, vùng sản xuất, quy hoạch đất đai tạo điều kiện cho sản xuất tập trung, phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất. Việc quy hoạch phải đúng quy định, khoa học, có tầm nhìn, có tính liên kết, hiệu quả, lấy thực tiễn làm thước đo.
Quan tâm dự báo, mở rộng thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; có chính sách ưu đãi về tín dụng để khuyến khích, hỗ trợ nông dân làm giàu. Cùng đó tiếp tục duy trì mối liên kết "4 nhà" (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học) để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Ý kiến bạn đọc (0)