Thông qua Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế
Tham dự phiên làm việc có Trưởng Đại diện Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, Đại sứ các nước thành viên EU tại Việt Nam, thể hiện sự quan tâm và phối hợp thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam.
Các đại biểu Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức với tỉ lệ 95,24% số đại biểu tán thành. |
Quốc hội quyết nghị gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức (sau đây gọi tắt là Công ước số 105) được Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế thông qua ngày 25/6/1957 tại Geneva, Thụy Sỹ.
Nghị quyết nêu rõ: Áp dụng trực tiếp toàn bộ nội dung của Công ước số 105.
Về tổ chức thực hiện điều ước quốc tế, Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Công ước số 105, phê duyệt, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Công ước số 105; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung Công ước số 105 và những nội dung liên quan để tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục đối ngoại về việc gia nhập Công ước số 105 và thông báo thời điểm Công ước số 105 có hiệu lực đối với Việt Nam.
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc gia nhập Công ước số 105, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước này và cho rằng, việc gia nhập Công ước phù hợp với đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước.
Việc gia nhập Công ước số 105 vào thời điểm này là thận trọng, phù hợp với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, vì lợi ích quốc gia, thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, không chấp nhận cưỡng bức bóc lột lao động. Đồng thời, các ý kiến đại biểu cũng cho rằng các nội dung của Công ước số 105 không trái với các quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết về hành vi lao động cưỡng bức do đây là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần triển khai thực hiện Công ước số 105 có hiệu quả.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Bộ luật Lao động năm 2019 có nhiều quy định cụ thể nhằm phòng, chống lao động cưỡng bức, tương ứng với các trường hợp theo hướng dẫn của Tổ chức Lao động quốc tế.
Cụ thể, Điều 17 quy định nghiêm cấm người sử dụng lao động: Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động; yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động; buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.
Điều 35 quy định người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần nêu lý do mà chỉ cần báo trước cho người sử dụng lao động. Trong một số trường hợp, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động ngay lập tức mà không cần báo trước như trường hợp không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn; bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động.
Điều 102 quy định người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động trong một số trường hợp theo quy định. Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình và mức khấu trừ tiền lương hàng tháng không được quá 30% tiền lương thực trả hàng tháng của người lao động...
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng đã có quy định về Tội cưỡng bức lao động (tại Điều 297); quy định về Tội mua bán người (Điều 150); Tội mua bán người dưới 16 tuổi đối với các trường hợp chuyển giao hoặc tiếp nhận người để cưỡng bức lao động (Điều 151). Việc bổ sung quy định tội danh mới trong Bộ luật Hình sự đánh dấu bước tiến mới trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, cũng như quyết tâm của Việt Nam trong việc loại bỏ lao động cưỡng bức.
Về chế tài hành chính, theo Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 1/3/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã có quy định về chế tài hành chính đối với các hành vi vi phạm cụ thể nêu trên.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật hiện hành; đồng thời nghiên cứu cụ thể hóa hơn nữa một số hành vi lao động cưỡng bức để thuận lợi cho quá trình áp dụng pháp luật và góp phần vào việc thực hiện hiệu quả tinh thần Công ước số 105.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)