Thấp thoáng bình minh
Nhìn qua cũng biết, thằng Tũn chính là tất cả niềm vui, nỗi buồn, là nguồn sống, là sức mạnh của vợ chồng chị. Thế mà nay người ta lỡ đánh đập đến thâm tím mặt mày như vậy thì sao chị chịu nổi. Bao năm qua vợ chồng chị nhẫn nhịn, cam chịu mặc cho người đời chê bai, dè bỉu, xiên ngang, chọc ngược miễn sao gia đình chị yên ấm. Lúc nào chị cũng căn dặn chồng “Thôi anh ạ, mình sinh ra không được may mắn đủ đầy như bao người.
Minh họa: Đinh Hương |
Vợ chồng mình nghèo thì cam phận. Cái nghèo không có tội. Mà tội chính ở những kẻ dỗi hơi, chuyên đi soi mói châm chọc, đặt điều nói xấu người khác. Miệng lưỡi thế gian bao đời nay vẫn thế, cấm cũng chả được. Mình sống phận mình. Để ý làm gì cho nhọc lòng. Một điều nhịn, chín điều lành”. Nhưng đến nước này, chị nghĩ mình không cần nhẫn nhịn. Làm sao chị phải nhịn, phải cam chịu khi họ gây tổn thương đến Tũn như thế. Đã đến lúc vợ chồng chị phải sống khác.
Anh Lực chồng chị sau một hồi trăn trở thì quay mặt vào trong ngủ ngon lành. Chị Huệ vẫn ngồi canh thằng Tũn. Thi thoảng chị lại sờ trán, rồi sờ khắp người con xem có bị sốt hay không. Vừa sờ chị vừa lẩm bẩm: “khổ quá cơ, chuyện có gì to tát đâu mà bọn trẻ túm đánh thằng bé đến nông nỗi này”. Chuyện va chạm giữa Tũn và đám trẻ trong làng thường hay xảy ra.
Lúc ấy dân làng sẽ nhìn gia đình chị bằng con mắt khác. Có khi còn khâm phục và kính nể về tinh thần vượt khó làm giàu của anh chị. Người làng sẽ tôn trọng và quý mến anh chị và thằng Tũn. Chỉ nghĩ thế chị đã thấy trong lòng hừng hực niềm phấn khởi tin yêu và bao dung. |
Nhưng mọi lần Tũn luôn đi cùng bố hoặc mẹ, nên bọn trẻ chỉ gầm gừ, lườm nguýt nhau từ xa. Từ khi Tũn còn nằm trong bụng mẹ, dân làng đã xì xèo “Không biết đứa trẻ con anh Lực hủi sinh ra sẽ thế nào nhỉ? Liệu rằng nó có bị cụt ngón như bố không? Hay lại có một kiểu dị tật nào khác gớm ghiếc hơn nhỉ?”. Người truyền tai, người nay thì thào, mai thậm thụt thêu dệt đủ thứ chuyện ác mồm. Chị Huệ lặng câm không dám cự lại mồm miệng thiên hạ. Chị nín nhịn mọi thứ cho đến ngày đứa con đầu lòng của anh chị ra đời.
Chị sinh Tũn lành lặn, mập mạp với đủ mười ngón tay. Vợ chồng chị cởi được gánh nặng tâm lý, sung sướng vô tận trong vai trò mới. Cho đến khi Tũn biết đi, lún cún theo chân bố mẹ ra đồng, người làng vẫn chăm chăm nhòm ngó. Biết chắc thằng bé bình thường, thiên hạ lại bảo: “Ấy là phúc nhà nó dày. Tổ tông còn phù hộ cho mụn con lành nguyên”. Thế nhưng, xem ra Tũn không thích cách sống nhẫn nhịn của bố mẹ. Mỗi khi bị đám trẻ trong làng giễu cợt cậu lại nhảy dựng lên hệt như con nhím xù lông để bảo vệ mình.
Nhiều lần thấy Tũn vùng vằng với bọn trẻ, chị Huệ khuyên giải: “Con cứ coi như các bạn đang làm trò cho con xem. Đừng nổi nóng tức giận. Cả giận con sẽ mất khôn. Các bạn quan tâm đến con, nhưng chỉ là hơi thái quá, con đừng bận tâm mà làm gì nghe chưa”. Tũn vâng dạ cho qua. Cho đến chiều nay, khi Tũn một mình từ ngoài đồng về đi thả diều với ông Sáu thì bị đám trẻ trâu chặn lại.
Thằng Đắc lớn nhất cầm đầu cướp giỏ cua của Tũn đổ xuống mương nước. Ức quá. Tũn lao vào húc đầu thẳng bụng khiến thằng Đắc ngã lăn xuống mương. Cả đám thấy thế, lao vào đánh đấm túi bụi. Đang lúc đó bà Bảy đi qua. Bà này vốn chanh chua, chuyên đặt điều nói xấu bố mẹ Tũn nên cũng chả ưa gì thằng bé, thành thử khi thấy bọn trẻ đánh nhau bà chả thèm can ngăn còn a dua: “Con thằng hủi nghèo hèn láo toét không tốt đẹp gì, chúng bay đánh mòng mông nó đi”. Được thể, lũ trẻ càng hăng. May sao ông Sáu vừa kịp đến liền kéo thằng Tũn khỏi tay đám trẻ trâu hung hăng, nếu không chả biết hậu quả sẽ ra sao.
Trong bóng tối mờ ảo, lúc lúc chị lại sờ nắn rồi vô tình chạm vào vết thương dưới chân thằng bé. Cảm nhận được mức độ nghiêm trọng của sự việc, chị nấc lên thành tiếng. Nghe tiếng chị khóc, anh Lực chợt tỉnh quay về phía vợ nói giọng ngái ngủ: “Em vẫn thức đấy à? Nằm xuống mà ngủ đi. Nghĩ nhiều rồi lại ốm ra thì khổ. Thằng bé cũng chỉ bị thương ngoài da, chắc không sao. Để mai anh gặp bọn trẻ sẽ mắng cho chúng một trận. Lũ ấy phải cứng mới được”.
Anh an ủi chị vài câu rồi lại ngáp ngắn ngáp dài nhắm mắt ngủ tiếp. Chị hơi bực vì thái độ của anh. Vẫn biết anh Lực là người thẳng tính, hiền lành, vô lo vô nghĩ. Cũng nhờ cái tính vô tư ấy mà anh an nhiên dẫm lên mọi lời đồn đoán, dị nghị, gièm pha của người làng mà sống bao lâu nay. Nếu là người cả nghĩ có khi phải bán xới khỏi làng cũng nên. Ai đời, người ta thấy anh bị dị tật từ lúc sinh ra khi hai bàn tay chỉ có tám ngón, họ liền nhè vào những khiếm khuyết ấy mà đồn đoán: “Nó bị hủi đấy. Con sài hủi ăn mất hai ngón rồi.
Mai này nó sẽ ăn đứt cả bàn tay. Cánh tay sẽ cụt thun lủn nhìn gớm ghiếc lắm”. Có người còn độc miệng bảo: “Nó là thằng quái thai. Sau này lớn lên cưới vợ, con nó cũng sẽ bị quái thai như bố. Có khi cả bàn tay chả còn ngón nào. Hoặc mắt lại lồi lên, to tròn như mắt ếch. Đáng sợ lắm”. Cũng chỉ vì những lời bàn tán ấy của thiên hạ mà mẹ anh ngày một tiều tụy. Bà mất sau đó ít lâu. Bố anh sốc nặng sau cái chết của vợ, cũng đổ bệnh và mất.
Anh trở thành đứa trẻ côi cút được bà cô góa chồng mang về nuôi khi vẫn còn ẵm ngửa. Suốt những năm tháng tuổi thơ anh sống trong cô đơn vất vả. Người nhà lạnh nhạt hà khắc. Người làng xa lánh. Lúc nào anh cũng côi cút một mình với những khiếm khuyết chẳng bao giờ có thể lấp đầy. Thấy anh hoàn cảnh, nhưng tốt tính hiền lành, Huệ đem lòng thương cảm.
Chị cũng là trẻ mồ côi được bà ngoại nuôi từ nhỏ. Nhưng chị hạnh phúc hơn khi được sống trong vòng tay yêu thương và bao dung của bà. Bà đã dạy cho chị nhiều điều hay lẽ phải, dạy chị biết cách sống để cho đi những yêu thương. Tiếp xúc với anh mỗi ngày, chị nhận ra phía sau khuôn mặt lạnh có phần trơ lì của anh là một tâm hồn ấm áp. Người làng thấy anh chị hay đi cùng nhau, cười đùa thân mật lại ùa nhau thì thào: “Con bé Huệ mồ côi phải lòng thằng Lực hủi rồi. Nó cũng xinh xắn đáo để mà lại đâm đầu vào cái thằng khố rách áo ôm ấy. Dại quá”.
Nhưng cũng có nhiều người thiện lương bênh vực: “Dại khôn gì chả biết, nhưng chúng nó trai đơn gái chiếc lại cùng cảnh côi cút cũng dễ chia sẻ cảm thông lẫn nhau. Nên vợ nên chồng cũng mừng cho chúng. Thôi thì cảnh đời éo le, hai mảnh vỡ ghép lại mà khéo lo khéo đậy cũng ấm êm cả đời”. Ngày quyết định sánh bước cùng anh, chị chấp nhận sống một cuộc đời nhẫn nhịn với thị phi.
Trời đã tảng sáng. Chị rón rén tụt khỏi giường khẽ mở cửa đi xuống bếp. Cánh cửa bếp mở ra bất chợt với tiếng kêu ken két khiến lũ cua trong xô nhựa bò lạo xạo. Chị bật điện để nấu cho Tũn bát cháo. Nhìn thau cua vàng rộm bò loạn xạ trèo cả lên lưng nhau chị thở dài:
Anh chị sẽ phải thay đổi để Tũn có một tương lai khác hơn. Tương lai ấy cần sự tự tin, quyết đoán, sự lương thiện thật thà với nhu cương đúng lúc để làm chủ chính mình trước cuộc đời đầy nghiệt ngã này.
Nghĩ đến đây, chị như bừng tỉnh. Chị hiểu nước mắt rơi lúc này chỉ làm chị mềm lòng, yếu đuối. Đêm qua chị đã nghĩ rất nhiều, có lẽ anh chị nên đồng ý bán mảnh đất trong làng để làm việc lớn. Mảnh đất ấy nằm trong dự án quy hoạch khu công nghiệp. Chị nghe dân làng bảo thế và cũng chưa biết khi nào dự án triển khai. Ban đầu anh chị bảo nhau: “Mình phải giữ lại mảnh đất hương hỏa. Chứ bán đi thì tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống cũng chả thấm tháp gì”.
Nhưng cơ sự này thì anh chị sẽ phải bán luôn để lấy vốn làm ăn. “Thà cho con một nền tảng vững chắc để phát triển, còn hơn khư khư ôm mảnh đất trong muôn kiếp đói nghèo” - chị tính thế. Tiền bán mảnh đất, một phần chị gửi vào ngân hàng đề phòng lúc ốm đau bệnh tật và lấy lãi để Tũn học hành. Phần còn lại anh chị đầu tư hạ tầng để sản xuất rau sạch. Khu đầm lầy sẽ cải tạo thành ao để nuôi cua cá sạch. Bốn vùng quanh xây dựng khu trồng rau.
Những ngày đi bán cua, bán rau dưới chợ phố, chị đã thiết lập được nhiều mối hàng vào các bếp ăn, trường học. Nhịp sống ngày càng phát triển, làng Hạ của chị rồi cũng sẽ thay đổi khi dự án khu công nghiệp hình thành và đi vào hoạt động. Lúc ấy, nguồn sống tự nhiên cũng sẽ cạn kiệt dần. Con rái cá như chồng chị dù có tài, có duyên đến mấy cũng chả còn gì mà đánh bắt.
Đợi đến khi thất nghiệp mới tìm nghề xoay sở thì muộn mất. Hơn nữa, xã hội bây giờ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường, vì thế người dân có xu hướng ưu tiên chọn lựa nguồn thực phẩm xanh, sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh và giá thành hợp lý. Chính vì thế, cơ ngơi mấy sào ruộng và khu đầm lầy rộng rãi của anh chị đang có đã đến lúc cần phải đánh thức tiềm năng để khoác cho nó bộ mặt mới. Bộ mặt của ấm no hiện đại và bền vững.
Chị đã sẵn sàng cho chuỗi ngày mới bận rộn và khẩn trương để cùng chồng đi thăm thú học tập kinh nghiệm ở mấy mô hình trồng rau nhà vườn. Anh chị đến từng hợp tác xã trồng rau sạch trên địa bàn huyện để tìm hiểu cung cách làm ăn và nhờ giúp đỡ. Chị tin với sự cần cù chịu khó và mạnh dạn thay đổi cung cách làm hợp lý, tương lai gia đình chị nhất định sẽ khởi sắc.
Lúc ấy dân làng sẽ nhìn gia đình chị bằng con mắt khác. Có khi còn khâm phục và kính nể về tinh thần vượt khó làm giàu của anh chị. Người làng sẽ tôn trọng và quý mến anh chị và thằng Tũn. Chỉ nghĩ thế chị đã thấy trong lòng hừng hực niềm phấn khởi tin yêu và bao dung.
Truyện ngắn của Thanh Hoàn
Ý kiến bạn đọc (0)