Tập trung làm rõ vấn đề còn tồn tại, nhiệm vụ chưa hoàn thành
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu, đây là lần thứ hai trong nhiệm kỳ, Quốc hội tiến hành xem xét việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn theo quy định của Luật Giám sát của Quốc hội và HĐND. Lần thứ nhất là tại kỳ họp thứ sáu, kỳ họp giữa nhiệm kỳ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. |
Theo chương trình, tổng thời gian dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này là 2,5 ngày (ngày 6/11, ngày 9/11 và sáng 10/11).
Trước khi bước vào phần chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp, Quốc hội sẽ nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Đồng thời, Quốc hội cũng nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Đổi mới cách thức chất vấn và trả lời chất vấn
Theo sự điều hành của chủ tọa, mỗi lượt chất vấn sẽ có từ 3 đến 5 đại biểu đặt câu hỏi; các câu hỏi chất vấn được nêu không quá 1 phút. Người trả lời chất vấn cũng không trình bày quá 3 phút cho mỗi nội dung chất vấn của đại biểu. Thời gian tranh luận của mỗi đại biểu là 2 phút; mỗi đại biểu tranh luận không quá 2 lần để dành quyền chất vấn cho đại biểu khác.
Cách thức tiến hành chất vấn và trả lời sẽ không theo nhóm chuyên đề, mà đại biểu sẽ tiến hành chất vấn tất cả vấn đề. Những nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực phụ trách nào thì người đứng đầu cơ quan có liên quan sẽ chịu trách nhiệm trả lời trực tiếp theo điều hành của chủ tọa kỳ họp. Riêng lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế, do đã thay đổi nhiệm vụ mới, đang được Quốc hội tiến hành các thủ tục phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm nên chất vấn của các đại biểu sẽ được trả lời bằng văn bản.
Những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực sẽ trả lời làm rõ thêm. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ sẽ thay mặt Chính phủ phát biểu giải trình làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ.
Vấn đề nhà ở xã hội được chất vấn đầu tiên
Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) nêu chất vấn đầu tiên tới Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp hành động mang tính khả thi để người có thu nhập thấp tiếp cận được nhà ở xã hội tại các đô thị trong thời gian tới. Theo đại biểu, phân khúc nhà ở xã hội đang vắng bóng dần trong khi đối tượng có thu nhập thấp không thể tiếp cận nhà ở thương mại. Do đó, đại biểu mong Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giải trình rõ để cử tri và nhân dân an tâm.
Đại Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về công nghệ 5G được phát triển nhiều trên thế giới. Việc triển khai 5G ở Việt Nam như hiện nay có chậm trễ, giải pháp để hạn chế tối đa tốn kém, lãng phí khi triển khai trên diện rộng?
Đại biểu cũng gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đã chi trả bao nhiêu tiền từ ngân sách quốc gia và vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, biên soạn bộ sách giáo khoa, tài liệu và tập huấn.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Hiển chất vấn. |
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải thích rõ hiện tượng chất lượng rừng ở nhiều nơi trên cả nước rất thấp so với nhiều nước có chung đường biên giới.
Đại biểu cũng nêu chất vấn Viện trưởng Viện KSND Tối cao về nội dung năm 2020 đã phát hiện hơn 25.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường với hơn 3.000 tổ chức vi phạm, trong đó có nhiều vụ việc rất nghiêm trọng, nhưng đến nay chưa truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bất kỳ pháp nhân vi phạm nào. “Nguyên nhân là gì? Do hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu hay do bất cập của Bộ Luật hình sự, năng lực của cơ quan phòng, chống tội phạm?”, đại biểu hỏi.
Theo Hà Nội mới
Ý kiến bạn đọc (0)