Tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Chiêm Xuân 2021-2022
Theo đó, đối với sản xuất lúa Chiêm Xuân, UBND các huyện, thành phố cần sớm chỉ đạo UBND các cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã thực hiện rà soát lại kết quả lấy nước trong 2 đợt đổ ải vừa qua, tranh thủ khơi thông, tu bổ hệ thống kênh mương để thuận lợi cho việc tưới tiêu, đồng thời chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về nhân lực và hệ thống máy bơm để lấy nước theo lịch đổ ải đợt 3 từ ngày 13/2 đến ngày 17/2/2022.
Đẩy nhanh tiến độ làm đất, chuẩn bị các điều kiện giống, phân bón, vật tư nông nghiệp để gieo cấy tập trung theo lịch thời vụ khi có đủ nguồn nước và điều kiện thời tiết thuận lợi. Đối với diện tích lúa, mạ chưa gieo cấy, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để điều chỉnh thời điểm ngâm ủ, gieo cấy lúa xuân muộn hợp lý, trong khung lịch thời vụ.
Đẩy nhanh tiến độ làm đất, chuẩn bị các điều kiện giống, phân bón, vật tư nông nghiệp để gieo cấy tập trung theo lịch thời vụ. Ảnh minh họa.
|
Đối với diện tích mạ đã gieo, thực hiện che chắn, chống rét cho mạ bằng vòm che phủ nilon, tưới đủ nước để giữ ấm cho mạ; không bón phân đạm vào các ngày rét đậm, rét hại, bón bổ sung phân chuồng hoai mục, phân lân, tro bếp để chống rét cho mạ. Tuyệt đối không gieo, cấy khi nhiệt độ trung bình ngày đêm xuống dưới 15 độ C
Đối với diện tích lúa đã gieo cấy cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá, có biện pháp phòng chống rét kịp thời; đối với diện tích lúa cấy duy trì mực nước trên mặt ruộng 2-3 cm, không bón đạm khi thời tiết rét đậm, rét hại, nếu lúa chết cần dặm lại và chăm sóc kịp thời khi thời tiết ấm.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết tình hình phát sinh, phát triển và gây hại của các đối tượng sâu, bệnh đặc biệt là ốc bươu vàng hại lúa để có biện pháp chỉ đạo kịp thời. Tiếp tục chỉ đạo triển khai có hiệu quả các mô hình sản xuất lúa chất lượng tập trung được hỗ trợ vụ Xuân 2022 theo Kế hoạch số 451/KH-UBND ngày 19/9/2021 của UBND tỉnh.
Về sản xuất rau màu, chỉ đạo nông dân thu hoạch các loại rau màu vụ Đông đã đến thời kỳ thu hoạch đảm bảo năng suất, chất lượng; tiếp tục chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh diện tích rau mầu chưa đến thời kỳ thu hoạch. Đối với diện tích rau trên đất chuyên màu đã thu hoạch, chỉ đạo nông dân khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, làm đất và chuẩn bị hạt giống rau các loại bảo đảm chất lượng để tiếp tục gieo trồng càng sớm càng tốt nhằm bảo đảm nguồn rau cung cấp cho thị trường trong và sau Tết. Hạn chế tốt đa gieo trồng các cây rau màu cùng họ 2 vụ liên tiếp, không gieo trồng khi thời tiết rét đậm, rét hại.
Đối với sản xuất vải, tập trung các biện pháp chăm sóc, bón phân cân đối để cây ra hoa đậu quả đạt hiệu quả. Với những cây ra hoa kèm theo lộc, cần ngắt bỏ các lộc non để cây tập trung nuôi hoa. Đối với vải chính vụ, theo dõi sát sao diễn biến thời tiết và tình hình sinh trưởng, phát triển của cây để chăm sóc, kịp thời xử lý lộc cho vải ra hoa. Điều tra, theo dõi diễn biến phát sinh, gây hại các đối tượng sâu bệnh như: Sương mai, sâu đo, bọ xít, nhện lông nhung, rệp muội... để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Tăng cường công tác tuyên truyền, chỉ đạo nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là giải pháp về thời vụ, giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhất là diện tích đất lúa khó khăn về nước tưới để nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động chuẩn bị đủ mạ và nguồn giống lúa và rau mầu dự phòng bảo đảm chất lượng để khôi phục sản xuất kịp thời khi gặp điều kiện thời tiết bất thuận gây thiệt hại cho sản xuất.
Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp trên thị trường, kiên quyết không để hàng giả, hàng kém chất lượng lưu hành trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Theo Cổng TTĐT tỉnh
Ý kiến bạn đọc (0)