Sơn Động: Huy động nguồn lực kiên cố trường lớp học
Trường mới khang trang
Khuôn viên rộng rãi, quy hoạch các phòng học, phòng làm việc cũng như khu chức năng hợp lý với 3 dãy nhà kiên cố đã tạo cảnh quan sư phạm, ấn tượng với những ai đến thăm Trường THCS Giáo Liêm. Được biết, trước đây, học sinh nhà trường phải học tại những phòng học xây dựng từ năm 1999. Khu nhà hiệu bộ, các phòng chức năng xuống cấp. Vào những hôm trời mưa, thầy, trò phải tìm cách chống dột, thậm chí phải nghỉ học.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở Trường THCS Giáo Liêm được quan tâm đầu tư. |
Để thầy, trò nhà trường yên tâm công tác, học tập, năm 2020, từ các nguồn vốn, UBND huyện Sơn Động bố trí gần 16 tỷ đồng xây mới dãy nhà hiệu bộ, khu chức năng cũng như cải tạo, sửa chữa 6 phòng học, bảo đảm đầy đủ tiện nghi cho hoạt động của nhà trường. Đây là niềm mong mỏi không chỉ của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh mà còn là niềm vui chung của người dân trong xã. Trường lớp kiên cố khang trang không chỉ tạo tâm lý yên tâm về ngôi trường an toàn mỗi khi thời tiết mưa bão mà còn tạo tâm thế phấn khởi để thầy, trò nâng cao chất lượng giáo dục.
Em Lục Thị Mỹ Lệ, dân tộc Nùng, học sinh lớp 9 Trường THCS Giáo Liêm chia sẻ: “Trước đây, mỗi tiết học chúng em đều lo lắng khi phòng học tường bong chóc, những mảng vữa có thể rơi xuống bất cứ khi nào. Giờ thì nỗi lo đó không còn, chúng em yên tâm tập trung nghe giảng”.
Theo thống kê của UBND huyện Sơn Động, giai đoạn 2016- 2020, bằng các nguồn lực, địa phương bố trí gần 190 tỷ đồng để kiên cố hóa trường lớp của 3 cấp học (mầm non, tiểu học và THCS). Qua đó góp phần nâng tỷ lệ kiên cố hóa trên địa bàn đạt 93,9%, cao hơn bình quân chung của tỉnh.
Ghi nhận tại Trường Tiểu học An Bá cho thấy, để hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn trong năm nay, giai đoạn 2019- 2020, huyện bố trí hơn 20 tỷ đồng mở rộng, xây mới ba dãy nhà hai tầng với 16 phòng học, khu nhà hiệu bộ và các phòng chức năng tại khu trung tâm. Có đủ phòng học, nhà trường đưa hơn 100 học sinh tại hai khu lẻ ở thôn Lái và Đồng Dầu về điểm chính, bảo đảm mọi học sinh được học tập trong điều kiện tốt nhất. Nhờ đó, chất lượng giáo dục nâng lên, tỷ lệ học sinh lên lớp trong năm học 2020- 2021 đạt 99% (các năm trước đạt 96%), số học sinh được khen thưởng chiếm hơn 50%, cao hơn so với những năm học trước.
Giai đoạn 2016-2020, bằng các nguồn lực, huyện Sơn Động bố trí gần 190 tỷ đồng để kiên cố hóa trường lớp của 3 cấp học (mầm non, tiểu học và THCS). Qua đó góp phần nâng tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học trên địa bàn đạt 93,9%, cao hơn bình quân chung của tỉnh hơn 2%. |
Hay như từ chỗ luôn nằm trong tốp cuối về tỷ lệ học sinh đỗ vào lớp 10, năm học vừa qua Trường THCS Giáo Liêm vươn lên xếp thứ 8/23 trường THCS trong toàn huyện; tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng.
Thầy giáo Chu Bá Hưng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: “Việc đầu tư hệ thống phòng học, trang thiết bị cho các trường học giúp học sinh được tiếp cận đầy đủ lý thuyết và thực hành nên việc tiếp nhận kiến thức nhanh hơn”.
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Qua đánh giá, mặc dù hệ thống trường lớp đã được quan tâm đầu tư, xây dựng song do đặc thù địa bàn vùng cao, chất lượng giáo dục của huyện còn khiêm tốn, tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp (đạt 81,6%), thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung toàn tỉnh. Đặc biệt, do nhiều thôn, bản xa trung tâm, thường xuyên bị chia cắt khi mưa lớn nên việc đến trường của học sinh khó khăn, toàn huyện còn 66 điểm trường lẻ, điều kiện học tập hạn chế.
Trường Tiểu học An Bá phấn đấu đạt chuẩn trong năm nay. |
Nhìn nhận rõ những bất cập này, giai đoạn 2021-2025, UBND huyện có kế hoạch, đồng thời bố trí hơn 200 tỷ đồng kiên cố hóa trường lớp. Khác với những năm trước, huyện sẽ phân bổ vốn tập trung để xây dựng đồng bộ từng trường, trước hết ưu tiên những trường đang phấn đấu đạt chuẩn.
Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhiệm kỳ này, Huyện ủy, UBND huyện đề ra mục tiêu nâng tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp lên 98% (mục tiêu của tỉnh 96,9%), riêng bậc THCS đạt 100%; phấn đấu có thêm 8 trường đạt chuẩn, nâng tỷ lệ trường chuẩn lên 95%, tiệm cận với tỷ lệ chung toàn tỉnh.
Cụ thể hóa mục tiêu này, hiện huyện đã rà soát, lên kế hoạch di chuyển, xây mới 4 trường (Mầm non Phúc Sơn; THCS thị trấn Tây Yên Tử; THCS An Lập và Mầm non Yên Định), bảo đảm đủ diện tích và phù hợp quy hoạch chung; kinh phí dự kiến khoảng 30-40 tỷ đồng/dự án. Đối với 8 trường phấn đấu đạt chuẩn trong giai đoạn này, huyện xác định lộ trình theo từng năm để ưu tiên nguồn lực thực hiện.
Theo bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện, cùng với ngân sách địa phương, chúng tôi sẽ tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn sự nghiệp… để ưu tiên xây mới, nâng cấp một số trường. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất được thực hiện đồng bộ với đổi mới phương pháp dạy và học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thu dần khoảng các với miền xuôi.
Ý kiến bạn đọc (0)