Số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại
Hà Nội đang biến động về thời tiết, gây bệnh Covid và các bệnh hô hấp, nhiều trẻ mắc bệnh truyền nhiễm điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn. |
Cụ thể, từ ngày 3 đến 9/4, cả nước thêm 419 ca Covid, là tuần ghi nhận số ca cao nhất thời gian qua. Ngày 8/4 có số ca nhiều nhất là 122. Trước đó, mỗi tuần 70-120 ca. Bộ Y tế chưa ghi nhận có sự biến đổi về chủng virus mới tại Việt Nam.
Hà Nội là địa phương có số ca nhiễm và nặng cao nhất, tiếp theo là Thái Nguyên, Yên Bái, Cần Thơ.
Ngày 10/4, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội ghi nhận từ ngày 31/3 đến 7/4 có 67 ca Covid, tăng 44 trường hợp so với tuần trước. Số bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn cũng tăng. Như, Bệnh viện Thanh Nhàn mỗi ngày trung bình tiếp nhận 10-15 ca Covid, phần lớn là người trẻ, có triệu chứng ho, sốt, đau họng, tự test nhanh dương tính nên vào viện điều trị. Bệnh viện này vẫn duy trì khu vực khám, cách ly và điều trị Covid.
Còn bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết số ca Covid nặng gần đây gia tăng, song chưa ghi nhận triệu chứng mới. Bệnh viện đang điều trị 74 bệnh nhân nặng, trong đó có 5 ca thở máy, 10 ca thở oxy kính.
Ngày 11/4, ông Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, lý giải số ca tăng có thể do miễn dịch của người sau tiêm vaccine hoặc từng nhiễm đã giảm. Ngoài ra, thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, trong khi nhiều người lơ là không đeo khẩu trang nên lây nhiễm bệnh.
"Virus chưa mất đi mà vẫn tồn tại và lây lan trong cộng đồng", ông Phu nói và thêm rằng số ca nhiễm thực tế cao hơn số được Bộ Y tế công bố. Lý do là nhiều người có triệu chứng Covid nhưng không xét nghiệm, hoặc tự test dương tính nhưng tự điều trị ở nhà.
Ngày 10/4, Mỹ chính thức chấm dứt tình trạng khẩn cấp vì Covid-19, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang xem xét khả năng kết thúc trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, hiện vẫn áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo chiến lược của WHO là 2K (khẩu trang, khử khuẩn) và vaccine. Tuy nhiên, hôm 28/3, WHO điều chỉnh chiến lược, khuyến nghị trẻ em, thanh thiếu niên khỏe mạnh không nhất thiết tiêm mũi vaccine Covid tăng cường.
Trong bối cảnh này, ông Phu cho rằng dịch vẫn như làn sóng, giảm rồi lại tăng. Bộ Y tế cần đánh giá chính xác nguy cơ, phối hợp với WHO để có phương hướng công bố dịch bệnh phù hợp tình hình. Đồng thời, chiến lược tiêm vaccine Covid cũng cần được nghiên cứu, theo hướng bảo vệ nhóm nguy cơ, tức là người già, người bệnh nền, người suy giảm miễn dịch nên tiêm vaccine đầy đủ.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)