Sinh hoạt hè ở khu dân cư
BẮC GIANG - Kết thúc năm học với không ít áp lực, hàng nghìn học sinh ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng của TP Bắc Giang lại háo hức chờ đón kỳ nghỉ hè. Tổ chức sinh hoạt hè cho thanh, thiếu nhi tại khu dân cư là việc làm thiết thực, ý nghĩa nhằm tạo ra sân chơi bổ ích cho trẻ. Thế nhưng, ngoài những nơi làm tốt, ở nhiều khu dân cư, các hoạt động vẫn chưa hấp dẫn.
Qua tìm hiểu tại một số khu dân cư trên địa bàn TP cho thấy, nội dung sinh hoạt hè còn hình thức, chưa hiệu quả. Nhiều học sinh chia sẻ rằng, năm nào các em cũng chỉ tham gia chừng ấy trò chơi và hát những bài vốn đã quá quen thuộc trong nhà trường; học vài điệu nhảy hoặc bài múa để đi thi giữa các tổ dân phố vào cuối đợt nghỉ hè. Mặt khác, sau nghỉ hè 1-2 tuần, nhiều phụ huynh đã cho con đi học thêm, một số em học đến nỗi không có thời gian nghỉ ngơi. Tất nhiên với những em này, việc tham gia học hát, múa, nghi thức đội với bạn bè là điều không thể.
Có phụ huynh lo ngại con bị bắt nạt, kẻ xấu dụ dỗ, gây gổ đánh nhau... khi tham gia các sân chơi trong dịp hè. Vì thế, ở nhiều nơi, tỷ lệ thiếu niên, nhi đồng đi sinh hoạt hè rất thấp… Thực tế cho thấy nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng trên là do khâu tổ chức còn đơn điệu, chưa linh hoạt; nội dung nghèo nàn. Kỹ năng của nhiều người làm công tác đoàn, đội ở khu dân cư còn yếu. Một nguyên nhân nữa là do diện tích nhà văn hóa ở một số nơi chật hẹp, thiếu sân tập dẫn đến việc tổ chức các chương trình, nội dung gặp khó khăn.
Mục đích của sinh hoạt hè ở khu dân cư là nhằm thực hiện tốt công tác phối hợp giữa nhà trường và địa phương trong quản lý, giáo dục, tổ chức các hoạt động vui chơi bổ ích, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống cho học sinh. Để chương trình này thực sự ý nghĩa, hấp dẫn thiếu niên, nhi đồng cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Đó là: Tổ chức Đoàn chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phụ trách Đội ở các khu dân cư thông qua hình thức tập huấn kiến thức về công tác Đội, tâm lý, kỹ năng làm việc với trẻ em.
Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt cho phù hợp với tâm lý lứa tuổi để các em thấy hứng thú. Chính quyền địa phương quan tâm huy động nguồn lực, hỗ trợ kinh phí cho các phong trào của thanh, thiếu nhi; đầu tư cơ sở vật chất tại các điểm vui chơi; quan tâm bảo đảm an ninh, an toàn trên địa bàn. Các phụ huynh nên tạo điều kiện để trẻ được tham gia các chương trình văn nghệ, thể thao tại cơ sở; trang bị những kỹ năng cần thiết giúp trẻ nhận thức, hiểu biết, xử lý các tình huống.
Phương Ngân
Ý kiến bạn đọc (0)