Sau lưng là thành phố
Thế mà thấm thoắt cũng đã được ba năm (con được gần hai tuổi thì vợ Hào cũng theo chồng ra thành phố đi làm). Cũng thời gian đó, con gái Hào ở cùng ông bà nội thiếu đi hơi ấm của mẹ, của cha. Vẫn biết là tuỳ theo hoàn cảnh, do cuộc sống mưu sinh mà phải lựa chọn cảnh xa con, nhưng với vợ chồng Hào đó là cả sự day dứt và nhớ thương vời vợi.
Minh họa: Đinh Hương |
Có lần đang đêm nghe tiếng vợ khóc thút thít, Hào quay lại ôm vợ và hỏi han. Vợ Hào nghẹn ngào: "Em nhớ con quá anh ạ...". Hào thì thào: "Ừ, anh cũng thế. Thôi, nín đi em...". Thế là hai vợ chồng lại rì rầm kể chuyện về con. Lại nhớ hồi con mới tập lẫy, tập bò, tập đi rồi bi bô tập nói... Giờ lớn hơn một chút lại léo nhéo nói chuyện với mẹ qua điện thoại. Có lần hứng lên còn làm ca sĩ nhí hát bốn năm bài tặng bố mẹ. Ôi! Những hình ảnh và giọng nói ấy mới đáng yêu và ấm áp biết nhường nào!
Thường thì một tháng vợ chồng Hào tranh thủ về quê thăm con hai lần. Mỗi ngày trước đó là cả một niềm hoan hỉ và mong chờ. Cái ngày đó còn là một ngày dài vô tận, dài hơn cả sức tưởng tượng của hai vợ chồng. Chưa về đến nhà đã nghe tiếng con gái reo lên khi thấy tiếng xe máy nổ ngoài ngõ: “A, con biết bố mẹ về rồi nhé". “Làm sao con biết?"- Hào vừa hỏi vừa gạt chân chống xe. Còn vợ Hào thì ào đến ôm chầm lấy con mà hỏi liên hồi, mà thơm vào má, vào trán, vào tai và hít hà mái tóc ướt mồ hôi của con. Còn cảm xúc nào dạt dào, ấm áp, yêu thương hơn thế? Cái khoảng thời gian xa con tuy không dài nhưng nó đủ ấp ủ và nung nấu để lúc này vỡ oà trong sự sung sướng và hạnh phúc. Còn hạnh phúc nào hơn khi được gặp con gái yêu, được nghe con nói, được ngắm con cười, được ôm con vào lòng mà vuốt ve, âu yếm?
Thế nhưng cũng có lần chuẩn bị về quê thì trời đổ cơn mưa lớn. Trời lại sắp tối nên không về được với con. Khi đó hai người lại ngậm ngùi buồn đến vô cùng. Nghe tiếng vợ chồng phòng bên cạnh đùa với con, nghe tiếng em bé ấy cười khanh khách, vợ chồng Hào chỉ biết mở điện thoại xem ảnh con. Vừa xem ảnh, vợ Hào vừa thút thít. Còn Hào cũng buồn lắm, nhưng đàn ông ai lại khóc bao giờ?
Thế nhưng lần về quê vừa rồi Hào đã khóc. Hào không khóc giống như diễn viên Hàn Quốc, khóc cho tình yêu tan vỡ của anh ta, mà Hào khóc bởi vì thương con gái của mình. Khi vợ chồng Hào chuẩn bị ra nhà trọ để hôm sau đi làm thì bỗng đâu con gái lao ra, nước mắt con bé nhạt nhoà. Nó ôm lấy xe máy, gục đầu vào yên xe mà khóc mặc cho bà nội dỗ dành, an ủi. Trong dòng nước mắt, con bé tha thiết: "Bố... mẹ ơ... ở nhà với con...". Lúc đó Hào không thể ngăn được nước mắt và anh không ngại ngần cứ để nó tuôn rơi. Một tình cảm yêu thương trào dâng trong lòng. Hào đã khóc, khóc trước mọi người và khóc trước đứa con gái bé nhỏ. Đành rằng vì cuộc sống mưu sinh mà phải xa con. Nhưng lẽ nào để đánh đổi lấy đồng tiền mà phải trả bằng những giọt nước mắt nghẹn ngào đến thế?
Hào tỉnh giấc, thấy người bải hoải, anh liếc nhìn đồng hồ. Mới hơn chín giờ sáng mà đã tỉnh giấc. Thời tiết hôm nay oi bức quá, nóng thế này thì ngủ thế nào được. Làm ca đêm về mà không ngủ được thì tối nay lại đánh vật với những cơn buồn ngủ mất thôi. Thực sự Hào chẳng sợ vất vả, làm gì thì làm nhưng cuối tháng tiền lương rủng rỉnh là vui rồi. Dẫu vậy, cái cảnh nhà trọ chật chội như thế này thì Hào không thể nào quen được.
Vốn con nhà nông, sống ở quê từ nhỏ, Hào đã quá quen với cảnh sống thoải mái nơi làng quê. Đôi chân anh đã chạy nhảy khắp ngõ xóm, đường thôn, bãi sông và cánh đồng gió lộng. Như con chim ưa bay nhảy nay phải gò mình trong chiếc lồng nhỏ là căn phòng rộng chưa đầy mười hai mét vuông thì thật là cực hình đối với anh. Đấy là nói thế chứ đã đi ra ngoài bươn chải thì phải thích nghi thôi chứ biết làm sao. Khổ nhất là những ngày hè như thế này, mà lại làm ca đêm nữa chứ. Không ngủ nổi thì đêm sẽ rất mệt mỏi.
Mùa hè, trời nắng như nung. Ban ngày nhiệt độ như om vào những phòng trọ thấp lè tè với mái fibro xi-măng, tường mỏng để đêm về phả ra hơi nóng hầm hập khiến dân nhà trọ muốn phát điên. Đã thế, mùi bếp núc, mùi món ăn lại quyện vào không khí ngột ngạt làm hai vợ chồng Hào không ngủ được. Căn phòng đã chật chội như càng bị o ép lại thêm khi bếp ga, tủ quần áo và những vật dụng lủng củng choán hết cả không gian.
Mùa đông, gió luồn qua những kẽ hở buốt thon thót. Lắm lúc mệt mỏi và bức bí quá, Hào bảo vợ: “Về quê thôi em ạ, mệt mỏi quá rồi!”. Vợ Hào thẽ thọt: “Thôi, mình cố vài năm nữa anh ạ, cố lấy lưng vốn về quê làm ăn. Bây giờ còn sức khỏe vẫn cố được thì vợ chồng mình vẫn xác định là làm tạm thời mà”. Hào vò đầu bứt tai, lặng im không nói.
Hào hay mường tượng ra cảnh một ngày kia cả nhà sẽ sống yên bình nơi làng quê của mình. Đó là một quán tạp hóa nhỏ ngày ngày vợ anh bán hàng, còn anh chăn nuôi, làm vườn. Đứa con chạy ra chơi lăng xăng cùng bố. Thỉnh thoảng nó lại hát lên những bài hát trong trẻo và đáng yêu. Với Hào, cuộc sống như thế đã là hạnh phúc lắm. Nghĩ đến những cảnh ấy anh lại tĩnh trí hơn và nhủ với lòng mình cố gắng thêm vài năm nữa…
Dạo này công ty Hào ít việc, công nhân được nghỉ luân phiên mỗi người một tuần. Hào về quê thăm con trong niềm vui sướng vô bờ, niềm vui ấy làm anh bỗng chốc quên đi cảnh thất nghiệp tạm thời của mình. Ngay từ đêm hôm trước, vợ Hào đã chuẩn bị bao nhiêu là thứ để mang về cho con. Hào nhìn vợ mà lòng trào dâng bao cảm xúc ngổn ngang, anh chả biết đó là thứ cảm giác gì nữa.
Hào về nhà đúng đợt con bị sốt, chứng viêm amidan làm con bé thường lên cơn sốt cao và ho mỗi khi thay đổi thời tiết. Thỉnh thoảng vợ chồng Hào vẫn nhận những cuộc điện thoại của mẹ ở quê ra nói con bé lại sốt. Cả hai tuy sốt ruột nhưng ở xa cũng chỉ biết thở dài thương con, rồi công việc lại cuốn họ đi. Đang đêm ngủ Hào bỗng giật mình bởi tiếng con bé khóc. Những cơn ho và sốt làm con bé không ngủ được, cứ liên hồi đòi bà bế. Hào vén màn chạy sang phía giường hai bà cháu, nói với mẹ: “Mẹ đưa con bế cháu một lúc, mẹ nghỉ đi”. Hào bế con bé trên tay tầm dăm phút thì con bé lại đòi bà, thế là mẹ Hào lại lập cập chạy lại bế cháu.
Cả đêm con bé không ngừng khóc. Hào thương con nên không tài nào chợp mắt được, thi thoảng lại chạy sang chỗ con bé. Nhìn đứa con bé bỏng lăn lộn, mồ hôi bết tóc mà anh nghẹn ngào. Thì ra con bé vẫn phải vật lộn với những đợt ốm như thế này đây. Vợ chồng Hào vô tâm quá, họ có biết đâu xa con để kiếm tiền, để rồi con cái ốm đau, mẹ già vất vả thế này. Thoáng chốc trước mắt Hào hiện lên cảnh gian phòng trọ chật hẹp, cảnh sống tạm bợ của hai vợ chồng, từ khóe mắt anh chảy ra giọt nước mắt trong veo mà mặn chát. Trong vô thức bật lên câu nói: “Về thôi!” vang lên giữa màn đêm yên ắng.
Hai vợ chồng Hào đang chuẩn bị về quê nhưng lần về này hoàn toàn khác những lần trước đó, nó náo nức hơn và trong lòng là sự thanh thản. Lần này hai vợ chồng về là về hẳn không trở lại nơi này nữa. Thời gian đã minh chứng cho Hào biết anh không thuộc về nơi này, hay nói đúng hơn là không đủ điều kiện sống lâu dài nơi phố thị. Nếu tích cóp bằng đồng lương công nhân của hai người thì chẳng biết bao giờ hai vợ chồng mới có một mái nhà thật sự. Tuy có chút gì đó còn lưu luyến với nơi này nhưng cả hai vợ chồng dường như đã vừa trút bỏ một gánh nặng vô hình nào đó lại phía sau lưng.
Ô tô chuyển bánh đưa hai vợ chồng Hào về với quê hương, nơi ấy có những bụi tre xanh mướt, những ngõ nhỏ rợp bóng cây, với tiếng gà trưa gợi nên cảm giác thanh bình. Xe chạy nhanh dần lên, băng qua những con phố với những dãy nhà cao tầng và khói bụi. Chẳng mấy chốc làng mạc, ruộng đồng đã hiện ra hai bên đường. Hào gạt tấm kính xe ra, gió đồng phả vào mặt mát rượi làm anh khoan khoái hét lên, như một đứa trẻ: “Sắp về đến nhà rồi!”. Vợ anh ngồi bên cười dịu dàng, chị khẽ lay vai chồng và ra hiệu rằng họ đang ở trên xe có đông người. Hào quay lại nhìn xung quanh, ngượng ngùng rồi tủm tỉm cười một mình.
Hai vợ chồng bước đi trên con đường làng lạo xạo đá sỏi. Hào nắm tay vợ bước đi những bước nhẹ nhàng, thanh thản và vững chãi. Sau lưng anh là thành phố…
Nhài quyết quay lưng để dứt bỏ mối tình này. Hoa nhài vẫn thơm ngát ngoài hiên, mùa dịu dàng vẫn về quanh ngôi nhà của hai mẹ con nhưng trái tim Nhài thì đang vỡ ra, nức nở.
Truyện ngắn của Lê Minh Hải
Ý kiến bạn đọc (0)