Rộn ràng làng lên phố
7 địa phương được lựa chọn gồm: Thị trấn Tân An, thị trấn Nham Biền, các xã Tiền Phong, Nội Hoàng, Tân Liễu, Hương Gián và Cảnh Thụy. Những ngày này, câu chuyện làng lên phố, xã lên phường cũng đang rộn ràng ở nhiều nơi. Trong số đó, hai thị trấn có hạ tầng khung định sẵn hội tụ nhiều tiêu chí; 4 xã (Tiền Phong, Nội Hoàng, Tân Liễu, Hương Gián) có vị trí địa lý tiệm cận, giáp ranh TP Bắc Giang đã có trong quy hoạch. Riêng Cảnh Thuỵ là xã duy nhất chưa có trong quy hoạch chung TP Bắc Giang. Tuy nhiên, địa phương lại có nhiều lợi thế, yếu tố thuận lợi để nâng cấp lên phường.
Thị trấn Nham Biền sẽ được xây dựng trở thành phường. |
Cách trung tâm hành chính huyện chưa đầy 1 km, Cảnh Thuỵ là xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) cách đây đã 10 năm, được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao (năm 2022) và đang phấn đấu đến năm 2024 đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đi trên những tuyến đường bê tông rộng đẹp, ngắm những ngôi nhà mới bề thế, những ngôi trường đạt chuẩn khang trang, đường làng sạch sẽ, ngõ có số, tường có tranh, xung quanh cây cảnh, điện đường sáng trưng... mới cảm nhận rõ tốc độ “phố hóa” rất nhanh của vùng quê này.
Bà Đàm Thị Chiến, 70 tuổi, thôn Bình Voi phấn khởi: “Trước đây, đường vào làng chỉ rộng chừng hơn 2m, giờ thì to rộng, đổ bê tông, hai bên có nhiều chậu cây cảnh. Nhiều cửa hàng, cửa hiệu, dịch vụ tận nơi chẳng khác gì “phố trong làng”. Vài năm trước, chỉ có người phố mới đi bộ thể dục chứ nông dân chúng tôi làm gì có chuyện đó, bận tối mắt tối mũi mà cũng chẳng có chỗ để tập. Nay thì khác rồi, người người ới nhau đi thể dục, đi bộ quanh làng, ra nhà văn hóa có đủ các thiết bị, dụng cụ thể thao, trừ trời mưa còn lại ngày nào cũng đông, nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
Đồng chí Hoàng Hữu Hải, Chủ tịch UBND xã Cảnh Thuỵ cho biết: Song hành với mục tiêu NTM kiểu mẫu, địa phương đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí xây dựng xã lên phường theo định hướng chung. Cơ cấu kinh tế đang có sự chuyển dịch mạnh, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh với nhiều ngành nghề đa dạng trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
Đến nay, xã đã đáp ứng 11/13 tiêu chí; 2 tiêu chí chưa đạt là: Tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng; đất cây xanh sử dụng công cộng (đất công viên, vườn hoa, sân chơi cấp đơn vị ở) bình quân trên đầu người. Khảo sát ở 6 địa phương còn lại cho thấy, sau khi được lựa chọn lên phường, chính quyền các xã, thị trấn đã chỉ đạo rà soát, đánh giá sát tiêu chí, xác định rõ từng nhiệm vụ để xây dựng lộ trình và thời gian thực hiện.
Trên con đường phát triển từ làng lên phố, những xã, thị trấn lên phường sẽ có hạ tầng đô thị đồng bộ, phát triển. Việc trở thành phường không chỉ là sự đổi thay ở diện mạo bên ngoài mà còn tác động đến suy nghĩ, hành động của mỗi người dân, hướng tới xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn. |
Đến nay 7/7 xã, thị trấn đã ban hành Kế hoạch; lấy ý kiến nhân dân. Qua rà soát, đánh giá thực trạng các tiêu chí, tiêu chuẩn của phường cho thấy, thị trấn Nham Biền đã đáp ứng 12/13 tiêu chí; thị trấn Tân An đạt 11/13 tiêu chí; xã Tân Liễu 11/13 tiêu chí; xã Tiền Phong 10/13 tiêu chí; xã Nội Hoàng 10/13 tiêu chí; xã Hương Gián 9/13 tiêu chí.
Hành trình từ xã lên phường là một bước chuyển lớn về đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp; đẩy nhanh quá trình đô thị hóa và thu hút đầu tư, cải thiện môi trường... Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong nửa cuối nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Yên Dũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực thực hiện.
Huyện đang rà soát, hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tập trung là hạ tầng giao thông, chiếu sáng, cấp thoát nước. Đồng chí Ong Thế Viên, Trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện cho biết: Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng và đề xuất của UBND các xã, thị trấn, phòng đã đề xuất danh mục 65 dự án để hoàn thành các tiêu chuẩn, tiêu chí thành lập phường với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.175,8 tỷ đồng.
Trên con đường phát triển từ làng lên phố, những xã, thị trấn lên phường sẽ có hạ tầng đô thị đồng bộ, tạo thuận lợi để chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm việc ở lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ, giải quyết vấn đề người dân “ly nông không ly hương”. Các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường… cũng được đầu tư đáp ứng yêu cầu xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Trở thành phường không chỉ là sự đổi thay ở diện mạo bên ngoài mà còn tác động đến suy nghĩ, hành động của mỗi người dân, hướng tới xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
Tuấn Minh
Ý kiến bạn đọc (0)