Rà soát, điều chỉnh những quy định không còn phù hợp để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới
Quang cảnh hội nghị. |
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe, thảo luận sâu các báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm; tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022.
Tốc độ tăng trưởng GRDP đứng đầu cả nước
Theo báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà phục hồi mạnh mẽ và bền vững. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) 6 tháng đầu năm đạt 24%, cao nhất từ trước đến nay và đứng đầu cả nước. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 35,5%; dịch vụ tăng 7,8%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,7%; thuế sản phẩm tăng 6,6%. Quy mô GRDP (giá hiện hành) đạt 71.260 tỷ đồng, bằng 46,9% kế hoạch.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, tiếp tục là động lực chính trong phát triển kinh tế của tỉnh. Hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông kết nối và các hạ tầng phụ trợ khác được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ dự án, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Các hoạt động xây dựng trên địa bàn được đẩy mạnh. Nhiều dự án đầu tư công lớn và các công trình khu đô thị, khu dân cư mới, khu nhà ở... được tập trung triển khai đầu tư xây dựng và đẩy nhanh tiến độ.
Các loại cây trồng chủ lực tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất với quy mô lớn, có sự hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến.
Công tác thu chi ngân sách đạt kết quả tích cực. Tổng chi ngân sách ước đạt 11.355 tỷ đồng, bằng 53,7% dự toán năm, tăng 46,1% so cùng kỳ.
Công tác quy hoạch, đầu tư công và thu hút đầu tư được quan tâm chỉ đạo; quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường tiếp tục được tăng cường. Lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế tiếp tục được đẩy mạnh. Quốc phòng, an ninh trật tự trên địa bàn ổn định…
Chủ động tổng kết thực tiễn, sớm tháo gỡ bất cập
Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất công nghiệp của tỉnh phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI, đặc biệt là một nhóm nhỏ các doanh nghiệp lớn. Sức lan tỏa của các dự án FDI còn thấp, chưa tận dụng hiệu quả sự có mặt của các doanh nghiệp FDI lớn để nâng cao năng lực quản lý, trình độ công nghệ của doanh nghiệp địa phương.
Các đồng chí chủ trì hội nghị. |
Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện của các dự án còn thấp so với tổng vốn đầu tư đăng ký. Môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã có nhiều cố gắng song chưa thực sự được cải thiện.
Quỹ đất công nghiệp sạch trong các khu, cụm công nghiệp còn thiếu, trong khi công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp tiến độ chậm so với kế hoạch.
Một số loại tội phạm tăng và tiềm ẩn phức tạp; vi phạm trong khai thác, vận chuyển tài nguyên, khoáng sản, tình trạng chặt, phá rừng còn xảy ra ở một số địa phương…
Tại hội nghị, các ý kiến đại biểu tập trung làm rõ một số kết quả đạt được, đồng thời nêu những khó khăn, bất cập nảy sinh từ cơ sở. Đồng chí Bùi Thế Chung, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, tồn tại trên là do tư duy, tầm nhìn của nhiều cán bộ, công chức, nhất là cán bộ chủ chốt cấp cơ sở còn có mặt hạn chế. Vì thế, khi xử lý công việc bị lúng túng, hiệu quả thấp. “Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét tổ chức đánh giá, tổng kết những bài học, kinh nghiệm từ thực tiễn ở một số lĩnh vực có kết quả nổi bật, như tiêu thụ vải thiều, thu hút đầu tư, xây dựng quy hoạch tỉnh… từ đó có thể vận dụng cho các lĩnh vực khác”, đồng chí Bùi Thế Chung nói.
Đồng chí Dương Văn Thái kết luận hội nghị. |
Một số đại biểu có ý kiến về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU, ngày 11/6/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kiểm tra, thanh tra để xử lý các vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai (Chỉ thị 19). Nhìn chung, kết quả xử lý những vi phạm còn rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra; việc rà soát, thống kê những trường hợp vi phạm ở một số địa phương chưa đầy đủ, kịp thời. Theo đồng chí Ngụy Văn Tuyên, Bí thư Huyện ủy Sơn Động, khắc phục tình trạng này, cần xây dựng mạng lưới cộng tác viên ở cơ sở để kịp thời thông tin cho cấp ủy, chính quyền địa phương nắm bắt những trường hợp mới phát sinh vi phạm, từ đó xử lý nghiêm minh, dứt điểm.
Các ý kiến còn thảo luận sâu về khó khăn trong công tác đền bù GPMB; xây dựng quy hoạch phát triển KT-XH cấp huyện; thu hút nguồn nhân lực có tay nghề cao và bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho công nhân lao động trên địa bàn tỉnh; xem xét tháo gỡ vướng mắc trong việc phát huy nguồn lực tài nguyên đất đai, thu hút đầu tư; việc bầu cử trưởng thôn là đảng viên…
Đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu
Trên cơ sở những ý kiến, đề xuất của các đại biểu, đồng chí Lê Ánh Dương khẳng định, yêu cầu đặt ra trong Chỉ thị 19 đã rõ ràng, vì thế các địa phương, ngành chức năng cần tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm. Về công tác GPMB, nhiều địa phương đang lạm dụng vào việc cưỡng chế mà coi nhẹ khâu tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân tạo đồng thuận. Đồng chí đề nghị các huyện, TP phải làm thật kỹ các bước trong công tác GPMB, đánh giá sát những tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân sau khi bị thu hồi đất để có biện pháp thích hợp.
Đồng chí Lê Ánh Dương làm rõ một số nội dung các đại biểu nêu. |
Chủ tịch UBND tỉnh cũng thẳng thắn nêu 3 vấn đề đáng ngại nổi nên đối với một số cán bộ, công chức, đó là: Thiếu sâu sát, không có quyết tâm giải quyết những vấn đề khó ở địa phương, đơn vị mình; sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc khó cho người khác và không có tinh thần cầu thị, tự học hỏi, nâng cao trình độ mọi mặt.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, trước hết mỗi cán bộ, công chức phải chủ động trau dồi kiến thức, nâng cao bản lĩnh chính trị, nắm chắc các quy định, pháp luật liên quan ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu.
Kết luận hội nghị, đồng chí Dương Văn Thái nhấn mạnh, những kết quả của tỉnh đạt được trong 6 tháng đầu năm có được là do sự đồng thuận trong toàn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, trong đó có vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở.
Đồng chí yêu cầu thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị trên địa bàn tỉnh bám sát các chỉ thị, nghị quyết, sự chỉ đạo của T.Ư, Tỉnh ủy để tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành sớm rà soát những quy định, cơ chế, chính sách, xem xét điều chỉnh những nội dung lỗi thời, không còn phù hợp với thực tế nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Quan tâm làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Trước hết, đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng, chống Covid-19 mũi tăng cường (mũi 4) cho các đối tượng đủ điều kiện theo yêu cầu và tiêm vắc-xin cho trẻ em trong độ tuổi quy định. Các cơ sở y tế chủ động bảo đảm vật tư y tế để phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân.
Các huyện, TP tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, phối hợp với các ngành liên quan để triển khai cụ thể hóa. Đẩy mạnh nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức thiếu tinh thần tránh nhiệm, trình độ chuyên môn yếu, không đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Đồng chí Dương Văn Thái đề nghị tăng cường các biện pháp chống thất thu ngân sách, quản lý tốt ngân sách các cấp. Tập trung nâng cao chất lượng tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Nếu từ nay đến cuối năm, địa phương nào để xảy ra tình trạng có nhiều đơn thư kéo dài, không kịp thời xử lý đề nghị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến công tác này.
Tăng cường phối hợp giữa MTTQ, các đoàn thể chính trị- xã hội với các cấp chính quyền trong việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Trong đó, quan tâm thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Trước mắt, các ngành quan tâm hỗ trợ các địa phương có diện tích vải thiều lớn trong công tác tiêu thụ, vận chuyển lưu thông hàng hóa thông suốt, an toàn.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thông qua dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển 3 chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Giang.
Các đại biểu cũng nghiên cứu, cho ý kiến trực tiếp vào một số báo cáo quan trọng khác.
Tin, ảnh: Đỗ Thành Nam
Ý kiến bạn đọc (0)