Quản lý trật tự xây dựng: Ngăn ngừa vi phạm từ sớm, xử lý chặt chẽ
Khó quản lý xây dựng nhà dân dụng
Khu vực các xã Nội Hoàng, Tiền Phong, Yên Lư của huyện Yên Dũng (Bắc Giang) mấy năm gần đây như “đại công trường” với hàng trăm nhà trọ trong các hộ được xây dựng nhanh chóng. Nhiều nhà xây đến 8-9 tầng, quy mô lớn, có cả thang máy, đủ chỗ ở cho cả trăm công nhân. Do hoạt động xây dựng diễn ra sôi động như vậy nên khó kiểm soát, xuất hiện nhiều vi phạm.
Một hộ dân tại xã Nội Hoàng (Yên Dũng) xây nhà trọ cao tầng thiếu các biện pháp bảo đảm an toàn, để rơi vãi vật liệu ra xung quanh. |
Cùng cán bộ của Đội Quản lý trật tự giao thông, xây dựng và môi trường huyện Yên Dũng đến nhà chị N.T.M ở thôn Nội, xã Nội Hoàng đúng lúc gia đình chị đang mở rộng, cải tạo khu nhà trọ. Trên diện tích hơn 100 m2, chị M xây thêm 3 tầng, 20 phòng nâng tổng số phòng trọ của gia đình chị lên 40. Đáng chú ý là trong quá trình xây dựng, một số người dân xung quanh phản ánh gia đình chị M chưa chấp hành nghiêm quy định.
Sau khi kiểm tra, các cán bộ của huyện Yên Dũng và xã Nội Hoàng chỉ ra cho chị M nhiều điểm cần khắc phục, trong đó đặc biệt là các biện pháp bảo đảm an toàn, không để vật liệu xây dựng rơi vãi sang nhà khác; tập kết cát sỏi, gạch... trong khu vực của gia đình, không ảnh hưởng đến hàng xóm; rác thải xây dựng cần thu dọn, xử lý ngay trong ngày, không để tồn đọng...
Qua nghe phân tích, chị M nhận ra những tồn tại trong quá trình xây dựng và cam kết chấp hành. “Tôi cứ nghĩ xây dựng trong diện tích đất của gia đình thì thế nào cũng được nhưng sau khi được tuyên truyền, giải thích, tôi đã nhận ra phải chấp hành đúng quy định về xây dựng” – chị M nói.
Tìm hiểu trên địa bàn TP Bắc Giang cũng có tình trạng tương tự. Ông Trương Hồng Minh, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự giao thông, xây dựng và môi trường TP cho biết, tính đến hết tháng 11/2021, TP cấp hơn 1.450 giấy phép xây dựng.
Qua kiểm tra, giám sát, Đội phát hiện 10 trường hợp xây dựng sai phép, không phép, hiện đã có 8 trường hợp khắc phục xong, vẫn còn 2 trường hợp đang tiếp tục xử lý. Đội tham mưu với Chủ tịch UBND TP xử phạt vi phạm hành chính 8 trường hợp với tổng số tiền phạt hơn 168 triệu đồng, rải rác ở các phường: Ngô Quyền, Trần Phú, Mỹ Độ, Dĩnh Kế, các xã: Đồng Sơn, Tân Tiến, Dĩnh Trì.
Những vi phạm phổ biến diễn ra chủ yếu là nhà ở riêng lẻ của các gia đình, công trình dân dụng với các lỗi như thi công trước khi có giấy phép, xây sai phép, không đúng quy hoạch, sai thiết kế đô thị, lấn chiếm hành lang giao thông...
Kiểm tra thường xuyên, rõ trách nhiệm
Trao đổi với đại diện Thanh tra Sở Xây dựng được biết, qua nắm tình hình trong toàn tỉnh cho thấy nguyên nhân đến từ việc phát triển “nóng”, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhất là ở các khu vực ven khu, cụm công nghiệp, khu dân cư mới. Theo Luật Xây dựng, các công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ dưới 7 tầng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch thì được miễn giấy phép xây dựng càng khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
Thông tin phản ánh về vi phạm trật tự xây dựng phải được tiếp nhận, khẩn trương xác minh, kiểm tra và xử lý theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm việc theo dõi, giám sát của các tổ chức, cá nhân liên quan”. Ông Trần Vũ Thông, Phó Giám đốc Sở Xây dựng |
Trong khi đó, đội ngũ cán bộ trật tự xây dựng mỏng, số lượng ít, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý địa bàn rộng, phức tạp. Ý thức chấp hành pháp luật về xây dựng của một số người dân, doanh nghiệp còn thấp, có trường hợp biết vi phạm nhưng vẫn cố tình xây dựng.
Một nguyên nhân khác là các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng, nhất là cấp huyện, xã chưa làm tròn trách nhiệm, chức năng, quyền hạn trong việc theo dõi, kiểm tra, xử lý và đôn đốc thực hiện”. Để khắc phục tình trạng này, Sở Xây dựng đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định số 65/2021/QĐ-UBND ngày 29/11/2021 quy định một số nội dung về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 10/12/2021. Văn bản nêu cụ thể, chi tiết những nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, phân cấp quản lý trật tự xây dựng trong toàn tỉnh; quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng; trách nhiệm của các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã và chủ đầu tư công trình.
Theo ông Trần Vũ Thông, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, thay đổi lớn nhất trong quan điểm chỉ đạo là phải bảo đảm công tác quản lý trật tự xây dựng được thực hiện thường xuyên, ngay từ khi tiếp nhận thông báo khởi công và theo suốt quá trình xây dựng cho đến lúc công trình hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm phát sinh. Việc kiểm tra thực hiện công khai, minh bạch, khách quan, đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định.
Trong hoạt động phối hợp phân định rõ quan hệ tổ chức, cá nhân chủ trì, bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, đúng chức năng, nhiệm vụ. Khi phát hiện vi phạm phải yêu cầu dừng ngay thi công, xử lý theo thẩm quyền, khắc phục triệt để hậu quả vi phạm hành chính về trật tự xây dựng.
Bài, ảnh: Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)