Quản lý, sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở
Tiêu chí của nông thôn mới
Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, các thiết chế VHTT ở cơ sở ngày càng được quan tâm đầu tư. Hiện nay, 2.479 thôn, bản, tổ dân phố toàn tỉnh Bắc Giang có 2.340 nhà văn hóa, 575 sân bóng đá, 338 sân bóng chuyền, 248 nhà tập luyện thể thao có mái che, cơ bản đáp ứng được hoạt động của 2.437 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao ở cộng đồng.
Người dân sinh hoạt văn nghệ tại nhà văn hóa thôn Tân Phượng, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang). |
Tại TP Bắc Giang, từ năm 2016 - 2018 đã huy động hơn 300 tỷ đồng đầu tư xây dựng các thiết chế VHTT của TP và các phường xã. Trong đó, đầu tư xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao phường, xã ước khoảng 20 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa nâng cấp nhà văn hóa, sân thể thao thôn, tổ dân phố ước khoảng 30 tỷ đồng, kinh phí xã hội hóa (chủ yếu ở các thôn, tổ dân phố) khoảng 30 tỷ đồng.
Tại Tân Yên, trong 3 năm qua, dù còn gặp khó khăn song huyện đã nỗ lực huy động hơn 140 tỷ đồng đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thiết chế VHTT cấp huyện, cấp xã. Trong đó, hơn 50% kinh phí xã hội hóa.
Hệ thống các thiết chế VHTT các cấp, nhất là các thiết chế VHTT ở thôn, bản, tổ dân phố đã góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu giao lưu, sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, tạo diện mạo mới ở các khu dân cư, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các địa phương.
Khắc phục bất cập, lãng phí
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Bắc Giang vừa qua cho thấy tình hình quản lý, sử dụng các thiết chế VHTT cơ sở trên địa bàn tỉnh hiện nay còn những bất cập.
Hiện nay toàn tỉnh có 120/230 xã, thị trấn có sân vận động, đây cũng là một tiêu chí quan trọng giúp 80 xã hoàn thành về đích nông thôn mới. Tuy nhiên, sau đó nhiều sân vận động xã để cỏ mọc hoặc biến thành nơi đổ rác của một số hộ dân xung quanh. |
Trước hết, việc đầu tư cơ sở vật chất đối với hệ thống các thiết chế VHTT chưa đồng bộ, chênh lệch nhiều giữa miền núi và miền xuôi. Các thiết chế thể thao cộng đồng chủ yếu phục vụ người cao tuổi, còn ít khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em. Để bảo đảm cuộc chạy đua về đích xây dựng nông thôn mới (trong đó có tiêu chí số 6 và 16 về cơ sở vật chất văn hóa), các địa phương chủ yếu quan tâm bố trí kinh phí cho việc xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao của xã và thôn, còn lại cơ sở vật chất của những thiết chế văn hóa khác dường như bị bỏ ngỏ hoặc hoạt động chỉ mang tính hình thức. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), toàn tỉnh hiện nay có 197/230 nhà văn hóa cấp xã (chiếm 88,3%), trong khi đó chỉ có 65/230 xã, phường, thị trấn có thư viện xã (chiếm 28,2%). Ngay tại TP Bắc Giang cũng chỉ có 6/16 phường, xã có thư viện với số lượng đầu sách nghèo nàn và thưa thớt độc giả. Hoạt động của các tủ sách pháp luật ở cấp xã cũng chung tình trạng như vậy. Phần lớn các điểm bưu điện văn hóa xã hiện chỉ còn là nơi chuyển bưu kiện, thư báo.
Hiện nay toàn tỉnh có 120/230 xã, thị trấn có sân vận động, đây cũng là một tiêu chí quan trọng giúp 80 xã hoàn thành về đích nông thôn mới. Tuy nhiên, sau đó nhiều sân vận động xã để cỏ mọc hoặc biến thành nơi đổ rác của một số hộ dân xung quanh. Lý giải về tình trạng này, cán bộ xã cho biết để sử dụng hiệu quả và phù hợp với thời gian vui chơi ở địa phương, rất cần phải đầu tư thêm hệ thống đèn chiếu sáng, khu vệ sinh, chi phí điện, nước… nhưng ngân sách xã khó khăn nên chưa thể đáp ứng. Việc huy động sự đóng góp của người dân đối với sân vận động của xã cũng khó hơn so với việc huy động xây dựng, sân chơi, bãi tập ở các thôn, tổ dân phố.
Ngoài bất cập về khai thác, sử dụng, hiện nay công tác quản lý các thiết chế VHTT cơ sở cũng cần bàn. Đối với nhà văn hóa, khu thể thao cấp xã hầu hết đều giao cho cán bộ văn hóa hoặc cán bộ đoàn thanh niên kiêm nhiệm quản lý, không có phụ cấp. Hoạt động của các nhà văn hóa tại các thôn, bản, tổ dân phố hiện nay đều không có kinh phí hỗ trợ từ ngân sách, chủ yếu là tự quản. Có nơi giao cho bí thư chi bộ, trưởng thôn quản lý trên tinh thần tự nguyện. Có nơi trích quỹ thôn vài trăm nghìn đồng cho một người chuyên bảo vệ, quét dọn vệ sinh. Riêng thôn Chính (xã Hồng Giang, Lục Ngạn), các hộ dân đồng tình, đóng góp và giao cho một người phụ trách quản lý khu văn hóa - thể thao thôn với mức 2,5 triệu đồng/tháng. Để có kinh phí trang trải cho hoạt động chung, một số thôn, tổ dân phố cho thuê nhà văn hóa để tổ chức hội nghị, đám cưới.
Để phát huy hiệu quả sử dụng hệ thống thiết chế VHTT cơ sở, UBND tỉnh cần đánh giá kết quả thực hiện Đề án Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở rà soát, tập trung phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra đến năm 2020, điều chỉnh những mục tiêu, nội dung không còn phù hợp để có giải pháp thiết thực cho giai đoạn tiếp theo. Dành sự ưu tiên trong việc bố trí ngân sách đầu tư thiết chế VHTT đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Tiếp tục kêu gọi xã hội hóa và sự đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc xây dựng các thiết chế VHTT, khu vui chơi giải trí cho thanh thiếu nhi.
Sở VHTTDL cần hướng dẫn xây dựng quy chế quản lý chung đối với các thiết chế VH,TT cơ sở thuộc ngành quản lý, tránh tình trạng thiếu thống nhất như hiện nay. Có cơ chế khuyến khích phát huy tính tự chủ trong quản lý, khai thác, sử dụng các thiết chế VHTT như nhà văn hóa, sân vận động ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, tránh lãng phí.
Lê Huyền
Ý kiến bạn đọc (0)