Quản lý chặt chẽ ngân sách Nhà nước, tăng hiệu quả cải cách hành chính
Ông Bùi Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Nội vụ: Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách hành chính
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị. Trong đó, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, TP; tập trung vào một số nhiệm vụ: Chủ động tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định về chế độ, chính sách trong các ngành, lĩnh vực để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng, phù hợp, tạo thuận lợi và đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp và các thành phần kinh tế. Kịp thời điều chỉnh, sắp xếp bộ máy hành chính và đơn vị sự nghiệp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm theo Nghị quyết 140 của BTV Tỉnh ủy và Đề án của UBND tỉnh.
Tiếp tục phân cấp, phân quyền để tạo sự chủ động trong thực thi nhiệm vụ; giao quyền tự chủ về biên chế và kinh phí cho các đơn vị sự nghiệp. Đơn giản hóa quy trình, thành phần hồ sơ, rút ngắn thời hạn giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) từ 25% trở lên. Lựa chọn, bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp, tinh giản biên chế để phát huy năng lực, sở trường.
Nâng cao chất lượng công tác đánh giá, xếp loại, có chế độ đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức nêu cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ. Giao quyền tự chủ hoàn toàn biên chế, kinh phí cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Tăng số lượng và chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 kết hợp tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC qua bưu điện. Kiểm tra định kỳ, đột xuất về cải cách hành chính đối với các sở, ngành, cấp huyện, cấp xã để hướng dẫn, chấn chỉnh cơ quan, đơn vị làm chưa tốt.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh: Tập trung giải quyết nợ đọng thuế
Tổng số nợ đọng thuế của tỉnh tính đến ngày 30-6-2017 là 434,6 tỷ đồng. Để xử lý nợ đọng thuế, ngành sẽ tập trung thực hiện các biện pháp: Tổ chức rà soát, đối chiếu xác định chính xác nợ đọng thuế của các doanh nghiệp; làm việc với các doanh nghiệp có nợ đọng lớn để đánh giá đúng khả năng tài chính, xác định thời gian, lộ trình nộp thuế.
Tập trung phân tích, nắm bắt thông tin về người nợ thuế, kiện toàn hồ sơ tiến hành cưỡng chế nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế; tăng cường áp dụng biện pháp cưỡng chế; thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chây ỳ không nộp ngân sách Nhà nước.
Ngành thực hiện các bước đôn đốc thu đối với người nộp thuế còn nợ tiền thuế truy thu và tiền phạt theo đúng quy trình quản lý nợ; hoàn thiện hồ sơ để thực hiện các bước cưỡng chế thu nợ theo quy định. Đôn đốc thu 100% số tiền thuế truy thu, tiền phạt vi phạm hành chính trong các quyết định và kết luận xử lý vi phạm hành chính về thuế năm 2017. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, thực hiện biện pháp trích tiền qua tài khoản của các doanh nghiệp nợ thuế vào ngân sách nhà nước có hiệu quả hơn nữa.
Ông Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở Tài chính, đại biểu HĐND tỉnh: Chấp hành nghiêm Luật Ngân sách nhà nước
Để bảo đảm tính kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu quả sử dụng cũng như khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng nguồn dự phòng ngân sách thời gian qua, các cấp ngân sách, đặc biệt là huyện, xã cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung như:
Đánh giá sát tình hình thực tiễn của địa phương nhằm xây dựng, bố trí dự toán ngay từ đầu năm các nhu cầu, nhiệm vụ chi bảo đảm chủ động và có đủ nguồn lực tài chính chi cho phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói; nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cần thiết khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp mình theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015.
Điều hành, chấp hành dự toán ngân sách thật nghiêm túc, trong đó có việc quản lý, sử dụng nguồn dự phòng ngân sách. Chủ động và kiên quyết dành tối thiểu 50% dự toán dự phòng ngân sách để sử dụng vào việc bù đắp hụt thu (nếu có), tạo nguồn lực thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh về hỗ trợ đầu tư đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Khắc phục triệt để tình trạng sử dụng dự phòng ngân sách không đúng quy định; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách, tài chính tại cơ quan, địa phương, đơn vị. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thẩm định quyết toán sử dụng nguồn dự phòng ngân sách; kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh việc sử dụng nguồn dự phòng ngân sách không đúng quy định.
Ông Ong Thế Viên, Giám đốc Sở Y tế: Nâng cao năng lực chuyên môn, cải cách hành chính bệnh viện
Theo cơ chế tự chủ tài chính ở các bệnh viện công lập, ngành y tế sẽ tăng cường thực hiện đề án xã hội hóa y tế tại các bệnh viện công lập để chủ động huy động các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước cho xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đặc biệt là đào tạo đội ngũ phát triển chuyên môn kỹ thuật các bệnh viện.
Thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm hạn chế tình trạng vượt quỹ, vượt trần trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) như giao dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT cho từng bệnh viện; mở rộng độ bao phủ BHYT; ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ khám chữa bệnh BHYT; sử dụng thuốc hợp lý và tăng sử dụng thuốc nội.
Tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ ỵ tế tại bệnh viện trong tỉnh theo các đề án, dự án hỗ trợ của T.Ư, của tỉnh để phát triển kỹ thuật, đa dạng hóa dịch vụ khám chữa bệnh, giảm chuyển tuyến. Tiếp tục cải cách hành chính, làm hài lòng người bệnh, coi bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở bệnh viện là điều kiện duy nhất để bệnh viện tồn tại, phát triển cũng như nâng cao đời sống cán bộ, nhân viên. Kiến nghị tỉnh cho phép các giám đốc bệnh viện công lập được xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyển dụng bác sĩ, dược sĩ đại học, cán bộ khác, ký hợp đồng dài hạn với người lao động kể các các dịch vụ xã hội hóa.
Nhóm PVVHXH
Ý kiến bạn đọc (0)