Phòng, chống tội phạm mua bán người: Kịp thời xử lý tin báo, hỗ trợ nạn nhân
Theo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 200 nạn nhân xác định bị mua bán và hàng trăm trường hợp nghi bị mua bán. Hầu hết các nạn nhân vì nhẹ dạ, cả tin vào viễn cảnh sung túc, công việc nhàn hạ, thu nhập cao ở xứ người dẫn đến sập bẫy kẻ xấu. Đối tượng của tội phạm mua bán người là phụ nữ và trẻ em gái.
Đối tượng Trần Thị Bạn tại phiên tòa. Ảnh: Chí Dũng. |
Mới đây, TAND tỉnh mở phiên tòa xét xử bị cáo Trần Thị Bạn (SN 1985) trú tại thôn Giếng, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) về hành vi “Mua bán người” và “Mua bán trẻ em”. Theo cáo trạng, từ năm 2007 đến 2010, Bạn và đồng phạm đã thực hiện 2 vụ mua bán trẻ em và 3 vụ mua bán người với 7 bị hại (có 3 trẻ em) sang Trung Quốc lấy tiền. Với hành vi trên, Bạn bị tuyên phạt mức án 17 năm tù.
Được biết, hai năm qua, các cơ quan điều tra, tố tụng trên địa bàn tỉnh đã khám phá, bắt giữ hơn 14 vụ mua bán người với hàng chục đối tượng liên quan; đồng thời mỗi năm tiếp nhận từ 20-30 đơn tố cáo các đối tượng mua bán người. Qua phân tích các vụ việc liên quan cho thấy, hầu hết nạn nhân sau khi bị lừa bán đều bị xâm hại nghiêm trọng về sức khỏe, gặp phải cuộc sống khó khăn, không có gia đình, giấy tờ tùy thân, hộ tịch.
Đơn cử như chị B.K.A (SN 1974), trú tại tổ dân phố Dục Quang, thị trấn Bích Động (Việt Yên) bị lừa bán sang Trung Quốc cách đây gần 30 năm. Năm 16 tuổi, chị lấy chồng rồi sinh con. Vừa mới lớn lại phải làm vợ, làm mẹ, cuộc sống khó khăn, chị luôn ao ước một ngày nào đó sẽ “đổi đời”.
Nung nấu ước mơ đó, chị đã bị kẻ xấu hứa hẹn giúp đưa ra nước ngoài lao động với công việc nhẹ nhàng nhưng lương cao. Nào ngờ, từ khi sang đất khách, chị A rơi vào “địa ngục trần gian” khi bị bán vào nhà chứa, đánh đập, hành hạ... Năm 2014, chị A may mắn trốn được về nước. Hiện, sức khỏe của chị giảm sút, cuộc sống chủ yếu nương nhờ vào gia đình chị gái.
Hai năm qua, các cơ quan điều tra, tố tụng trên địa bàn tỉnh đã khám phá, bắt giữ hơn 14 vụ mua bán người với hàng chục đối tượng liên quan; đồng thời mỗi năm tiếp nhận từ 20-30 đơn tố cáo các đối tượng có dấu hiệu mua bán người. |
Thực tế cho thấy, đối tượng phạm tội mua bán người làm nhiều nghề khác nhau và thường thông thuộc khu vực biên giới, ít nhiều biết được phong tục, tập quán của người dân nước bạn.
Thủ đoạn của chúng là tiếp cận nạn nhân làm quen, sau đó rủ rê đi mua sắm, du lịch, tìm việc làm hoặc môi giới hôn nhân sau đó lừa bán. Nhiều người từng là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm hoặc lấy chồng bất hợp pháp, sau đó quay về nước thăm thân rồi lại cấu kết với đối tượng khác lừa đưa các nạn nhân bán sang nước ngoài.
Để người dân nâng cao hiểu biết, nắm được thủ đoạn của tội phạm mua bán người, thời gian qua, công tác tuyên truyền được các cơ quan chức năng xác định là giải pháp then chốt. Theo đó, đoàn thanh niên các địa phương đã phối hợp với hội phụ nữ tổ chức tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm này; phối hợp với các nhà trường lồng ghép tuyên truyền các thông điệp phòng, chống mua bán người vào các tiết học giáo dục công dân, ngoại khóa…
Đồng thời chú trọng truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội... để mọi người dân, nhất là nữ giới biết, chủ động có biện pháp phòng ngừa, tự bảo vệ mình.
Kiểm sát viên Nguyễn Văn Dũng (Viện KSND tỉnh) cho biết, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan tố tụng đẩy mạnh tuyên truyền, mục tiêu bảo đảm 100% tin tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến mua bán người được tiếp nhận, phân loại, xử lý. Các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người phải được thụ lý điều tra, xác minh, khi có đủ căn cứ thì khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo đúng quy định của pháp luật.
Theo đánh giá của đại diện nhiều tổ chức hội phụ nữ cơ sở, để làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người, cần lồng ghép nội dung này vào các chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chương trình phát triển KT-XH khác.
Quan tâm xây dựng quy chế phối hợp liên ngành, liên cấp về tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân, cung cấp kết nối dịch vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cũng như người nghi bị mua bán. Có như vậy, nạn nhân mới vượt qua mặc cảm bị mua bán, từng bước tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Viện KSND, TAND hai cấp đẩy mạnh thực hiện quy chế phối hợp trong phòng, chống tội phạm mua bán người. Kịp thời cung cấp các thông tin theo tiêu chí thống kê để phục vụ quản lý dữ liệu về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, giúp cho việc đề ra giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn thu được kết quả cao.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Ý kiến bạn đọc (0)