Phát huy vai trò của chi bộ sau sáp nhập
Là một trong những xã có số thôn phải sáp nhập nhiều, ngay sau khi các chi bộ ổn định tổ chức, Đảng ủy xã Tự Lạn (Việt Yên) đã tích cực chỉ đạo các chi bộ duy trì nghiêm nền nếp sinh hoạt. Sau sáp nhập, xã Tự Lạn từ 14 chi bộ thôn giảm xuống còn 5 chi bộ.
Đảng viên Chi bộ thôn Đồn Cầu Bằng, xã Hương Sơn (Lạng Giang) chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế vườn. |
Đồng chí Chu Văn Cường, Bí thư Chi bộ thôn Cầu chia sẻ: "Sau khi ghép 5 thôn gồm các thôn Đông, Trước, Cầu, Quế Võ, Nội Duệ, hiện Chi bộ có 68 đảng viên. Số lượng đảng viên đông, địa bàn rộng, để theo dõi, quản lý quân số, trước khi vào họp tôi thường dành ít phút để điểm danh. Với những trường hợp đảng viên vắng mặt hay đến muộn không có lý do tôi đều ghi lại để nhắc nhở tại cuộc họp sau. Nhờ vậy, tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt luôn đạt từ 90% trở lên".
Tương tự, ở Chi bộ thôn Đồng Thép, xã Tam Hiệp (Yên Thế) được sáp nhập từ 3 Chi bộ là Đồng Chủ- Đồng Mười- Bản Thép. Hiện Chi bộ có 15 đảng viên. Đồng chí Đoàn Đức Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Tam Hiệp nói: "Do địa bàn thôn rộng, chúng tôi phân công đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy trực tiếp phụ trách. Cùng đó tăng cường thêm 3 đảng viên là công chức xã về sinh hoạt với chi bộ. Ngoài cùng dự họp, các đồng chí này còn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với chi ủy về cách thức lựa chọn nội dung, chủ đề, nhất là trong sinh hoạt chuyên đề".
Tại đợt sinh hoạt chuyên đề tháng 3, Chi bộ thôn Đồng Thép đã lựa chọn nội dung về nâng cấp, cải tạo mương nội đồng phục vụ tưới tiêu và mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn. Do lựa chọn đúng vấn đề người dân cần nên khi triển khai thuận lợi, bước đầu, thôn đã xây mới gần 100m kênh mương; làm mới gần 1km đường nội thôn.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh sau sáp nhập còn 2.180 chi bộ, giảm 280 chi bộ so với trước khi sáp nhập. Nhìn chung, việc sáp nhập chi bộ cơ bản đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo điều kiện để các chi bộ từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo. Hầu hết các chi bộ duy trì tốt nền nếp sinh hoạt, chất lượng các kỳ sinh hoạt Đảng nâng lên.
Xác định chi bộ là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở, các cấp ủy đã quan tâm nâng cao hiệu quả các tổ chức đảng sau sáp nhập. Tại các chi bộ mới thành lập, nhân sự cấp ủy đều được lựa chọn trong số chi ủy, bí thư, phó bí thư các chi bộ sáp nhập để bầu chọn ra người có uy tín, sức khỏe tiếp tục đảm nhiệm công việc được giao.
Nhiều chi bộ sau sáp nhập có đội ngũ trưởng, phó thôn, bản là đảng viên, do vậy đã nâng cao năng lực điều hành của đội ngũ chi ủy viên, phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Hơn hai năm kể từ khi sáp nhập, Chi bộ thôn Đồn Cầu Bằng, xã Hương Sơn (Lạng Giang) trên cơ sở nhập từ 2 Chi bộ Đồn và Cầu Bằng đã lãnh đạo nhân dân thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ ở địa phương. Đồng chí Phạm Văn Bình, Bí thư Chi bộ nói: Sau sáp nhập, số đảng viên tăng lên gấp đôi nên việc triển khai các chủ trương của cấp uỷ và cụ thể hoá vào tình hình thực tiễn của thôn thuận lợi, kịp thời hơn.
Được biết, để nâng cao kỹ năng điều hành, năng lực tổ chức của người đứng đầu cấp uỷ, các địa phương đều chỉ đạo đảng ủy cơ sở thực hiện phân công đảng ủy viên phụ trách và dự sinh hoạt với các chi bộ trực thuộc để hướng dẫn, kèm cặp theo hình thức "cầm tay, chỉ việc".
Đơn cử như ở huyện Lạng Giang, Huyện ủy tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến về công tác tổ chức xây dựng Đảng với các chi ủy chi bộ trực thuộc để trực tiếp giải đáp những băn khoăn, vướng mắc về chuyên môn và chế độ chính sách. Tại huyện Việt Yên, yêu cầu cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ đạo chi bộ thực hiện việc định kỳ 6 tháng, 1 năm thông báo công khai, kiểm điểm nghiêm túc việc chấp hành chế độ sinh hoạt đảng của chi bộ. Kiên quyết không xếp loại chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ nếu có 1 kỳ sinh hoạt chi bộ được đánh giá chưa đạt hoặc họp không đủ 12 kỳ/năm.
Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Sau khi tiến hành sáp nhập, việc kiện toàn, củng cố, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các chi bộ là rất quan trọng. Để làm tốt điều này, cấp ủy cấp huyện và cơ sở cần tăng cường sâu sát cơ sở, nắm bắt thực tiễn nhằm kịp thời giúp chi bộ sau sáp nhập tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh. Duy trì nghiêm việc phân công cán bộ huyện, xã về dự sinh hoạt, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cấp ủy trong việc tổ chức sinh hoạt Đảng.
Hiện nay, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã ban hành Quy định về việc phân công cán bộ, chuyên viên hằng tháng đi dự sinh hoạt với chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn. Đây được xem là một trong những nội dung thực hiện Nghị quyết số 107 của BTV Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên trong Đảng bộ tỉnh, giai đoạn 2021-2025, đồng thời cũng là yếu tố quan trọng góp phần giúp chi bộ nói chung và chi bộ sau sáp nhập nói riêng ngày càng nâng cao năng lực lãnh đạo, phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở.
Bài, ảnh: Tuệ An
Ý kiến bạn đọc (0)