Như mối tình đầu...
Ngày ấy, với danh phận con gái của một cán bộ miền Nam tập kết, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hải Phòng, lại là con dâu của một nghệ sĩ nổi tiếng, có lẽ Trần Thị Thanh Tùng dễ dàng được bố trí về một ngôi trường nào đó ở Hà Nội nhưng chị lại viết đơn xin về huyện Yên Dũng.
Vùng quê xã Xuân Phú (Yên Dũng) hôm nay. Ảnh: Danh Lam |
Ấy là bởi tinh thần “đi bất cứ nơi đâu…” trong lớp trẻ những năm đầu hậu chiến nhưng thẳm sâu còn bởi sức quyến rũ từ những câu chuyện của mấy cô bạn sinh viên. Rằng, quê chúng tớ thuộc vùng Kinh Bắc nổi tiếng, được bao bọc bởi ba con sông cũng rất nổi tiếng là sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam. Trong mỗi hạt lúa thơm của vùng quê ấy có hương phù sa của ba con sông góp vào. Và những lơ thơ, đục trong, dạt dào, lúng liếng… của liền chị, liền anh.
Yên Dũng còn có nhiều địa chỉ văn hóa nổi tiếng như: Chùa Kem ở xã Nham Sơn; đền thờ Thái sư Trần Thủ Độ ở xã Yên Lư… Nổi bật là chùa Vĩnh Nghiêm ở xã Trí Yên - chốn Tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Chùa tọa lạc nơi hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương, hướng ra Lục Đầu Giang linh thiêng và oanh liệt, bên kia sông là Kiếp Bạc, vương phủ của Trần Hưng Đạo...
Cứ thế, những lời ngợi ca của nhóm bạn đã khiến cô giáo trẻ rời Thủ đô để về với Trường THPT Yên Dũng 2, được phân công chủ nhiệm lớp 8E niên khóa 1977-1978. Những năm tháng đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, Yên Dũng là vùng đất nghèo, trường mới thành lập nên còn đơn sơ, thiếu thốn. Trường nghèo lớp lại càng nghèo vì học trò lớp 8E là con em ở các xã khó khăn nhất của huyện như: Lãng Sơn, Lão Hộ, Trí Yên... Nhiều em phải nhịn ăn sáng đến lớp. Vùng này đất chiêm trũng, mỗi năm ngập úng vài tháng, học trò đến trường chỉ hơn chục cây số nhưng đa số phải ở trọ vì đi lại hết sức khó khăn.
Vất vả, khó khăn là thế nhưng cô trò thương yêu nhau như ruột thịt. Thứ Bảy hằng tuần, mấy đứa có xe đạp lại tranh nhau chở cô lên ga Bắc Giang để về Hà Nội. Gọi là “chở cô” nhưng dọc đường nhiều đoạn phải dắt xe đi bộ vì đường lầy lội. Diệu kỳ thay, tập thể 8E cũng là lớp chất lượng cao nhất trường, sau này rất nhiều người thành đạt.
Ấy là nói chuyện sau này, còn những năm tháng ấy, khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra thì cả thầy, trò đều lòng như lửa đốt. Mùa hè năm 1980, sau kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, gần một nửa học sinh của lớp cô Tùng đều lần lượt lên đường nhập ngũ.
Còn nhớ năm lớp 8, trong lớp có em Ngô Minh Tiến bị viêm cơ chân, phải nghỉ học nhiều ngày và không thể theo học môn thể dục nên không đủ tiêu chuẩn lên lớp 9. Tuy nhiên, vì đây là một “trò nghèo vượt khó”, luôn được thầy yêu bạn mến, nên cô giáo chủ nhiệm đã có ý kiến với thầy giáo thể dục và Ban giám hiệu để em được lên lớp.
Từ đấy, Tiến càng chăm học hơn, trở thành học sinh giỏi toàn diện. Ấy thế mà sau khi tốt nghiệp lớp 10, Tiến giấu nhẹm cái tiền sử bệnh viêm cơ để viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Anh bạn thân của Tiến là Trần Văn Dũng cũng hăm hở làm đơn nhưng vì là con thương binh nặng nên bị từ chối.
Dũng đã về năn nỉ bố và người thương binh già đã chống nạng lên huyện đội xác nhận vào đơn tình nguyện cho con được tiếp bước cha anh. Lớp trưởng Vũ Chí Đài mặc dù đã có giấy gọi vào đại học nhưng vẫn lẳng lặng tòng quân. Rồi cô hoa khôi Hoàng Thị Độ nhỏ nhắn mảnh mai cũng “con gái mẹ nay đã thành chiến sĩ”…
Cô giáo Trần Thị Thanh Tùng (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Trung tướng Ngô Minh Tiến và các học trò cũ. |
Thấm thoắt đã ngót bốn chục năm, cũng gần chừng ấy thời gian cô Tùng xa mảnh đất Yên Dũng với biết bao kỷ niệm. Cuối năm 2017, từ TP Hồ Chí Minh cô ra Hà Nội rồi về Yên Dũng tham dự cuộc hội ngộ 40 năm nhập trường của các cựu học trò lớp 8E. Cảnh cũ người xưa, tất cả đều đổi khác. Tất cả đều phát triển và trưởng thành.
Cậu bé “trò nghèo vượt khó” Ngô Minh Tiến đã là Thiếu tướng Tư lệnh Quân khu 1 (nay là Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam). Còn Trần Văn Dũng cậy cục đi bộ đội năm nào, đã là Chủ tịch UBND huyện (nay là Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch). Anh chàng Bùi Thế Bừng xưa giỏi văn nhất lớp, không ngờ nay là bác sĩ, Phó Giám đốc Sở Y tế. Cô hoa khôi Hoàng Thị Độ vừa ra quân và chồng là lớp trưởng Vũ Chí Đài nay là một doanh nhân thành đạt…
Mừng hơn nữa là quê hương Yên Dũng phát triển mạnh. Những con đường trầy trật dẫn học trò đến lớp, dẫn cô giáo lên ga tàu hỏa… bây giờ đã được bê tông hóa đến từng ngõ nhà. Nổi bật là tuyến đường 398 nối quốc lộ 18. Tuyến đường kết nối các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh nhằm thúc đẩy giao lưu KT-XH với các tỉnh khu vực đông Bắc Bộ, đồng thời phát huy thế mạnh du lịch, thu hút mỗi năm hàng chục vạn khách tham quan.
Mấy năm nay Yên Dũng đã huy động được hàng trăm tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa; khôi phục làng nghề truyền thống. Huyện cũng đã khôi phục được 8 làng chèo và thành lập 5 câu lạc bộ quan họ ở các thôn để vừa biểu diễn phục vụ nhân dân, du khách, vừa là nơi trao truyền nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ. Cùng với những thành tựu về xây dựng nông thôn mới, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát huy thế mạnh du lịch văn hóa… Yên Dũng cũng đang là một trong những địa bàn trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh.
Những chuyện trên đây, tôi được nghe chính cô giáo Trần Thị Thanh Tùng kể trong lần gặp chị cuối năm 2019 tại Hà Nội. Chị nói, lần này ra Bắc cũng là theo lời mời của Ban liên lạc cựu học sinh lớp 8E năm ấy. Tôi thắc mắc: “Các cô cậu ấy vừa gặp mặt nhân 40 năm hai năm trước, còn lần này?”. Chị vẫn hào hứng: “Tại Yên Dũng chứ! Mà nếu các cô cậu ấy tổ chức ở Hà Nội thì tôi vẫn phải về Yên Dũng. Về mảnh đất mình đã gắn bó trong những năm tháng khó khăn và nay đang từng ngày đổi mới đi lên. Với tôi, Yên Dũng mãi vẫn như mối tình đầu”.
Mai Nam Thắng
Ý kiến bạn đọc (0)