Nhớ về phố Chũ quê nhà
Ở phố Chũ, tôi có biết bao kỷ niệm của một thời vô cùng thân thương và gian khó. Từ những người ruột thịt thân yêu trong gia đình đến bà con lối xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Từ bến nước, cây đa, sân đình đến bờ tre, gốc rạ… Ngày mới lớn lên tôi thường được nghe mẹ kể về phố Chũ, về những con người và mảnh đất nơi đây, những tâm hồn dịu mát, mộc mạc, chân chất mà rất đỗi yêu thương.
Thị trấn Chũ hôm nay. Ảnh tư liệu |
Chỉ với hơn 100 nóc nhà với hai dãy phố một đầu tiếp giáp quốc lộ 31 ngầu bụi đỏ, ngã tư có tên gọi xưa là Bàn Than, con đường thông thương duy nhất nối thị xã Bắc Giang xưa, TP Bắc Giang nay với huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động; một đầu nối với dòng sông nên thơ, trong trẻo gắn liền với dãy núi Huyền Đinh có tên sông Lục.
Mỗi khi nhớ về dáng núi, hình sông, tôi lại nhớ bài hát “Gửi về sông Lục núi Huyền” do ca sĩ Lương Nguyệt Anh, người con của quê hương Lục Ngạn thể hiện. Người phố Chũ cũng là dân từ khắp các vùng lân cận đến làm ăn, buôn bán sau neo đậu lại nơi đây: “Vài bước chân đã hết hai mặt phố/ Coi nhau như người trong họ/ Ân cần nghĩa Chũ tình tôi…” (thơ Nguyễn Mạnh Thường).
Ngày thị trấn Chũ thành lập (20/7/1957), tôi lên 3 tuổi, bi bô tập nói và lẫm chẫm biết đi. Nghe các cụ kể lại, ngày ấy nhà không có số, phố duy nhất được gọi bởi một cái tên chung: Chũ. Cạnh phố Chũ là làng Chũ - một địa danh liền kề mà nhiều người ở nơi khác đến không phân biệt được, chỉ có người phố Chũ và làng Chũ mới hiểu rõ. Một số người phố Chũ đi thoát ly làm cán bộ nhà nước, còn lại làm nhiều nghề khác nhau: Thợ may, sửa chữa đồng hồ, xe đạp… Người làng Chũ chủ yếu làm ruộng.
Do địa giới hành chính như vậy nên lúc đó ở quê tôi tồn tại hai bến sông, hai ngôi đình, một của làng Chũ và một của phố Chũ. Hình ảnh đầu tiên nhớ về quê hương của những người con đi xa là cây đa, bến nước, sân đình. Cây đa to mọc ngay cạnh đình làng Chũ, 5 - 6 người ôm không xuể, rễ cây mọc nổi chềnh ềnh chiếm đến 2/3 diện tích mặt đường, tuy vậy nó vẫn tồn tại bởi xe trâu, xe bò vẫn đi lọt phần đường còn lại. Vào những ngày hè oi bức, người dân thường ra ngồi ở gốc cây nghỉ ngơi, hóng mát, bọn trẻ chơi trò đuổi bắt, trốn tìm, nhặt những chiếc lá đa to gấp thành những “con trâu” chơi trò nghé ọ. Sau khi chơi chán ở gốc đa, bọn trẻ lại rủ nhau lũ lượt kéo vào đình làng, nơi thờ thành hoàng làng cũng là nơi vui chơi hội họp, tổ chức các buổi học xóa mù chữ sau khi hòa bình lập lại. Tuổi thơ chúng tôi cứ thế lớn lên vô tư trong nghèo khó.
Nhớ quê lại khắc khoải nhớ về dòng sông tuổi thơ. Bến sông quê thật tấp nập, nhộn nhịp cảnh trên bến dưới thuyền. Những chuyến ca nô, thuyền chở người và hàng hóa từ miền xuôi lên, thôi thì đủ thứ: Vải vóc, than, gạo, thuốc men, sành sứ… Những buổi chiều hè, hàng trăm người đổ ra sông giặt giũ, tắm gội trong dòng nước xanh, dịu mát. Lũ trẻ hò nhau vác cây chuối to làm phao bơi, bên kia sông tiếng máy nước xình xịch âm vang cả một khúc sông, bóng những rặng tre ngả bóng xuống mặt nước lung linh như mái tóc dài của người con gái. “Chị cùng em ra bờ sông/ Chị bảo đây dòng sông Lục/ Ngày xưa trên bến dưới thuyền/ Người ra sông như trẩy hội…". Những chuyến đò ngang giờ đây không còn nữa, thay vào đó là chiếc cầu vắt ngang trông như một dải lụa mềm.
Ngày ấy cuộc sống phố quê thật vất vả, thiếu thốn, hơn 100 nóc nhà chỉ có vài ba nhà có chút của ăn của để. Một số cán bộ nhà nước được cấp sổ gạo, tem phiếu còn lại đều phải tự túc. Chị em tôi luôn mong Tết đến để được mặc áo đẹp, ăn bánh chưng, giò chả, thỉnh thoảng xin mẹ một hào, hoặc 5 xu mua kẹo kéo, kem. Cuộc sống tuy vất vả nhưng luôn rộn tiếng cười.
Lớn lên tôi đi bộ đội, mẹ đã khóc trong ngày tiễn chân. Những cuộc hành quân hối hả liên miên ngày đêm đã cuốn tôi vào dòng chảy của thực tại. Phía trước tôi là dòng sông Thạch Hãn, là thành cổ Quảng Trị, nơi không được phép đắn đo, lựa chọn giữa sự sống và cái chết… Thế nhưng, phố Chũ cùng hình ảnh những người thân yêu và dòng sông quê nhà luôn hiển hiện trong tim, tiếp thêm sức mạnh cho tôi trong những ngày gian khổ ấy.
Thời gian trôi thật nhanh, mới đó mà vài chục năm đã qua. Lại nhớ mới hôm nào hòa vào dòng người đi hội trái cây Lục Ngạn, một miệt vườn hoa thơm trái ngọt báo hiệu sự khởi sắc của quê hương nơi thị trấn cửa rừng. Một thị xã Lục Ngạn trong tương lai không xa.
Ý kiến bạn đọc (0)