Người nghiện vườn
- Em chào thầy! Em là Tâm, anh trai của Vang ạ!
Minh họa: Đinh Hương. |
Tôi nhìn anh, mỉm cười:
- Lúc điểm danh mình biết! Hôm nay, phụ huynh đi họp duy nhất không phải cha mẹ mà là anh của học sinh mà!
Tâm nhỏ nhẹ:
- Vâng! Bố mẹ em mất sớm, anh em quấn túm lấy nhau ạ!
Tôi nhìn nhanh Tâm. Dáng không cao lớn nhưng rắn chắc, đôi mắt với ánh nhìn toát lên sự quyết đoán và tình cảm. Tôi có thiện cảm ngay với Tâm.
- Bữa nào rảnh, em mời thầy lên nhà em chơi, thăm vườn vải làng Bến.
Tôi cười, gật đầu:
- Mình sẽ cố gắng. Lên Bến không đầy chục cây, đi được. Mình vốn là nông dân, nghe vườn là thích lắm! Mà còn thăm cả hệ thống dẫn nước từ núi về của học trò mình!
Giữ lời hứa, tôi đã lên làng Bến. Đây không phải lần đầu tiên tôi đến. Cách đây mươi năm, tôi đã đến thăm anh bạn đồng hương cư ngụ, làm ăn ở đây. Nói cho đúng, Bến là làng người "bản địa" nhường đất cho người ở các tỉnh Nam Hà, Hải Hưng lên khai hoang. Năm ấy còn nhiều đồi trọc. Bà con ở đây chọn những khu đất dưới chân đồi, giáp sông để trên cao trồng hồng, chè, dưới thấp, trũng hơn cấy lúa. Lác đác có vài cây vải người dân trồng để ăn cho vui. Người dưới xuôi vốn thèm đất, chịu thương chịu khó nên nhìn vườn ruộng của họ là thích mắt, nhưng cái nghèo vẫn đeo đẳng. Vẫn là những căn nhà tường trình đất, mái lợp lá mía, thi thoảng có nhà mái ngói ống (người trên này gọi là ngói Thổ). Lần lên chơi này, tôi thật ngỡ ngàng! Con đường dẫn vào làng rộng rãi, lên xuống dốc nhưng mặt đường phẳng phiu. Cổng, cửa các căn nhà xây, nhà cấp 4 và không ít nhà cao tầng được xây dựng khang trang hướng ra mặt đường.
Làng như phố, nhưng đẹp và khác phố bởi trùng điệp vườn vải. Tôi lên đúng dịp vải nở hoa. Cả vườn vải như những mâm xôi vàng nghệ san sát nhau, che lấp lá xanh. Tâm hồ hởi đón tôi. Anh đưa tôi ra thăm vườn. Tôi mê mải ngắm vải. Vườn mà sao sạch sẽ! Lá vải khô được thu dày dưới gốc; các cành con được cắt tỉa gọn gàng.
- Vườn rộng có đến 3 mẫu đấy nhỉ?
- Vâng thầy! Trước đây, không được thế thầy ạ! Em tân ruộng dưới chân đồi lên đấy! Mất nhiều công sức lắm! Chở đất từ núi về, chở phù sa từ dưới bờ sông lên. Còn thấp hơn vườn cũ. Thoai thoải mà hay thầy ạ! Cây nào cũng đủ ánh sáng để quang hợp!
- Triệu phú, à tỷ phú rồi!
Tâm cười khiêm nhường:
- Chưa! Chưa thầy ạ! Vì nhiều cây, nhất là những cây ở vạt dưới, độ tuổi chưa cao nên mỗi năm mới thu được hơn chục tấn thôi. Trừ tiền phân bón, tiền thuê nhân công bẻ, hái, cũng chỉ được trên trăm triệu đồng thôi ạ!
Tôi xuýt xoa:
- Trên trăm là lớn lắm! Lương mình thuộc loại cao nhất trường, có khi trong hàng nhất huyện, cả năm nhịn ăn, chưa được mười triệu! Chắc còn chưa bằng khoản cậu chưa khai?
Tâm nhìn tôi vẻ không hiểu:
- Khoản gì thầy?
Tôi thủng thẳng:
- Bán cành chiết!
Tâm cười giòn tan:
- Ối giời! Thầy cái gì cũng biết!
- Thì tớ là người dân huyện này mà!
Tâm phấn chấn:
Giờ còn rất ít nhà làm theo cách cũ, mọi người toàn dùng thuốc trừ sâu sinh học là chính. Đa số để vải thì làm theo tiêu chuẩn VietGAP. An lành và thu nhập cao. Quá trình làm có cán bộ đến tận vườn hướng dẫn. Đầu vụ đã có khách hàng đến ký hợp đồng, bao tiêu sản phẩm và được kiểm tra nghiêm ngặt. Vườn mới của em và số cây thoát chết đang làm VietGAP đó thầy! |
- Cả huyện đang phủ vải thiều! Vải chạy lên đồi, thậm chí cả núi cao. Vải tràn xuống ruộng thấp. Nhà nhà lấp ruộng. Có nhà cứ để nguyên ruộng thấp, trồng vải xuống đã, đắp chắn bờ cho không ngập úng rồi chở đất tân cao dần. Cành vải có năm cung không đủ cầu thầy ạ!
Rồi Tâm thủ thỉ:
- Em có nhiều đêm không ngủ vì vải thầy ạ!
- Mỏi quá à?
Tâm nhỏ nhẹ:
- Một phần thôi ạ! Phần lớn vì say cây, say vườn! Đêm, nhất là đêm trăng, ra vườn nhìn lá, nhìn cây mà lòng nao nức. Em như nghe thấy chúng rì rầm nói chuyện. Rồi thành thói quen, nghiện rồi, đi xa là nhớ vườn, ở nhà là đêm tha thẩn ngoài vườn. Vườn rộng thế mà em thuộc từng cây, nhớ từng vết xước, từng lộc non nở không đúng dịp. Em ra vườn không phải để thăm cọc tiền, lọ vàng! Chúng là mồ hôi, là máu, là ruột thịt của em thầy ạ! Gãy một cành, sâu một đám lá, trơ một chùm hoa không đậu quả, xót lắm!
Tôi gật đầu:
- Đúng thế! Mà cậu nói như nhà thơ đọc thơ rồi!
Tâm bẽn lẽn:
- Hì! Em ước mình biết làm thơ để làm thơ về vườn em thưa thầy!
*
Mấy năm sau, cả nhà tôi chuyển về xuôi. Cũng hơn 10 năm rồi, tôi không về làng Bến. Dịp trước, trường cấp 3 tôi dạy năm xưa mời tôi về hội trường. Tôi dành mấy ngày để thăm "người xưa, cảnh cũ". Tôi lên làng Bến, nhà Tâm. Con đường từ trung tâm huyện lên nhà Tâm đúng là "dòng sông đỏ". Xe lớn, xe bé, ô tô, xe máy... đỏ rực, thơm ngọt màu vải, vị vải nối tiếp nhau trên quốc lộ, nối tiếp nhau từ đường xã, đường thôn đổ ra. Nhìn vải nghìn nghịt trên đường, tôi bụng bảo dạ: Nhà Tâm năm nay có dễ đến trăm tấn.
Tâm mừng rỡ ôm chầm lấy tôi:
- Ôi thầy! Em biết thầy về hội trường nhưng không nghĩ em có vinh hạnh đón thầy!
Tôi vỗ vỗ lưng Tâm:
- Lên chứ! Lên chứ! Phải thăm người nghiện cây, nghiện vải chứ! Năm nay em được trăm mấy tấn?
Rót nước mời tôi, Tâm thủ thỉ:
- Em được mấy tấn thôi thầy. Đủ ăn, đủ biếu ạ!
Tôi tròn mắt:
- Cậu không đùa tớ chứ? Hay mất mùa? Hay ăn đủ rồi, vườn sang tên cho người khác?
Tâm cười:
- Không thầy ạ! Vườn vẫn còn, thậm chí em còn mở thêm ở trên núi. Mùa vẫn được. Vải nhà em quả to và sai mà. Chỉ là em thu gọn diện tích vải.
Tôi thắc mắc:
- Tớ nhớ cậu bảo cây vải là máu thịt của cậu.
Lặng đi một lúc, Tâm nói như mếu:
- Thầy thật nhớ! Thế mà em chặt. Chặt gần hết! Ngổn ngang khắp vườn là thân vải. Cả cây to và cây mới trồng. Vừa chặt em vừa khóc. Nhìn nhựa ứa ra từ vết chặt, em như nhìn thấy máu! Nhìn thân, cành rời gốc em như thấy xương. Rồi vun lá vào gốc, đốt! Tan hoang! Thằng em em về, thấy thế van nài em để lại một khoảnh nên mấy tấn năm nay là từ những cây may sống sót ấy!
Tôi bàng hoàng:
- Không hiệu quả kinh tế hay một thảm họa nào?
Tâm lắc rồi lại gật đầu:
- Kinh tế thầy ạ. Thầy thấy đấy, bộ mặt làng Bến thay đổi. Gần hết các nhà có ô tô rồi. Nhà cao, cửa rộng. Em cũng thế! Nói thật với thầy, tiêu pha xông xênh, không phải tính. Nhờ vải cả đấy! Nhưng thảm họa? Thầy nói thế, to tát, nhưng suy cho cùng cũng phải.
Tôi không dám hỏi nhưng đăm đăm chờ Tâm giãi bày. Chiêu xong ngụm nước, Tâm rủ rỉ:
- Năm thầy lên, em lấy vợ chưa lâu. Sốt ruột mong mỏi mãi mấy năm sau nhà em mới có thai. Mừng ơi là mừng! Em không cho nhà em làm nhiều, em gánh vác hết. Nhưng nhà em phần thương em, phần cũng là người có sức khỏe lại nghiện cây như em! Cô ấy bảo em không cho cô ấy làm là cô ấy ốm. Thế là vẫn chăm vườn. Tỉa cành, tỉa lá, cuốc gốc, bón phân, em đi vắng còn trộm em khoác bình thuốc trừ sâu, thuốc kích lá, kích hoa... phun. Em biết, mắng, cô ấy làm mặt giận: Anh xem này, em vẫn khỏe như vâm. Đến tháng sinh, em không dám để vợ ở nhà mà đưa xuống bệnh viện tỉnh để được chăm sóc. Tốn kém nào có ngại. Có người là có của! Bác sĩ khám nói với chúng em: Thai nhi không được khỏe, phải theo dõi và giữ gìn! Và rồi thầy ạ! Thảm họa đến với chúng em! Cái thai không giữ được. Bác sĩ bảo thai chết lưu! Chúng em chỉ biết ôm nhau khóc!
Yên lặng. Thật lâu, Tâm mới lên tiếng:
- Lúc đầu em cũng không biết vì sao mất con, sau có anh bạn làm bác sĩ bệnh viện huyện cho em những con số thai chết lưu ở vùng vải và vùng không trồng vải để thấy sự chênh lệch rất cao. Anh ấy bảo có thể do ảnh hưởng của thuốc sâu đấy! Em lại đọc báo khoa học, biết thuốc sâu dùng bừa bãi, không đúng cách, tồn dư nhiều trên cây, ngấm vào đất, tan vào nước lớn lắm! Gì mà chả ung thư với chết lưu thai. Hỏi ra, riêng làng Bến cũng có mấy chục sản phụ bị rồi! Bị mà không biết nguyên do. Vẫn cứ liều mạng!
Tôi an ủi Tâm:
- Thật buồn. Nhưng "còn da lông mọc, còn chồi, nảy cây" phải không em?
- Em cảm ơn thầy. Vâng! Sau chúng em sinh được hai cháu, nếp tẻ đủ cả. Các cháu đều khỏe mạnh, học hành tốt ạ. Có điều, sau khi mất cháu đầu, em ngộ ra và giữ gìn.
Tôi nắm tay Tâm:
- À! Tôi hiểu vụ phá cây! Chú giận cây à?
Tâm thở dài:
- Em giận em và giận lây cả cây. Thì ra em cứ hùng hục làm, chỉ nghĩ đến tiền mà không nghĩ thấu đáo cách kiếm tiền. Lương thiện nhưng phải an toàn, cho mình, cho gia đình và cả cho mọi người, thế hệ này và cả thế hệ sau! Tiền của nhiều mà sức khỏe mất, mà tuổi thọ giảm, mất cả nòi giống thì kiếm làm gì, thầy nhỉ? Em chặt vải cũng không phải nóng giận tức thời đâu! Là vì lúc ấy em bế tắc! Để vải thì phải diệt sâu. Diệt sâu thì phải phun thuốc. Bấy giờ chỉ có DDT, 666, Alderin, thậm chí cả Vô pha tốc. Không trực tiếp phun, chỉ ngửi thôi, chỉ ăn nước giếng đào, nước sông cũng nguy. Thôi, nhịn tiền đi để lấy đứa con. Bấy giờ em chỉ nghĩ được thế!
Tôi hỏi:
- Thế em để vườn hoang à?
Tâm ngậm ngùi:
- Cũng mất mấy tháng cho vườn nghỉ. Nhưng thầy tính, nông dân như em, nghỉ thế nào được. Em lên Phòng Nông nghiệp huyện, gặp kỹ sư hỏi han, rồi đi huyện ngoài, tỉnh ngoài, đến các nhà vườn có tiếng, xem có cây quả gì phù hợp đất, khí hậu mình, không phải phun thuốc sâu, sử dụng chế phẩm diệt được sâu mà thân thiện môi trường, thân thiện con người, hiệu quả kinh tế cao, đầu ra dễ. Em đem ổi, bưởi, cam về. Vườn chia ô mà trồng thầy ạ! Toàn dùng thuốc trừ sâu sinh học thôi. Lát em mời thầy ra vườn. Nhìn cũng thích mắt rồi!
Tôi cười:
- Lại đêm đêm ra vườn, lại nhiều đêm mất ngủ chứ? Lại thấm đẫm hồn thi sĩ chứ?
Tâm bật cười:
- Thầy lại trêu em! Thầy nhớ ghê!
Tôi thăm dò:
- Nhưng mà cả làng có mình chú chuyển đổi cây trồng thì đi ra, đi vào vẫn hít hà thuốc sâu?
Tâm nói ngay:
- Giờ còn rất ít nhà làm theo cách cũ, mọi người toàn dùng thuốc trừ sâu sinh học là chính. Đa số để vải thì làm theo tiêu chuẩn VietGAP. An lành và thu nhập cao. Quá trình làm có cán bộ đến tận vườn hướng dẫn. Đầu vụ đã có khách hàng đến ký hợp đồng, bao tiêu sản phẩm nhưng kiểm tra nghiêm ngặt. Vườn mới của em và số cây thoát chết đang làm VietGAP đó thầy!
Nghĩ mà tiếc mấy trăm cây vải chết oan. Giá cách trồng, cách chăm đến sớm, có phải...
- Thế thì còn gì để nói! Có tính lịch sử cả! Làm nông dân, làm vườn cũng phải có tri thức!
Tâm nhìn tôi, tán thành:
- Đúng thầy nhỉ? Yêu không đúng cách thì cũng bằng mười phụ nhau. Với vườn cũng thế!
Tâm đăm chiêu:
- Trồng cây gì, chăm bón thế nào, với chúng em, thế là tạm ổn. Nhưng còn một việc em cứ canh cánh.
- Việc gì thế?
- Là cái việc đổ đất biến ruộng thành vườn. Lợi trước mắt nhưng hệ lụy lâu dài là nhỡn tiền rồi thầy ạ! Chưa kể tới an ninh lương thực, cứ nguyên cái việc cạn kiệt nước đã hãi rồi!
Tôi cũng sáng ra.
- Các nhà quản lý, các cấp lãnh đạo phải vào cuộc thôi! Chỗ nào sai rồi thì tìm cách sửa, chỗ nào rập rình làm thì phải ngăn ngay, chú nhỉ?
Chia tay Tâm ra về, tôi thấy trên xe đã sẵn thùng vải tươi. Vợ Tâm tươi cười:
- Thầy lên chơi, chúng em không có gì biếu thầy. Một chút "cây nhà lá vườn" ạ!
Tâm cười thật to:
- Thầy yên tâm nhé! Vải sạch, làm theo đúng quy trình VietGAP đấy!
Tôi bắt chặt tay Tâm:
- Tôi tin vợ chồng chú! Tin mà! Cảm ơn hai người nghiện vườn nhé!
Tiếng cười của chúng tôi át tiếng nổ máy của xe.
Phạm Ngọc Lanh
Ý kiến bạn đọc (0)