Ngày mới ở Tân Lập
BẮC GIANG - Tân Lập là xã vùng cao của huyện Lục Ngạn với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 57% dân số. Nhờ có sự sâu sát trong chỉ đạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ và tham gia tích cực của người dân, xã Tân Lập (Lục Ngạn) về đích nông thôn mới (NTM). Ngày mới ở Tân Lập vui hơn khi hạ tầng ngày càng hoàn thiện, nhiều mô hình kinh tế mới cho thu nhập cao, chất lượng đời sống người dân ngày một nâng lên.
Cấp ủy, chính quyền chỉ đạo sâu sát
Cách đây 5 năm, khi mới bắt tay vào xây dựng NTM, Tân Lập còn thiếu hụt nhiều tiêu chí cơ bản, nhất là về hạ tầng giao thông, thương mại dịch vụ; tỷ lệ hộ nghèo so với mặt bằng chung toàn huyện vẫn ở mức cao.
Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành, ngay sau khi có kế hoạch của cấp trên, Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ xã, Ban chỉ đạo xây dựng NTM đã tổ chức họp đề ra nhiều nhóm giải pháp, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thành viên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và người dân trong xã hiểu rõ được vai trò chủ thể của mình. Từ đó tích cực tham gia, đóng góp trên từng hạng mục công trình cụ thể với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân làm chủ”.
Phụ nữ thôn Trại Thập chung tay vệ sinh môi trường, xây dựng đường thôn xanh, sạch, đẹp. |
Chủ tịch UBND xã Lương Văn Cường cho biết: “Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM là 10,5 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp 1,5 tỷ đồng. Với sự đồng thuận cao, bà con các thôn xóm hăng hái bắt tay triển khai các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế, hiến đất và tài sản trên đất, ngày công lao động để mở rộng, cứng hóa đường giao thông, kênh mương nội đồng, xây dựng thiết chế văn hóa. Mặc dù còn nhiều khó khăn song xã cũng đã ban hành một số cơ chế chính sách kích cầu hỗ trợ các thôn và người dân xây dựng đường giao thông nội đồng, nhà văn hóa, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi... Với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã, hết năm 2023, Tân Lập đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM".
Cuộc sống đổi thay
Về xã Tân Lập những ngày đầu tháng Tám, hai bên đường là những ngôi nhà cao tầng, nhà mái thái kiểu cách hiện đại thấp thoáng bên vườn cây ăn quả. Theo lãnh đạo UBND xã, có được sự thay đổi rõ nét như trên là do địa phương lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách các cấp và sự chung sức, đồng lòng của người dân.
Một góc xã NTM Tân Lập. Ảnh CTV. |
Trước kia, các tuyến đường từ trụ sở UBND xã đến các thôn gập ghềnh khó đi vì những sống trâu, ổ gà thì nay đã được trải bê tông láng mịn, phẳng phiu. Hằng tháng, xã phát động "ngày chủ nhật xanh" để dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống, rãnh. Các tổ liên gia, hộ gia đình chỉnh trang vườn, nhà và vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom xử lý rác thải đúng nơi quy định.
Những năm gần đây, trụ sở làm việc của các cơ quan, trường học, nhà văn hóa các thôn đều được xây mới hoặc tu sửa khang trang, rộng rãi. Trên địa bàn có 3 trường học mầm non, tiểu học, THCS đều đạt chuẩn quốc gia. Xã có gần 2.100 hộ ở 16 thôn nhưng hầu hết hộ nào cũng duy trì từ 1- 2 mô hình kinh tế trồng vải thiều, bưởi, cam, táo ngọt hoặc chăn nuôi gia súc, gia cầm phù hợp. Số người trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo chiếm 75,8%.
Đồng bào dân tộc Sán Dìu xã Tân Lập gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc. |
Đồng chí Nguyễn Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã thông tin thêm, nhận thấy địa bàn có diện tích đất sản xuất nông nghiệp rộng lớn, nhiều tiềm năng song lâu nay còn “bỏ ngỏ”, xã tập trung cơ cấu lại cây trồng, trong đó xác định vải thiều, bưởi và táo ngọt là chủ lực. Tổ chức lại sản xuất theo hướng an toàn, gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm.
Kết quả, đến nay toàn xã có 894 ha vải thiều, 63 ha bưởi các loại, gần 100 ha táo, cam ngọt. Trên địa bàn đã hình thành vùng sản xuất vải thiều VietGAP, táo ngọt tập trung quy mô lớn. Tiêu biểu là mô hình liên kết sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại thôn Trại Thập quy mô 5 ha. Có 15/16 thôn với hơn 600 hộ tham gia quy trình sản xuất vải sạch. Tại thôn Cà Phê có mô hình trồng táo ngọt tập trung quy mô hơn 30 ha.
Đến thăm Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Minh Nghĩa ở thôn Tân Tiến, chúng tôi chứng kiến không khí lao động khẩn trương. Ông Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ, đầu năm 2022, ông được UBND xã hướng dẫn thành lập hợp tác xã chuyên cung cấp dịch vụ trồng trọt, chăn nuôi, sau thu hoạch, chế biến và bảo quản rau quả. Từ khi hoạt động đến nay, Hợp tác xã thường xuyên tạo việc làm cho 10 lao động, thu nhập bình quân của xã viên là 4-4,5 triệu đồng/người/tháng. Riêng vụ cam, bưởi năm ngoái, hợp tác xã thu về hơn 1 tỷ đồng. Hoạt động của Hợp tác xã đã thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên địa bàn, khắc phục tình trạng sản phẩm bị dồn ứ, hư hỏng lúc cao điểm thu hoạch.
Những mô hình kinh tế được triển khai rộng khắp đã góp phần đưa số hộ nghèo của xã Tân Lập đến cuối năm 2023 giảm còn 86 hộ, chiếm tỷ lệ 3,8%. Riêng thôn Cà Phê chỉ còn 3 hộ nghèo; thôn Trại Thập còn 2 hộ nghèo.
Cán bộ huyện Lục Ngạn và xã Tân Lập trao kinh phí xóa nhà tạm cho gia đình hoàn cảnh khó khăn. |
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực song trong câu chuyện, lãnh đạo xã không khỏi băn khoăn khi vẫn còn 6 thôn đặc biệt khó khăn là: Cà Phê, Hòa Thịnh, Đồng Tâm, Tân Tiến, Đồng Con 1, Hòa Trong.
Những nơi này tập trung nhiều đồng bào DTTS, ở xa trung tâm xã, điều kiện phát triển sản xuất còn nhiều trở ngại. Số hộ nghèo còn lại hiện nay phần lớn là đối tượng bảo trợ xã hội, rất cần sự quan tâm, giúp đỡ từ cộng đồng xã hội. Với kinh phí hơn 9 tỷ đồng từ ngân sách hỗ trợ, từ đầu năm đến nay, xã mở rộng, nâng cấp 3 tuyến đường giao thông từ 3,5m lên 5,5m với tổng chiều dài 11 km, bảo đảm kết nối với các xã: Đồng Cốc, Đèo Gia, Phú Nhuận. Nhà văn hóa thôn Cà Phê được xây mới khang trang rộng hơn 200 m2; điểm lẻ của Trường Mầm non Tân Lập cũng được bổ sung 2 phòng học mới, đáp ứng nhu cầu đến lớp của trẻ em trong vùng.
Từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ đầu năm đến nay, địa phương hỗ trợ 14 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo xây, sửa chữa nhà ở; 79 hộ được hỗ trợ mua téc chứa nước sạch và 47 hộ nghèo được chuyển đổi nghề phù hợp với nhu cầu. UBND xã đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn hướng dẫn thủ tục chuẩn bị triển khai dự án nuôi lợn thương phẩm ở 6 thôn đặc biệt khó khăn, giúp bà con có thêm việc làm, nguồn thu nhập chủ động tại hộ gia đình.
Xác định xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục rà soát, củng cố, duy trì và nâng chất lượng các tiêu chí. Đặc biệt là quan tâm nội dung đào tạo nghề mới phù hợp với nhu cầu, tiếp tục đổi mới cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; thúc đẩy liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, nâng cao thu nhập.
Đáp ứng nhu cầu của đông đảo nhân dân về sử dụng nước sạch sinh hoạt, năm 2024, địa phương tiếp tục lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ để xây dựng hệ thống nước sinh hoạt tập trung, tăng tỷ lệ hộ gia đình dùng máy lọc nước theo quy chuẩn. Tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các trường đạt chuẩn quốc gia, bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Từ những kết quả đạt được cộng với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và người dân, trong tương lai không xa Tân Lập sẽ sớm đạt mục tiêu xã NTM nâng cao.
Bài, ảnh: Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)