Ngày mới ở làng Bừng
Tự hào truyền thống cách mạng
Làng Bừng có quần thể di tích gồm hai chùa (chùa Am, chùa Cả), hai nghè (nghè Hơm, nghè Cả) và một ngôi đình. Tài liệu lịch sử địa phương ghi lại, với lợi thế địa hình hiểm trở, ba mặt giáp núi, xung quanh có nhiều rặng tre bao bọc nên năm xưa làng được T.Ư Đảng chọn là địa điểm tổ chức nhiều hoạt động chính trị, quân sự quan trọng.
Vào năm 1941, T.Ư Đảng chọn nơi đây để in Báo Phục quốc; phân công đồng chí Hà Thị Quế phụ trách công tác in ấn, lưu hành bí mật để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng. Tại đây, Đội tự vệ cứu quốc được thành lập với 48 thành viên là hạt nhân kêu gọi quần chúng giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, kiên quyết chống lại sự đô hộ của thực dân Pháp. Suốt những tháng năm kháng chiến chống Pháp, làng Bừng là căn cứ quan trọng che chở nhiều nhà hoạt động cách mạng như: Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Lương Bằng, Lê Thanh Nghị, Lê Quang Đạo, Hà Thị Quế, Trung tướng Lư Giang...
Đình Bừng là nơi từng nuôi giấu các chiến sĩ cách mạng trong kháng chiến. |
Nhiều lớp huấn luyện chính trị, quân sự được tổ chức bí mật tại đây góp phần giúp Đảng từng bước lãnh đạo các tầng lớp nhân dân vùng lên đấu tranh chiến thắng kẻ thù xâm lược. Với nhiều đóng góp trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nghè Hơm - nơi in Báo Phục quốc của Đảng và nghè Bừng được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh, làng Bừng được vinh danh là “Làng có công với nước”; xã Tân Thanh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều tập thể và 570 cá nhân được tặng thưởng các phần thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì, bằng khen, giấy chứng nhận do có thành tích trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.
Ông Nguyễn Hùng Dũng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã kiêm Phó Ban Quản lý Di tích xã Tân Thanh cho biết: “Truyền thống cách mạng hào hùng năm xưa của cha ông trở thành niềm tự hào thôi thúc thế hệ con cháu hôm nay nỗ lực vươn lên học tập, lao động, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống no ấm, hạnh phúc. Chúng tôi thường xuyên chăm lo gìn giữ, phát huy truyền thống tốt đẹp đó và những di tích lịch sử cha ông để lại”.
Năng động làm giàu
Trong nắng thu tháng Tám, diện mạo vùng quê cách mạng năm xưa càng thêm tươi đẹp. Đồng chí Lê Anh Huy, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thanh cho biết: “Sau khi chia tách, làng Bừng xưa nay gồm bốn thôn: Chung, Tê, Đông, Thuận. Toàn xã có hơn 3,1 nghìn hộ, các phong trào thi đua được cấp ủy, chính quyền triển khai rộng khắp, nhân dân tích cực hưởng ứng. Năm 2019, xã về đích nông thôn mới. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4%, thấp hơn bình quân chung toàn huyện; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt gần 94%.
Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, bằng các nguồn lực do ngân sách hỗ trợ và nhân dân đóng góp, gần 100 km đường giao thông bao gồm các trục đường xã, thôn, ngõ xóm, nội đồng được cứng hóa, đi lại thuận lợi. Từ kinh nghiệm của thôn kiểu mẫu Mải Hạ, năm nay nhân dân thôn Chung tích cực thi đua hoàn thiện các tiêu chí để đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu”.
Trường THCS Tân Thanh được xây dựng khang trang, đạt chuẩn quốc gia. |
Ven tuyến đường từ trung tâm xã đến các thôn xuất hiện nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang, bề thế, đường làng sạch sẽ phong quang, rợp bóng cây xanh. Vốn là xã thuần nông, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã đề ra nhiều chương trình, kế hoạch khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu lao động, vật nuôi, cây trồng, hình thành các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Toàn xã có hơn 900 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi ở các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Thanh chuyên sản xuất nấm rơm, rau xanh an toàn.
Ông Nguyễn Văn Huy, thành viên HTX, ở thôn Thuận cho biết, nấm rơm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP (xếp hạng 3 sao) nên việc tiêu thụ thuận lợi. Mỗi ngày gia đình ông và các hộ thành viên khác thu hái khoảng 2,2 tạ nấm tươi, giá bán từ 90 nghìn đến 120 nghìn đồng/kg. Đến thời điểm này, Tân Thanh là xã có quy mô sản xuất nấm lớn nhất huyện. Mỗi năm cung ứng cho thị trường từ 2 đến 3 nghìn tấn sản phẩm, doanh thu từ 6 đến 8 tỷ đồng.
Năm 2019, xã Tân Thanh về đích nông thôn mới. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4%, thấp hơn bình quân chung toàn huyện; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt gần 94%. Toàn xã có hơn 900 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi ở các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. |
Trên địa bàn xã cũng xuất hiện một số doanh nghiệp sản xuất gạch, gỗ ván ép xuất khẩu và hàng chục cơ sở sản xuất tư nhân quy mô vừa và nhỏ. Qua thống kê có khoảng 6 nghìn người trong độ tuổi lao động (chiếm 50% dân số) đang làm việc trong các nhà máy, doanh nghiệp trên địa bàn xã và vùng lân cận. Theo Bí thư Đảng ủy xã Lê Anh Huy, bình quân mỗi lao động có thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng, nhiều gia đình có 2 đến 3 người làm việc tại các doanh nghiệp. Thu nhập ổn định, các hộ có tích lũy để đầu tư tái sản xuất, cho con em học tập, xây nhà ở khang trang, đời sống ngày càng tốt hơn.
Nhịp sống mới ở Tân Thanh nay khác xưa nhiều. Trong khi lớp trẻ năng động trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế thì vào các buổi sớm, chiều tại nhà văn hóa thôn, hội viên người cao tuổi, phụ nữ, thiếu nhi sôi nổi rèn luyện thể dục, thể thao, giao lưu văn hóa, văn nghệ. Sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm thường xuyên. Đến nay, các trường mầm non, tiểu học, THCS của xã đều đạt chuẩn quốc gia.
Trong tháng 9 tới, nghè Cả ở thôn Tê sẽ được hạ giải, tu bổ toàn bộ với tổng kinh phí dự toán khoảng 1,9 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 400 triệu đồng, số còn lại huy động xã hội hóa và nguồn đóng góp của các hộ dân. Người dân xã Tân Thanh mong muốn sau công trình này, nghè Hơm cũng sẽ được cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng quan tâm tôn tạo; về lâu dài xây dựng quần thể di tích lịch sử văn hóa tại làng Bừng năm xưa trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia.
Trong câu chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã Tân Thanh được biết, mới đây, nhân dân các thôn đồng thuận bàn giao mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường huyết mạch rộng 11 m, nối từ thị trấn Vôi với đường tỉnh 295 đi qua địa bàn xã. Nhiều dự án khác như: Mở rộng trường THCS, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng các điểm thu gom, xử lý rác thải, mở rộng và cứng hóa đường giao thông... cũng được xã đưa vào danh sách phê duyệt tập trung huy động nguồn lực đầu tư. Bà con trong xã hy vọng sau khi các công trình phúc lợi xã hội hoàn thành sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, tạo đà để vùng quê giàu truyền thống cách mạng ngày càng phát triển.
Bài, ảnh: Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)