Ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ Ba, HĐND tỉnh khóa XVIII: Thảo luận và chất vấn các vấn đề KT-XH
Tại đây, các đại biểu nghe đồng chí Bùi Văn Hạnh thông báo tóm tắt kết quả thảo luận tại tổ. Nhìn chung, các đại biểu nhất trí với báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết tại kỳ họp và tham gia nhiều ý kiến bổ sung, làm rõ những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2017, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong năm 2017.
Nâng cao hiệu quả đầu tư, phát triển công nghiệp
Thảo luận tại hội trường, một số đại biểu cho rằng cần tập trung thu ngân sách, phát triển công nghiệp, thu hút nhà đầu tư có tiềm năng.
Về kế hoạch đầu tư công trung hạn, ông Trịnh Hữu Thắng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, do lần đầu được triển khai, thời gian xây dựng ngắn, cơ chế phân bổ chưa rõ dẫn đến khó khăn trong việc lập danh mục thẩm định chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Vốn hỗ trợ có mục tiêu T.Ư dự kiến phân bổ cho tỉnh giảm nên một số dự án đã được thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư phải tạm dừng. Để triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, sau khi có quyết định giao vốn của T.Ư sẽ triển khai ngay việc giao kế hoạch đầu tư công ở các cấp để chủ đầu tư chủ động thực hiện các chương trình, dự án. Tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm như: Dự án đầu tư xây dựng công trình khu số 1, số 2 thuộc khu đô thị phía Nam, TP Bắc Giang; cải tạo nâng cấp đường tỉnh 295...
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương phát biểu tại hội trường. |
Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương, việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp và làng nghề còn hạn chế. Số lượng cơ sở công nghiệp nhiều nhưng chủ yếu sản xuất nhỏ, số doanh nghiệp đóng góp cho ngân sách tỉnh chưa nhiều. Một số dự án đã được giao đất song đầu tư không hiệu quả, sai mục đích. Việc thu gom xử lý chất thải tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề còn bất cập. Thời gian tới, Sở tập trung kiểm tra, giám sát công tác thực hiện quy hoạch; bảo đảm phát triển các khu, cụm công nghiệp phải gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, lựa chọn nhà đầu tư tiềm lực; chủ động kết nối, liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, các đại biểu thảo luận, bàn giải pháp tháo gỡ các vấn đề như: Tinh giản biên chế; thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; đổi mới giáo dục, khắc phục tình trạng bất hợp lý trong việc bố trí cán bộ quản lý, giáo viên ở một số địa phương ...
"Nóng" vấn đề sản xuất, tiêu thụ nông sản, quản lý, bảo vệ rừng
Tại kỳ họp, ông Nguyễn Ngọc Chung, đại biểu khu vực huyện Yên Thế, ông Giáp Xuân Thu, đại biểu khu vực huyện Lục Ngạn chất vấn về trách nhiệm trước tình trạng quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp hạn chế, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ bấp bênh, tình trạng chặt phá rừng, tranh chấp đất rừng diễn biến phức tạp. Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Văn Khái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ triển khai hiệu quả các quy hoạch đã được phê duyệt; nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, hỗ trợ phát triển 8 sản phẩm chủ lực của tỉnh: Vải thiều, lúa chất lượng, rau, cam, lạc, gà, lợn, cá.
Ông Giáp Xuân Thu, tổ đại biểu huyện Lục Ngạn chất vấn về tình trạng chặt phá rừng, tranh chấp đất rừng diễn biến phức tạp. |
Thực trạng chặt phá rừng xảy ra chủ yếu ở các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam. Nguyên nhân do hiệu quả trồng rừng kinh tế những năm gần đây cao hơn, trong khi diện tích đất rừng giao cho các hộ dân bảo vệ chủ yếu là rừng tự nhiên nghèo kiệt không có nguồn thu. Trách nhiệm để xảy ra tình trạng phá rừng thuộc về chủ rừng được Nhà nước giao quản lý; chính quyền địa phương chưa thực hiện tốt; lực lượng kiểm lâm mỏng, chưa sâu sát địa bàn, chậm phát hiện vụ việc, chưa báo cáo kịp thời với chính quyền địa phương. Trong thời gian tới, ngành và các cấp chính quyền nơi có rừng tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định về quản lý bảo vệ rừng; chỉ đạo kiểm lâm thường xuyên bám rừng, tích cực tuần tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm; nêu cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở, phối hợp với ngành chức năng giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp đất lâm nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Nhàn, đại biểu khu vực huyện Tân Yên chất vấn về tình trạng giá thịt lợn, gia cầm xuống thấp, thị trường tiêu thụ nông sản bấp bênh. Giải trình, Giám đốc Sở Công thương Trần Quang Tấn cho biết, nông sản trên địa bàn có tính chất mùa vụ cao, chất lượng không đồng đều, sản xuất chưa gắn chặt với chế biến và thị trường tiêu thụ. Sở sẽ rà soát, thực hiện tốt công tác dự báo thị trường; triển khai các đề án ứng dụng công nghệ vào sản xuất sản phẩm chất lượng; làm tốt hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản...
Về nội dung chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh và phần trả lời chất vấn của lãnh đạo các sở, đồng chí Bùi Văn Hạnh đề nghị ngành nông nghiệp bên cạnh chú ý đến sản lượng, thời gian tới cần quan tâm đến chất lượng nông sản; xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp bài bản hơn. Riêng về tình trạng tranh chấp đất rừng, phá rừng, chính quyền các huyện cần vào cuộc quyết liệt để giải quyết. Sở Công thương làm tốt hơn công tác nghiên cứu, dự báo thị trường để giúp cho đầu ra của sản xuất nông nghiệp ổn định. Cùng đó, cần đánh giá lại việc tổ chức sản xuất nông nghiệp bảo đảm sản phẩm làm ra phải tiêu thụ được.
Buổi chiều 12-7, HĐND tỉnh tiếp tục phiên chất vấn, trả lời chất vấn.
Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)