Ngăn chặn việc xả nước thải trái phép
Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang, hiện nay toàn tỉnh có 432 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhưng trong đó chỉ 40% cơ sở có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Do đó, mỗi năm qua thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng, toàn tỉnh có hàng chục doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bị xử phạt do xả thải không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng thực hiện không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường.
Không chỉ xả nước sinh hoạt, nhiều cơ sở còn xả nước thải từ quá trình sản xuất công nghiệp có hàm hượng các chất độc hại vượt từ 1-2 lần, thậm chí 5-6 lần so với tiêu chuẩn quy định. Bởi vậy, môi trường nước, đất, không khí ngày càng bị ô nhiễm.
Thực tế trên địa bàn tỉnh có nhiều tuyến kênh mương, ao hồ chứa nước thải của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đen đặc, bốc mùi nồng nặc như ở xã Nội Hoàng (Yên Dũng), xã Vân Hà (Việt Yên)… làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe cũng như việc dẫn nước phục vụ sản xuất của người dân. Hằng năm, Nhà nước phải đầu tư hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng để thực hiện các dự án khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường.
Để phòng chống ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm để ngăn chặn các cơ sở sản xuất kinh doanh không có giấy phép theo quy định mà vẫn xả nước thải gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời tập trung tuyên truyền sâu rộng để các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoàn thiện hệ thống công trình xử lý nước thải bảo đảm tiêu chuẩn để cấp giấy phép xả nước thải.
Các cơ sở đang hoạt động phải có biện pháp xử lý, kiểm soát, giám sát chặt chẽ chất lượng nước thải, chất thải trước khi thải ra đất, nguồn nước theo giấy phép.
Hải Minh
Ý kiến bạn đọc (0)