Nâng niu di tích
Bắc Giang là vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có hơn 2,2 nghìn di tích các loại. Đây là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân. Qua những tín ngưỡng thờ cúng, bằng tấm lòng tôn kính, cộng đồng xã hội giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, cầu mong quốc thái, dân an, cầu phúc, cầu tài, cầu lộc.
Hệ thống di tích của tỉnh gắn với các lễ hội đã tạo ra sản phẩm du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh giàu tiềm năng. Loại hình du lịch này hấp dẫn du khách thập phương bởi nó thỏa mãn nhu cầu thưởng thức sự khác biệt về cảnh vật, văn hóa, ẩm thực cũng như đức tin về sự may mắn, bình an trong cuộc sống, bước đầu được một số địa phương khai thác hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển KT –XH.
Xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của các di tích, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, gắn với phát triển du lịch. Tuy nhiên, tại một số địa phương, công tác này còn bị coi nhẹ. Nhiều nơi chính quyền cơ sở phó mặc cho các cụ cao tuổi, thủ từ, thủ nhang hoặc sư trụ trì trông coi dẫn đến bị trộm cắp, cháy, hư hỏng hiện vật.
Số lượng di tích lớn, trong khi kinh phí dành cho việc tu bổ còn khó khăn nên một số di tích bị xuống cấp. Trong quá trình tu bổ, thiếu sự hướng dẫn, giám sát của cơ quan chuyên môn dẫn đến làm sai lệch di tích hay đổ vỡ hiện vật như trường hợp vỡ khối bia đá nêu trên.
Trở lại vụ việc ở chùa Thổ Hà, khối bia bị vỡ thuộc loại bia tứ diện (thân bia cao 115cm, rộng 75cm và 93cm), tạo tác bằng chất liệu đá xanh, niên hiệu Vĩnh Trị năm thứ 4 thời vua Lê Hy Tông (1679), nội dung trên bia ghi tên những người công đức và quá trình xây dựng gác chuông chùa Thổ Hà. Nguyên nhân khiến bia bị vỡ là do các bên chưa đánh giá đúng hiện trạng để có biện pháp di chuyển phù hợp.
Được biết, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã có biện pháp tạm thời khắc phục sự cố trên, xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan, đồng thời xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về việc phục chế bia đá. Trong quá trình thực hiện sẽ tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để việc phục chế bảo đảm sát với hiện vật gốc.
Khối bia đá chùa Thổ Hà bị vỡ trong quá trình tu bổ chùa là sự cố đáng tiếc. Chắc hẳn chính quyền, ngành chức năng và các tập thể, cá nhân liên quan sẽ rút được bài học kinh nghiệm để tránh xảy ra sự cố tương tự.
Thực tế thấy rằng mỗi di tích lịch sử văn hóa là một kho báu chứa đựng di sản quý giá của ông cha để lại. Trách nhiệm của chúng ta là cần nâng niu, gìn giữ, bảo vệ để nó trường tồn mãi mãi về sau.
Trần Anh
Ý kiến bạn đọc (0)