Nâng cao trách nhiệm trong sử dụng Internet, mạng xã hội, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Internet, mạng xã hội - “con dao" hai lưỡi
Internet, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube, Instagram, Google…) phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều tiện ích cho các tổ chức, cá nhân. Hiện nước ta có khoảng 76,7 triệu người dùng MXH (chiếm hơn 78% tổng dân số). Với những tiện ích to lớn, ứng dụng hữu ích, cùng tốc độ lan truyền nhanh chóng, MXH đã trở thành diễn đàn để tổ chức, cá nhân chia sẻ thông tin phục vụ công tác, cuộc sống.
Ở nước ta, MXH đã góp phần quan trọng vào việc phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin về hoạt động của các tổ chức, cá nhân; là diễn đàn quan trọng trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù lực, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng...
Ban Tổ chức Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch năm 2022 trao giải cho các Tập thể xuất sắc, trong đó có tỉnh Bắc Giang. |
Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, MXH rất phát triển với sự xuất hiện của hàng triệu tài khoản zalo, facebook, youtube... Đặc biệt là sự xuất hiện các trang fanpage của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Qua đó thông tin về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hoạt động của các cơ quan, đơn vị, gương người tốt - việc tốt... nhanh chóng được cập nhật, chia sẻ đến cán bộ, đảng viên, nhân dân, góp phần quan trọng trong việc lan tỏa thông tin tích cực, dẫn dắt và định hướng dư luận xã hội.
Bên cạnh những tiện ích, Internet, MXH cũng đã và đang trở thành phương tiện để các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng để phát tán thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch. Các thế lực thù địch, đối tượng xấu đã lợi dụng MXH để phát tán thông tin bịa đặt, sai sự thật. Thời gian qua, một số kênh Youtube đã đăng tải hàng loạt video liên quan đến “luật sư” Tạ Miên Linh với nhiều thông tin thiếu căn cứ, có nội dung xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân.
Đáng lo ngại hơn là tình trạng một số người sử dụng các tài khoản mạng xã hội Facebook, Blog cá nhân, hội nhóm để tán phát thông tin có nội dung xấu độc, tiêu cực, chủ yếu dưới hình thức chia sẻ bài viết của đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước liên quan đến một số vấn đề như: Công tác phòng, chống tham nhũng và xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; đưa tin về các vấn đề tiêu cực nảy sinh trong đời sống xã hội...
Mặt khác, do nhận thức chưa đầy đủ hoặc vô tình bị kẻ xấu lợi dụng, một số cá nhân, tổ chức đã đăng tải, chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin không không phù hợp với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức của dân tộc, làm vẩn đục môi trường mạng, tác động tiêu cực tới suy nghĩ, hành động của một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ. Điều đó đặt ra yêu cầu bức thiết cần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong sử dụng Internet, MXH.
Tăng cường chỉ đạo, định hướng kịp thời
Nhận thức rõ vai trò của Internet, MXH cũng như trước những vấn đề đặt ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang thường xuyên quan tâm chỉ đạo nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong sử dụng Internet, MXH. Ngày 20/7/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 01 về nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn 2021-2025; trong đó đưa ra giải pháp quan trọng là nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội; phát huy sức mạnh của các cơ quan báo chí, truyền thông; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và sử dụng Internet, MXH...
Cùng đó, Ban Chỉ đạo 35 tỉnh kịp thời chỉ đạo Ban chỉ đạo 35 các cấp đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng do Trung ương phát động, coi đây là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn để cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức chính trị, trách nhiệm cá nhân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất là trên môi trường mạng. Các tác phẩm dự thi có chất lượng đã được lựa chọn đăng tải, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng của tỉnh và lan tỏa trên trang thông tin điện tử, fanpage của các ngành, đơn vị trong tỉnh.
Nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong sử dụng Internet, MXH, ngày 16/1/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU, trong đó yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, chủ động cung cấp thông tin có định hướng; khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp, đăng tải, chia sẻ, bình luận các thông tin chính thống, nhất là chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, mô hình mới, cách làm hay... lên MXH. Mỗi tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị xây dựng ít nhất một trang thông tin trên MXH, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng Tờ gấp “Một số nội dung chính về trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên khi sử dụng internet, mạng xã hội” để cấp phát tới tận chi bộ.
Bám sát các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh thời gian qua, nhiều cơ quan, địa phương, đơn vị đã quan tâm khai thác hiệu quả Internet, MXH trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hầu hết các đơn vị đều xây dựng và duy trì hiệu quả ít nhất một trang thông tin hoặc tài khoản MXH để phục vụ công tác tuyên truyền.
Tỉnh đoàn Bắc Giang duy trì hiệu quả trang thông tin điện tử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Giang, thu hút trung bình gần 1 nghìn lượt truy cập mỗi ngày. Tỉnh đoàn cũng xây dựng và phát triển trang fanpage “Tỉnh đoàn Bắc Giang” với trên 23.000 người theo dõi; fanpage “Câu lạc bộ lý luận trẻ tỉnh Bắc Giang”, “Những viên gạch hồng”, “Thiếu nhi Bắc Giang”... Các trang này thường xuyên cập nhật những thông tin quan trọng, bổ ích, hoạt động nổi bật của các cấp bộ đoàn trong tỉnh, là diễn đàn để các bạn trẻ chia sẻ kinh nghiệm, lý tưởng, nhân lên tình yêu, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước.
Trang fanpage “Công an Bắc Giang” thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông ở các địa phương trong tỉnh, thông tin về thủ đoạn của các loại tội phạm... góp phần giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh nâng cao hiểu biết và chấp hành các quy định của pháp luật; cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao.
Các trang fanpage của Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh có hàng chục nghìn người theo dõi, hàng ngày cung cấp những thông tin nổi bật, chính thống trên các lĩnh vực của tỉnh. Qua đó thông tin, tuyên truyền kịp thời, hiệu quả về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, gương người tốt, việc tốt; những câu chuyện hay, hình ảnh đẹp trong cuộc sống... thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, khán thính giả ở trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, nhiều cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, đoàn thể, doanh nghiệp... đã thành lập và khai thác hiệu quả các trang fanpage, facebook, zalo... thường xuyên đăng tải, chia sẻ những thông tin tích cực, đặc biệt là hình ảnh đẹp về văn hóa, danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử... Tiêu biểu như các trang: “Bắc Giang đổi mới”, “Phủ Lạng Thương”, “Lạng Giang ngày nay”, “Lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Giang”, “Lục Nam Ngày mới”; “Yên Dũng Phượng Hoàng”, “Lục Ngạn hôm nay”...
Tờ gấp “Một số nội dung chính về trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên khi sử dụng internet, mạng xã hội”. |
Đặc biệt, trong cuộc chiến chống Covid-19 vừa qua, khi Bắc Giang là một trong những tâm dịch của cả nước, Internet, MXH đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ thông tin tích cực, hình ảnh đẹp, lan tỏa tình đồng bào, đồng chí, sự gắn kết yêu thương, tinh thần đoàn kết, tạo sự đồng thuận giữa ý Đảng - lòng dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.
Thông qua lan tỏa thông tin tích cực trên Internet, MXH đã góp phần tạo “sức đề kháng” cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước những thông tin xấu độc, kịp thời định hướng dư luận, góp phần đưa Bắc Giang vượt qua đại dịch, trở thành một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước (năm 2022 đạt 19,3%).
Nâng cao cảnh giác, không để đối tượng xấu lợi dung
Hiện nay, các thế lực thù địch, đối tượng xấu đang ra sức lợi dụng Internet, MXH để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, đặc biệt là chúng tăng cường sử dụng MXH để tán phát thông tin xuyên tạc, sai sự thật về tình hình đất nước, bôi nhọ, nói xấu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Bắc Giang hòng làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Gần đây, đối tượng Đường Văn Thái hay còn gọi Thái Văn Đường đã tạo lập nhiều tài khoản trên MXH để tán phát những hình ảnh, thông tin không đúng sự thật trên nhiều lĩnh vực. Trong cuộc chiến chống Covid-19, một số người nhẹ dạ cả tin, nhận thức chưa đầy đủ đã đăng tải, chia sẻ thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng về công tác phòng, chống dịch gây hoang mang cho người dân, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.
Để góp phần làm trong sạch môi trường mạng, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về an ninh mạng trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2020 đến nay, Thanh tra Sở đã rà soát, kịp thời phát hiện và xử phạt hành chính đối với hàng trăm trường hợp. Trong đó xử lý hành chính về hành vi đăng tải hình ảnh không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc đối với một số trường hợp như: Hưng Vlog, Gấm Trần... và yêu cầu các chủ tài khoản gỡ bỏ thông tin đã đăng tải.
Để phát huy thế mạnh của Internet, MXH trong tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội; đồng thời khắc phục những mặt trái, đưa MXH trở thành một trong những công cụ đắc lực trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội tỉnh... đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị, Đề án số 01 và Chỉ thị số 21 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng thời nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, chỉ đạo, đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết triệt để, kịp thời những vấn đề phức tạp, nổi cộm nảy sinh, không để các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng tuyên truyền, phán tát thông tin xấu độc, bịa đặt.
Các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người dân khi sử dụng Internet, MXH; thực hiện nghiêm Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH. Khai thác, sử dụng hiệu quả Tờ gấp “Một số nội dung chính về trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên khi sử dụng internet, mạng xã hội”.
Thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự, kỷ cương trên các lĩnh vực, đồng thời tiếp tục quan tâm bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thanh thiếu niên. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp thông tin cho ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí về âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch cũng như trang bị thêm kiến thức, kinh nghiệm trong nhận diện, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc hại trên không gian mạng.
Với mỗi cá nhân, khi sử dụng MXH cần chấp hành nghiêm Luật An ninh mạng và các quy định về quản lý, khai thác, sử dụng Internet, MXH. Nâng cao ý thức cảnh giác, nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; không đăng tải, chia sẻ thông tin, hình ảnh sai sự thật, đi ngược với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vi phạm thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội; không chia sẻ, bình luận theo hướng tiêu cực những bài viết xuyên tạc, bôi nhọ, sai trái, bịa đặt, những thông tin không chính thống có nội dung ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng tải, chia sẻ thông tin tích cực từ các nguồn chính thống, nhất là gương người tốt, việc tốt; những cách làm hay, sáng tạo, hình ảnh đẹp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội... với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”. Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện mỗi ngày đăng tải, chia sẻ ít nhất một thông tin tốt trên các trang fanpage, facebook, zalo... cá nhân.
Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng thông tin, nhất là việc đăng ký tham gia các tổ chức, “hội”, “nhóm” trái phép trên Internet, MXH; làm lộ, lọt bí mật nhà nước, bí mật nội bộ; truyền bá quan điểm sai trái, thù địch; cung cấp hoặc phát tán thông tin gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Hoàng Chung (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang)
Ý kiến bạn đọc (0)