Năm Sửu lên Phong Minh nghe chuyện "Đầu cơ nghiệp"
Đến Phong Minh vào buổi sớm, ngắm từng đàn trâu nhởn nhơ gặm cỏ trong tiếng mõ lách cách, chúng tôi cảm nhận được sự no ấm của người dân ở các thôn, bản như Nũn, Cả, Giàng, Na Lang hôm nay.
Một hộ nuôi trâu ở thôn Nũn, xã Phong Minh (Lục Ngạn). |
Những năm trước, Phong Minh từng là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Lục Ngạn. Khai thác lợi thế diện tích đồi cỏ lớn, gần đây bà con chú trọng chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa. Ông Ngô Văn Khang, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước đây, các hộ dân chỉ nuôi một vài con để lấy sức kéo.
Từ khi sản phẩm thịt trâu bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường, giá trị kinh tế tương đối cao, bà con dần mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện Phong Minh có tổng đàn trâu lớn trong tỉnh với gần 1 nghìn con. Hầu hết mỗi hộ đều có 5-7 con; khoảng 30% hộ nuôi từ 15-20 con trâu, mang lại đời sống khấm khá cho người dân.
Trong cái lạnh sâu của vùng núi, mời khách uống chén trà cho ấm bụng, anh Hoàng Văn Hợp, thôn Giàng chia sẻ, từ hộ nghèo, nhờ nuôi trâu, gia đình anh đã xây dựng được ngôi nhà khang trang dưới chân núi Tà Cang. Gia đình anh luôn duy trì từ 18-22 con trâu với giá trị từ 400- 550 triệu đồng.
Khối tài sản sống “bạc triệu” của gia đình cứ sinh sôi phát triển. Khi cần, anh bán vài con để có nguồn thu, còn tổng đàn cứ tăng dần khi trâu mẹ sinh sản nghé con. Hơn nữa, chăn thả tự nhiên không mất nhiều công và thức ăn, đến lứa xuất chuồng thì bổ sung thêm ít cám, rau cỏ để vỗ béo.
Ở Phong Minh, hầu hết mỗi hộ đều có từ 5-7 con trâu. Toàn xã có khoảng 30% hộ dân nuôi từ 15 - 20 con trâu, mang lại nguồn thu nhập khá. |
Cũng như anh Hợp, nhờ nuôi trâu, nhiều gia đình ở Phong Minh có “đồng ra, đồng vào” để nuôi con ăn học, làm nhà, mua sắm tiện nghi sinh hoạt. Gia đình anh Ngô Văn Đang ở thôn Cả vừa bán đàn trâu cả chục con lấy tiền làm nhà, chỉ giữ lại bầy nghé và đôi trâu cái để tái đàn. Hay trước mỗi học kỳ, gia đình anh Lý Văn Lự ở thôn Cả lại bán một, hai con trâu để trang trải học phí cho các con học nghề ở dưới xuôi. Anh Lự cho biết: “Tất cả đều trông vào đàn trâu. Trâu mẹ đẻ con nào là tôi giữ lại nuôi con đó. Đồng thời tiết kiệm chi tiêu mua thêm trâu tơ để tăng đàn”.
Với lợi thế đồi bãi rộng, trước xu thế cơ giới hóa nhằm giảm bớt sức lao động, các gia đình bán trâu mua máy cày phục vụ sản xuất. “Trâu, bò dư để cày bừa nhưng không nhanh bằng cày máy đâu”- ông Nguyễn Văn Chiến, Trưởng thôn Nũn nói.
Xã Phong Minh có 4 thôn với 678 hộ chủ yếu là người dân tộc Tày, Nùng, trong đó có 400 hộ nuôi trâu. Từ năm 2015 trở về trước, xã luôn có tỷ lệ hộ nghèo khoảng 50-60%. Nhờ nuôi trâu thương phẩm, đến năm 2020, hộ nghèo giảm còn 14%.
Cùng với biện pháp chăn thả tự nhiên, các hộ dân tận dụng những khoảnh đồi bãi, bìa rừng, ven suối để trồng cỏ voi, thu gom phụ phẩm nông nghiệp từ cám bã, rơm rạ, lá mía, lá ngô để bổ sung nguồn thức ăn nuôi trâu. Hiện toàn xã có hơn 10 ha cỏ voi dự trữ cho trâu ăn trong những ngày giá rét.
Theo chị Ngô Thị Giang, cán bộ thú y xã, theo chu kỳ 3 năm trâu cái sinh sản một đôi nghé. Trâu dễ chăm sóc, nếu được tiêm phòng định kỳ, đúng lịch sẽ khỏe mạnh. Dưới sự tư vấn của cán bộ thú y, tỷ lệ tiêm phòng cho trâu ở Phong Minh luôn đạt 98%. Những ngày lạnh, người dân thường lùa trâu về một khu tránh rét, bổ sung thêm thức ăn. Bởi vậy, dù chăn thả tự nhiên nhưng nhiều năm nay, xã không có trâu, bò chết vì đói, rét hay dịch bệnh.
Điều đặc biệt, do chăn thả trong rừng, trên những ngọn đồi rộng lớn, điều kiện thổ nhưỡng phù hợp nên thịt trâu Phong Minh có tiếng thơm ngon. Đặc trưng giống trâu ở đây có đôi sừng quặp, tầm vóc to lớn, đặc biệt thớ thịt săn chắc, ăn vào mềm, ngọt được thực khách yêu thích.
Vì thế nhiều năm nay, tư thương khắp nơi tìm về xã mua trâu thương phẩm với giá cao hơn nơi khác. Theo các hộ chăn nuôi, thị trường trâu thương phẩm rất ổn định trong nhiều năm trở lại đây. Thời điểm này, gia súc được giá, lại dễ bán. Tại các phiên chợ Tân Sơn, Phong Vân, tư thương từ các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh tìm về mua với giá từ 25-30 triệu đồng/con trâu trưởng thành.
Tuy nhiên, một trong những hạn chế hiện nay là quy mô đàn trâu của các hộ dân chưa lớn. Do chăn thả tự nhiên nên năng suất chưa cao và có tình trạng sinh sản cận huyết dẫn đến thoái hóa giống, tốc độ tăng đàn chậm. Theo Chủ tịch UBND xã Ngô Văn Khang, chăn nuôi trâu được xã xác định là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn.
Do đó, trong thời gian tới, bên cạnh làm tốt công tác phòng dịch bệnh, tạo thuận lợi trong khâu tiêu thụ, xã định hướng, tuyên truyền hộ dân tập trung phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa với tổng đàn lớn để nâng thu nhập. Khuyến khích các hộ chăn thả bán tự nhiên theo mô hình trang trại, gia trại.
Có một tin vui là nhiều hộ dân trong xã đã dành thời gian đi tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình nuôi trâu thương phẩm cho hiệu quả kinh tế cao từ nuôi nhốt, vỗ béo ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Hiện, nhiều hộ đã chú trọng cải tạo đàn trâu bằng phương pháp lai tạo, đưa giống tốt về phối với đàn trâu địa phương để cho ra giống trâu có thể trọng to lớn, chịu được thời tiết giá lạnh khắc nghiệt về mùa đông.
Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)