Mùng ba Tết thầy
Nét xưa. Ảnh sưu tầm |
Tôi còn nhớ ngày bé, cứ mỗi độ Tết đến, mẹ tôi lại đi chợ mua chục quả cam về để sáng mùng ba hai bố con quần áo chỉnh tề sang lễ Tết thầy. Vào đến nhà thầy, khi tôi khoanh tay cúi lạy chào thầy xong, bố tôi mới cầm túi cam thưa: “Nhân ngày Tết cổ truyền của dân tộc, bố con tôi sang lễ Tết thầy, gọi là có cân cam mong thầy nhận cho”.
Thầy nhận túi cam trịnh trọng đặt lên bàn thờ, thắp nén nhang vái ba vái rồi quay xuống mời bố con tôi ngồi uống nước. Việc lễ Tết thầy nghiêm trang, nhẹ nhàng. Bố tôi và thầy giáo ngồi thưởng trà, đàm đạo chuyện mùa màng, làm ăn ngày Tết, ít phút bố tôi đứng lên thay mặt gia đình chúc thầy đón xuân vui khỏe rồi xin phép về.
Ký ức ngày bé được theo bố đi lễ Tết thầy sao mà thiêng liêng, cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ. Thầy Chí, thầy Hùng, người dạy tôi chữ o, chữ a đầu tiên. Và các thầy, cô dạy qua các lớp tôi đều không quên. Những năm trước, khi các thầy còn sống, ngày Tết anh em chúng tôi, tóc đã điểm bạc vẫn tập hợp nhau đi chúc Tết thầy. Có lần, con tôi tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi: “Mấy chục năm rồi, các bố vẫn nhớ thầy ạ?”.
Nhớ chứ, vì thầy không chỉ dạy mình kiến thức mà còn rèn dạy đức làm người tử tế. Bản thân thầy đã là tấm gương tốt cho lớp lớp học trò noi theo. Nhớ ngày còn chiến tranh, đời sống của mọi người còn khó khăn, lương thầy giáo thấp, phải tằn tiện mới đủ ăn nhưng tôi chẳng thấy thầy cô nào kêu ca. Giờ lên lớp, thầy cô vẫn say sưa giảng dạy, cuốn hút học trò tiếp thu kiến thức.
Tết thầy xưa như vậy. Nay, tục đến chúc Tết thầy vẫn được duy trì nhưng có phần biến tướng do ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường. Tết thầy giờ đây nhiều khi không còn là sự trân trọng, biết ơn mà là sự “mặc cả”. Phong bì dày là ngầm ý giao cho thầy, cô giáo phải quan tâm đến con cháu mình nhiều hơn. Không ít bậc phụ huynh biếu thầy cô giáo tiền hoặc quà có giá trị là đương nhiên "giao khoán" cho thầy cô dạy dỗ làm sao cho con cháu họ phải học giỏi, phải lên lớp.
Có người còn "khoán trắng" cho thầy cô và nhà trường nhiệm vụ dạy con cháu họ. Trong khi đó, bố mẹ học sinh mải làm ăn hiếm khi sờ tới sách vở của con. Cha mẹ chỉ biết cho con tiền, con muốn chi dùng ra sao không cần biết. Đôi khi, chỉ vì những chiếc phong bì dày mỏng ấy làm lương tâm thầy cô trong cách cư xử với trò không còn công bằng nữa. Có nhiều bậc phụ huynh tâm sự: “Thời buổi đổi mới, cách lễ Tết thầy cô cũng phải thay đổi. Hoa quả nhiều các thầy cô không dùng hết bỏ đi lãng phí, cứ biếu thầy cô phong bì cho… gọn".
Tôi không phản đối phụ huynh Tết thầy cô song lễ Tết thế nào để món quà ấy chứa đựng tấm lòng biết ơn, chúc thầy cô vui đón xuân mới. Nếu được như thế gia đình bớt băn khoăn về phong bì dày mỏng. Thầy cô đỡ băn khoăn khi phụ huynh đến chúc Tết, con trẻ cũng không ỷ vào phong bì của bố mẹ mà sinh hư hỏng, mất nết. Tâm đức của thầy cô sáng thì những tật xấu không thể làm vẩn đục môi trường học đường được.
Những năm gần đây, thỉnh thoảng, ở đâu đó trên các phương tiện truyền thông đưa chuyện thầy cô la mắng, đánh học trò, gia đình học sinh kiện cáo, yêu cầu phải kỷ luật thầy cô. Tôi nghĩ có điều gì đó hơi quá đáng. Thầy cô có sai phải sửa, nặng thì kỷ luật còn những lỗi do nóng nảy nhất thời không nên nhân “quan điểm” trên phương tiện thông tin đại chúng làm nhà trường và thầy cô đau lòng. Thầy, cô giáo khác gì cha mẹ, lúc nóng giận bố mẹ la mắng, cho đòn roi, con nào có oán thù căm tức cha mẹ.
Mẹ tôi mất đã hơn chục năm mà tôi vẫn còn nợ hơn chục roi chưa trả được. Vì sau trận đòn 10 roi mẹ mới đánh hai, cho nợ 8; tôi ngoan, chăm học hơn, chắc mẹ xóa nợ. Tôi nghĩ bố mẹ sinh ra con, nhưng dạy con kiến thức trở thành người có ích cho xã hội thì công lớn là của thầy cô giáo.
Còn nhớ, ngày tôi học lớp 7 đã là đoàn viên thanh niên lao động, có một lần thầy giáo dạy Toán cho một bài hình học về nhà làm, đến hôm kiểm tra, cả lớp kêu khó, không ai làm. Thầy giáo nổi nóng mắng chúng tôi tội lười rồi yêu cầu về nhà tự suy nghĩ tìm lời giải. Cả lớp chẳng ai dám cãi, có bạn nữ bị thầy sửa đã chảy nước mắt.
Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua đi. Tình thầy trò vẫn đằm thắm, gắn bó. Trò vẫn kính trọng thầy, chúng tôi hiểu thầy la mắng, thậm chí cho đòn roi cũng vì sự tiến bộ của học trò. Thầy cô nào chẳng mong học trò trở thành người có ích cho xã hội. Viết đến đây tôi lại nhớ câu thơ trong tập “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ kính yêu: “… Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông”.
Dạy người là công việc hết sức khó. Để từ đứa trẻ mẫu giáo, vỡ lòng trở thành người có ích, một công dân tốt của xã hội cần sự đồng lòng hợp sức, kiên trì, bền bỉ của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Học trò hư, thanh niên hỏng, đừng đổ lỗi tại ai, đây là trách nhiệm của cả xã hội.
Muốn con ngoan, trò giỏi thì bố mẹ, gia đình cần sống mẫu mực, có văn hóa; thầy cô phải xứng đáng là những tấm gương, sống có tâm, có đức; cả xã hội đồng lòng cùng nhau xây dựng môi trường học tập công bằng, an lành, văn minh, tốt đẹp. Mỗi con người đều tốt, cả xã hội tốt, đất nước sẽ có một thế hệ chủ nhân tương lai tốt, xứng đáng với lòng mong muốn, kỳ vọng của dân tộc, đất nước Việt Nam ta.
Hoàng Tiến
Ý kiến bạn đọc (0)