Mùa trái ngọt của thanh niên vùng hồ Cấm Sơn
Đường về xã Hộ Đáp giờ đã thuận lợi hơn, con đường nhỏ hẹp hiện được đầu tư mở rộng gấp đôi, hứa hẹn mùa vải thiều sang năm xe ô tô tải hàng chục tấn cũng vào được tận chân đồi.
Các anh (từ trái qua phải): Hứa Văn Kết, Trần Văn Hải, Lục Văn Tặng chia sẻ niềm vui được mùa vải thiều. |
Cả thôn Na Hem, xã Hộ Đáp hiện có 7 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, cây trồng chủ lực là vải thiều. Mỗi anh sở hữu từ 1 đến 3 ha vải, thu từ 150 đến 300 triệu đồng/vụ. Vườn vải của anh Lục Văn Tặng (SN 1988) cùng một số thanh niên khác hiện đang được trồng theo tiêu chuẩn GobalGAP để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Vụ vải này, gia đình anh đã thu được hơn 8 tấn quả, từ nay đến cuối vụ còn khoảng 6 tấn. Giá bán trung bình khoảng 30 nghìn đồng/kg. Đưa khách đi thăm vườn, anh Tặng nói: “11 ngày nay, tôi chưa có giấc ngủ nào quá một tiếng. Ngày nào cũng thức bẻ vải từ nửa đêm đến 10 giờ sáng”.
Nhờ học hỏi kinh nghiệm trồng trọt cộng với sự ưu đãi của thiên nhiên, năm 2019, số hộ dân có thu nhập 100 triệu đồng trở lên nhờ cây vải thiều ở Hộ Đáp không đếm hết. Năm nay, nhiều hộ dân có diện tích trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP đã thu hoạch, có hộ đã bán hết với giá bán trung bình 30 nghìn đồng/kg. |
Năm nay, toàn xã Hộ Đáp có 13 hộ dân có diện tích vải thiều được cấp mã vùng trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Để được cấp mã vùng, các nhà vườn phải tuân thủ điều kiện sản xuất khắt khe hơn nhưng yên tâm về đầu ra sản phẩm, giá cả ổn định; môi trường sản xuất của người dân an toàn hơn.
Gia đình Bí thư Chi đoàn thôn Na Hem Trần Văn Hải (SN 1995) dân tộc Nùng cũng đang sở hữu 1,2 ha vải thiều với 300 cây lâu năm, trong đó khoảng 0,9 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Tốt nghiệp THCS, anh Hải hoàn thành nghĩa vụ quân sự rồi trở về quê hương gắn bó với vườn đồi.
Anh Hứa Văn Kết (SN 1989), dân tộc Nùng ở cùng thôn cũng đang sở hữu hơn 2 ha vải thiều và bưởi Diễn. Anh Kết nói: “Vải thiều thường hay gặp hai loại bệnh là thán thư và sương mai. Để có vườn quả được thu hoạch, tôi phải học hỏi thêm từ nhiều người có kinh nghiệm trồng vải trên địa bàn huyện phun thuốc bảo đảm nguyên tắc 4 đúng”.
Theo anh Vi Văn Phép, Bí thư Đoàn xã Hộ Đáp, toàn xã hiện có 32 mô hình thanh niên làm kinh tế vườn đồi, cây trồng chủ yếu là vải thiều, bưởi Diễn. “Dù nhà cửa ở thôn Na Hem không to đẹp, hoành tráng như ở nhiều nơi nhưng nhà nào cũng đầy đủ tiện nghi. Các gia đình chú trọng đầu tư cho tương lai, con cái được ăn học đến nơi đến chốn. Cả thôn hiện có 24 đảng viên, đa số là người trẻ tuổi. Họ ham học hỏi, không ngại đi đầu ứng dụng kỹ thuật mới, tiêu biểu như các anh: Hứa Văn Kết, Trần Văn Hải”, anh Phép nói.
Những năm gần đây, tuổi trẻ trong xã đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, đem lại hiệu quả cao. Nhờ đó, quả vải thiều của thôn Na Hem nói riêng, xã Hộ Đáp nói chung đã có mặt ở thị trường các nước: Singapore, Mỹ, Úc và mới đây là thị trường Nhật Bản.
Sau khi hái quả từ cây xuống, mỗi hộ gia đình phải huy động cả nhà hoặc thuê thêm 6 đến 8 người để cắt quả đóng sẵn vào sọt chờ xe của doanh nghiệp đến đưa đi tiêu thụ. Nhắc đến điều này, anh Lục Văn Tặng tự hào: "Mỗi khi bật ti vi, xem báo, nghe đài thấy tin tức quả vải Lục Ngạn có mặt ở các siêu thị Nhật Bản, Singapore, chúng tôi lại càng vui hơn, làm quên mệt. Thanh niên chúng tôi bảo ban nhau sản xuất an toàn, mong rằng cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, kết nối với nhiều doanh nghiệp tìm cơ hội đưa trái vải đi xa hơn, đến nhiều nơi trên thế giới" .
(BGĐT)- Sau gần ba năm cải tạo, nâng cấp, tuyến đường giao thông liên xã Kiên Thành - Sơn Hải - Hộ Đáp (Lục Ngạn) vừa được bàn giao đưa vào sử dụng. Công trình do UBND huyện là chủ đầu tư.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc (0)