Một vùng ký ức Soọng cô
Tôi thắc mắc: Nguyễn Văn An thì hẳn là người Kinh vậy mà lại đam mê dân ca Sán Dìu? Ngô Minh Bắc bật cười nói: Bác An là người Sán Dìu chính hiệu nhé. Lục Ngạn hôm nay còn nhiều điều làm ông ngạc nhiên đấy.
Non nước Cấm Sơn. Ảnh: Việt Hưng |
Huyện có 8 dân tộc anh em chung sống tạo nên sự giao thoa văn hoá đặc sắc. Từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, lãnh đạo huyện đã quan tâm công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Huyện đã khôi phục Hội hát dân ca các dân tộc tại thị trấn Chũ vào ngày 18 tháng Hai âm lịch và các phiên chợ vùng cao tạo nên nét sinh hoạt văn hóa truyền thống ở địa phương.
Có thể nói, linh hồn của các câu lạc bộ (CLB) dân ca truyền thống ở Lục Ngạn là nghệ nhân Nguyễn Văn An ở thôn Bèo, xã Giáp Sơn. Đa số cư dân của thôn là người Sán Dìu. Từ nhỏ ông An đã sống trong bầu không khí của Soọng cô. Mẹ ông là cô gái Sán Dìu, vì tiếc những đêm hát Soọng cô mà đến khi sắp hết tuổi đôi mươi mới chịu lấy chồng.
Và cũng chính những đêm hát Soọng cô đã xe duyên ông với cô gái cùng thôn vào cuối năm 1960. Sau khi lấy vợ, ông An càng hăng say công tác, được bầu làm chủ nhiệm Hợp tác xã rồi phấn đấu đến chức Chủ tịch UBND huyện… Ấy cũng là những năm tháng đất nước gian lao, hết chiến tranh lại phải loay hoay lo cái ăn, cái mặc và tìm cách thoát khỏi những trì trệ của cơ chế cũ. Những làn điệu dân ca vì thế cũng bị nhạt phai, mai một…
Bản thân ông An cũng gần như lãng quên tất cả. Rồi ông được nghỉ hưu, trở về với mảnh vườn. Từ khi Hội hát dân ca các dân tộc nâng lên thành Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn, ông thường được mời vào Ban giám khảo phần thi hát dân ca… Một vùng ký ức trong ông được đánh thức, những câu hát của bà con, của cha mẹ và bạn bè thời trẻ lần lượt hiện về…
Những năm tháng đất nước gian lao, hết chiến tranh lại phải loay hoay lo cái ăn, cái mặc và tìm cách thoát khỏi những ràng buộc trì trệ của cơ chế cũ, những làn điệu dân ca vì thế cũng bị nhạt phai, mai một… Ngay bản thân ông An cũng gần như lãng quên tất cả. Từ khi Hội hát dân ca các dân tộc được nâng lên thành Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn, một vùng ký ức trong ông được đánh thức, những câu hát của bà con, của cha mẹ và bạn bè thời trẻ lần lượt hiện về… |
Ngày nay, cuộc sống đã khấm khá hơn xưa, Đảng và Nhà nước đang phát động toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư.
Làm thế nào để khai thác kho báu dân ca của các dân tộc ngay tại địa phương để góp phần xây dựng nông thôn mới? Đọc báo, nghe đài, ông được biết nơi này nơi kia đã xây dựng được những CLB ca trù, quan họ, hát chèo khá thành công. Năm 2009, ông đề nghị và được UBND xã ra Quyết định thành lập CLB dân ca Sán Dìu xã Giáp Sơn. Thật không ngờ bà con lại hăng hái tham gia rất đông đảo. Người già thì lục trong trí nhớ, người trẻ sưu tầm trong sách báo, băng đĩa…
Các làn điệu dân ca Sán Dìu dần được tái hiện và ngày một đầy thêm. Những buổi truyền dạy, diễn xướng dân ca ngày càng có nền nếp. Các CLB Soong hao của người Nùng, Soóng cộ của người Sán Chí, hát then của người Tày… cũng lần lượt ra đời. Đến nay, toàn huyện đã có trên 30 CLB dân ca ở các thôn, xã. Đây là hạt nhân trong các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ và Ngày hội văn hóa các dân tộc ở Lục Ngạn.
Biểu diễn Soọng cô tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc xã Biên Sơn (Lục Ngạn). Ảnh: Nguyễn Hưởng |
Để “thực mục sở thị”, chúng tôi có mặt tại lớp học dân ca thôn Chão (xã Giáp Sơn). Khi chúng tôi đến, hơn ba chục cháu đang học một làn điệu dân ca Sán Dìu. Bài ca được phiên âm theo tiếng Sán Dìu kèm bản dịch tiếng phổ thông như sau: Lòi tạo nhóng son, pê tông lu/ Pê tông lu phèng, bí lòng hàng/ Hàng tạo nhóng son, dịp ốc sộ/ Lóng nhóng sáy sộ, hý cô sang… (Làng em có đường bê tông/ Đón anh đến đường bê tông bằng phẳng/Anh đến làng mời vào nhà ngồi/Với chúng em cùng vui ca hát)…
Đây là bài dân ca lời mới do ông Nguyễn Văn An biên soạn cho các lớp học dân ca của thanh thiếu niên. Còn hai “bà giáo” của lớp học là hai chủ vườn ở ngay thôn Chão, là thành viên Ban Chủ nhiệm CLB dân ca của thôn. Trò chuyện với các ông: Trần Văn Ba, Lưu Vĩnh Hà, Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm CLB được biết, ngôi nhà này vốn là nhà văn hóa thôn được xây dựng từ nhiều năm trước. Từ khi thôn xây dựng nhà văn hóa theo tiêu chuẩn nông thôn mới, ngôi nhà này được dành hẳn cho CLB dân ca.
Bàn ghế, loa đài… và các khoản chi phí đều do các thành viên CLB và các “Mạnh thường quân” là những chủ vườn khấm khá đóng góp. Đặc biệt, lãnh đạo xã và trường phổ thông rất quan tâm truyền dạy dân ca cho học sinh bằng các lớp học ngoại khóa, coi đó là biện pháp bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống bền vững nhất.
Trong khi chờ buổi học kết thúc, chúng tôi được Ban Chủ nhiệm CLB dẫn đi thăm ngôi đình ở thôn Chão vừa được phục dựng nằm giữa vườn bưởi trĩu trịt những trái là là mặt đất. Trời cuối thu rải nắng vàng ươm. Cả vườn bưởi ánh lên màu vàng dịu mát. Xa xa vọng lại tiếng đồng ca của mấy chục con trẻ đang học hát ở Nhà văn hóa thôn: Soọng cô hô hý, Lục Ngạn don/ Lộc don trụ sếch, cố chấy tô/ Trụ tạo cố chấy, hý mại mai/ Mại tách sén tô, sẹo hố thồ… (Ta hát mừng huyện Lục Ngạn/ Làm ăn tấn tới, hoa quả nhiều/ Nhiều hoa quả bán ở nhiều nơi/ Để có nhiều tiền vun đắp cuộc sống)… Đấy cũng là một bài Soọng cô lời mới của Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn An.
Mai Nam Thắng
Ý kiến bạn đọc (0)