Một số nghị quyết của HĐND tỉnh khóa XVIII có hiệu lực từ ngày 1-8-2017
Mô hình làm vườn giảm nghèo của người dân thôn Thích, xã Phú Nhuận (xã đặc biệt khó khăn của huyện Lục Ngạn). |
Chế độ bồi dưỡng áp dụng đối với người tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại các trụ sở tiếp công dân và địa điểm tiếp công dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được quy định tại khoản 2, 3, 4, Điều 20 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26-6-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân (sau đây viết tắt là Nghị định số 64/2014/NĐ-CP) và địa điểm tiếp công dân tại đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh. Đối tượng áp dụng: Theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP.
Mức chi bồi dưỡng:
Các đối tượng được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP mà chưa được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề, khi làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân được bồi dưỡng mức 100.000 đồng/1 ngày/1 người.
Trường hợp đang được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thì được bồi dưỡng mức 80.000 đồng/1 ngày/1 người.
Các đối tượng quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP được bồi dưỡng mức 50.000 đồng/1 ngày/1 người.
Nguồn kinh phí:
a) Từ ngân sách nhà nước: Kinh phí chi trả tiền bồi dưỡng đối với người làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc nhiệm vụ của cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm. b) Nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập. c) Các nguồn kinh phí khác (nếu có).
Các nội dung khác không quy định trong Nghị quyết này được thực hiện theo Thông tư số 320/2016/TT-BTC ngày 14-12-2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Bãi bỏ Nghị quyết số 10/2012/NQ-HĐND ngày 12-7-2012 của HĐND tỉnh quy định chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Cùng ngày, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND Quy định một số nội dung thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh.
Đối tượng áp dụng: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng và thụ hưởng nguồn kinh phí sự nghiệp của ngân sách nhà nước thực hiện các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo và công tác quản lý về giảm nghèo ở cấp xã thuộc chương trình.
Mức hỗ trợ:
a) Mức hỗ trợ đối với các dự án, mô hình: Tối đa không quá 350 triệu đồng/dự án, mô hình.
b) Mức hỗ trợ các hộ gia đình tham gia dự án, mô hình:
- Hộ nghèo: Hỗ trợ tối đa không quá 10 triệu đồng/hộ/năm.
- Hộ cận nghèo: Hỗ trợ bằng 80% mức hỗ trợ hộ nghèo và tối đa không quá 8 triệu đồng/hộ/năm.
- Hộ mới thoát nghèo: Hỗ trợ bằng 60% mức hỗ trợ hộ nghèo và tối đa không quá 6 triệu đồng/hộ/năm.
c) Mức chi xây dựng và quản lý dự án, mô hình: Không quá 5% tổng kinh phí thực hiện dự án và không quá 10% mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho dự án.
d) Hỗ trợ công tác quản lý về giảm nghèo ở cấp xã thụ hưởng kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo từ Chương trình:
- Đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của Chương trình 135: 5 triệu đồng/xã/năm;
- Đối với các xã, thị trấn khu vực II có thôn đặc biệt khó khăn, xã thực hiện dự án, mô hình: 3 triệu đồng/xã, thị trấn/năm.
Nghị quyết cũng quy định nội dung và định mức chi phí hỗ trợ chuẩn bị và quản lý thực hiện dự án áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến bạn đọc (0)