Mở thêm kênh vốn ưu đãi
Tín dụng ưu đãi được đánh giá là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở các địa phương, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.
Với phương châm “trao cho người nghèo cái cần câu”, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc triển khai từ quy trình thực hiện tín dụng chính sách xã hội đến người dân hay điều tra đúng, đủ và kịp thời đối tượng được thụ hưởng chính sách vay vốn; phối hợp giữa các hoạt động tập huấn khoa học - kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn của ngân hàng đã giúp người vay sử dụng đồng vốn hiệu quả.
Các cơ chế, chính sách về vốn ưu đãi ngày càng hoàn thiện bảo đảm vừa có tính liên hoàn, vừa có tính kết nối hướng vào từng nhu cầu bức thiết của người nghèo và các đối tượng chính sách, giúp họ rút ngắn chặng đường nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững.
Hiệu quả thấy rõ nhưng cái khó nhất vẫn là huy động nguồn vốn. Vì nguồn vốn còn khó khăn, số vốn cho vay chưa nhiều, thời gian chưa dài nên có trường hợp chẳng khác nào “qua cầu rút ván”, có thể lại dẫn đến tái nghèo vì thiếu vốn sản xuất, kinh doanh. Do vậy , nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ cần tăng thời hạn cho vay lên gấp đôi, từ 5 năm lên tới 10 năm.
Để khắc phục một phần cái khó trên, nhân đây xin nêu lại đề xuất mà tại Chuyên mục “Sự việc – Ý kiến” đã từng hiến kế về nâng cao hiệu quả sử dụng “Quỹ vì người nghèo”.
Được biết, mỗi năm “Quỹ vì người nghèo” của tỉnh huy động được số tiền khá lớn, song để sử dụng hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo kiểu “cho con cá” thì chả thấm vào đâu. Một cách làm xin được gợi mở là Quỹ nên hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo vay vốn ngân hàng.
Thay vì hỗ trợ trực tiếp như trước đây, Quỹ phối hợp với ngân hàng để giải ngân vốn với mức lãi suất thấp hoặc 0%. Người cho vay là ngân hàng, người được vay là hộ nghèo thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, “Quỹ vì người nghèo” hỗ trợ lãi suất. Với số tiền hỗ trợ lãi suất trích từ Quỹ có hàng tỷ đồng như hiện nay thì số vốn giải ngân sẽ không nhỏ. Ngoài ra Quỹ có thể chi cho việc tập huấn kiến thức sản xuất, đào tạo nghề. Như vậy, chúng ta sẽ có thêm một kênh tín dụng ưu đãi nữa.
Trần Anh
Ý kiến bạn đọc (0)