Miền cảm xúc
Vừa từ cọn nước về, Thảo đã nghe thấy cô Thu gọi:
- Thảo ơi lên đây, có người tìm.
Thảo vội múc nước rửa chân dưới sàn rồi chạy lên. Mải cúi xuống ngắm đôi chân trắng ngần ướt át, ngẩng lên, Thảo sững lại trước người con trai trắng trẻo và lịch lãm chắc từ dưới xuôi lên. Cô định đáp lại ánh mắt si mê háo hức bằng một chút kiêu kỳ nhưng chỉ có cái gật đầu chào nhẹ. Đôi mắt anh không rời tấm thổ cẩm trên tay mế Thu. Có lẽ anh ta là một họa sĩ hay nhà báo đang nghiên cứu văn hóa dân tộc nên hai người nói rất nhiều về chất liệu, cách dệt, các biểu tượng. Thảo thấy lúng túng hai tay mân mê sợi chỉ đỏ của khăn piêu. Một lát, cô Thu quay sang chỉ vào khung cửi rồi nói với Thảo thật chậm rãi:
- Nhiệm vụ của cháu chỉ là hát cho anh ấy nghe, hát chậm, tròn vành rõ tiếng.
Minh họa: Hiền Nhân. |
Thảo gật đầu lễ phép nhưng thật sự khó hiểu. Dù lúc đến đây, cô đã dự liệu trước các kiến thức, kỹ năng mà người tuyển dụng có thể sẽ hỏi đến nhưng đâu thể ngờ trong ngày thử việc đầu tiên ở khu du lịch này lại dùng giọng hát dân ca như đã quyện vào tâm hồn cô từ tấm bé. Nhưng dù sao cũng thật ngại:
- Cô ơi, sao cháu có thể hát hay hơn mấy chị đội dân ca, dân vũ được ạ. Cô có thể cho cháu làm một công việc khác không?
- Công việc này khó và quan trọng, cô cần cháu thể hiện tâm trạng của một thiếu nữ miền sơn cước.
Ở Hà Nội, có đôi lần Thảo được mời ngồi tạo dáng để họa sĩ vẽ nhưng chỉ là ngồi yên một tư thế chứ đâu phải vừa dệt vải, vừa hát dân ca như thế này. Nghĩ thế nhưng Thảo vẫn cố gắng để thản nhiên nhất. Hình như, ngoài sự trầm ngâm, anh ta chỉ tập trung vào giá vẽ chẳng mấy khi liếc sang nhìn cô.
“Được đấy!” Thảo tự nhủ, lần đầu cô gặp một anh chàng dám phớt lờ nhan sắc của mình và cũng rất đàng hoàng như thế. Cô từng đọc ở đó người ta viết rằng: Người si mê nhan sắc của bạn chắc chắn sẽ không tôn trọng bạn, không phải người đàn ông lớn lao.
Thảo nghĩ một đằng, anh ta nghĩ một nẻo. Dòng suy tư của hai người bị ngắt quãng bởi tiếng chuông cuộc gọi zalo vang lên đầy giục giã. Ứng dụng có khả năng giám sát hiệu quả này khiến người ta có lấy một khoảng riêng tư. Là Tuấn gọi, chắc sắp được nghỉ hè. Không nghe không được, cô hiểu rõ tính anh ta. Có người từng bị Tuấn đấm vỡ sống mũi chỉ vì tin nhắn tán tỉnh bông đùa.
Tuấn nói muốn Thảo ngày mai xin nghỉ làm để về ra mắt bố mẹ. Vừa làm được một hôm nghỉ sao được nhưng cô không muốn cãi cọ với Tuấn.
- Tôi hiểu tại sao anh ta lại có suy nghĩ đó.
Câu nói của anh chàng họa sĩ khiến Thảo giật mình. Sao anh ta biết, tại loa điện thoại bật to quá chăng. Cô bình tĩnh hỏi lại:
- Vâng, nhưng có việc gì không anh?
- Tôi nghĩ, anh ta đã đợi điều này từ lâu lắm. Chỉ cần cô có công ăn, việc làm.
- Anh nghĩ thế sao, chắc vì mai anh ấy thu xếp được.
Thảo không hiểu tại sao mình lại phải thanh minh với một người lạ như thế:
- Tôi nghĩ, cô không hợp với nghề hướng dẫn viên này.
- Chả lẽ nào tôi có sở trường làm ca sĩ?
- Người ta trồng hoa nhưng nở thế nào là chuyện của nó. Con người cũng vậy, quan trọng là đánh thức năng lực của mình.
- Anh đúng là nghệ sĩ. Nói hay và trừu tượng. Chúng em là người miền núi, tất cả chỉ dựa vào đời sống tự nhiên, không triết lý nhiều được đâu.
Thảo vừa dứt lời thì một bông hoa rớt xuống mái tóc cô. Cánh hoa vương trên hàng mi. Thảo định dùng tay gạt đi nhưng nghĩ thế nào cô lấy điện thoại ra check in, đôi má bừng đỏ. Cô đâu biết chính chi tiết đó đã khiến bức tranh có một sự thăng hoa kỳ lạ. Nụ cười thản nhiên giữa muôn vàn lo âu khiến cô gái miền sơn cước toát lên vẻ đẹp thuần phác, khác hẳn với những người mẫu ảnh ở thành phố.
***
Tuấn lôi Thảo xềnh xệch qua đám đông đang đứng xem triển lãm để dúi đầu cô vào phía bức họa:
- Nhìn đi! Còn cãi à, cãi à…
Sau khi mất đà, Thảo đã kịp đứng thẳng người. Có gì đâu nhỉ, trước mặt cô là nụ cười của một cô gái trong bức tranh. Ôi, sao mình có thể cười hồn nhiên như thế được chứ. Chỉ như mười tám tuổi. Bên góc phải của bức tranh là chữ ký của họa sĩ Thế Duy, người có đôi mắt hiền sâu thẳm nhưng không nhìn vào mặt cô.
- À, chỉ là bức tranh thôi mà. Người ta cũng không biết tôi là ai.
Tuấn đang nóng nảy nhưng cũng thấy có lý vì câu nói đó. Thảo luôn biết cách “tháo ngòi nổ” của mọi xung đột. Tuấn vẫn hậm hực vì chưa bao giờ bên anh ta, Thảo đẹp và tươi tắn đến thế. Anh ta muốn Thảo phải nghỉ làm, nhưng cô lại thừa biết anh ta sợ cô thất nghiệp sẽ bị bố mẹ chê không chấp nhận cuộc hôn nhân sau này. Cứ thế, hằng ngày Tuấn chở cô đi về, canh gác ngoài cổng khu nghỉ dưỡng, ném cái nhìn hằn học về những người khách trẻ tuổi.
Một hôm, Thảo nhận được tin Tuấn đã đấm chảy máu mũi một người đàn ông. Linh tính việc chẳng lành, cô chạy ra. Thế Duy đã ôm mặt, máu chảy ra từ kẽ tay nhưng anh vẫn bình tĩnh. Cô Thu vừa hét mấy đứa đắp lá vừa gọi điện cho xe taxi đến đưa người đi cấp cứu. Thảo không thể giữ nổi sự bình tĩnh:
- Vì cái gì, anh nói xem, tại sao anh có thể làm thế được?
- Hắn, thằng mất dạy - Tuấn gào lên - Nó dám hỏi anh là có định làm việc cho nó không. Mẹ nó chứ, bố mày đây mà phải đi làm thuê cho mày à.
Thế Duy dù rất đau nhưng trước khi bước lên xe vẫn cố nói theo:
- Chả ai thấy nhục cả, chúng ta cùng làm, cùng hưởng.
Thảo không thể theo xe đưa Thế Duy vào viện. Tuấn như một con lợn rừng bị thương bộc lộ hết sự cục súc, hung hăng. Sau này, dù cô Thu đã cố thanh minh rằng hôm đó Thế Duy chỉ muốn quay lại cảm ơn Thảo và mọi người nhưng chủ khu nghỉ dưỡng vẫn cương quyết đuổi việc Thảo:
- Cô phải biết là, đi làm là để tạo ra lợi ích cho cơ sở, trong đó có cô.
***
Bốn năm sau, cả khu đồi như bừng thức bởi những màu hoa rực rỡ. Những hòn sỏi trắng muốt nằm dọc lối đi kêu lạo xạo mỗi khi bước chân qua. Những tảng đá lớn được khắc những câu danh ngôn bằng nét chạm đục nằm rải rác bên dòng suối trong lững lờ.
Bác Tính vừa bày mấy tấm thổ cầm lên kệ vừa buông câu đùa:
- Cô Cẩm này, chả mấy mà hết năm nhỉ, hoa chuối đỏ rực góc đồi bên kia rồi mà chưa thấy người về.
Cô Cẩm đang xem lại sổ sách ngẩng lên, gọng kính tụt xuống sống mũi:
- Bác có nghe thấy tiếng gà rừng gáy không, em nghe mà mừng rớt nước mắt luôn.
- Có, có chứ, nhưng tôi thì lo chả ngủ được. Mấy năm cứ đầu tư đủ thứ, trồng rừng, mua thức ăn nuôi chim trời, cá nước mà chả mở cửa kinh doanh thu vào đồng nào thì khổ thân cậu ta quá, rõ là… nghệ sĩ.
Cẩm cười quay sang nhìn bác Tính với đôi mắt trìu mến. Mấy năm liền, bác Tính, chị Cẩm và mấy người dân bản địa đã cùng lăn lộn vì cái dự án kỳ công này. Đầu tiên là phải có rừng, rừng giữ nước cho suối rồi chim muông tìm về. Có môi trường mới có văn hóa để xây cất nhà cửa, du lịch không phải là “sát thủ” tự nhiên.
Vừa lúc ấy, có một người khách bước vào sân. Nghe tiếng có ai vừa chạm tay vào chuông gió, chị Cẩm vội chạy ra rồi reo lên:
- Cậu Thế Duy. Đúng cậu Thế Duy rồi. Sao cậu đi lâu thế…
- Chị Cẩm. Tôi đây, chuyện dài lắm, đại khái là tôi đi tham dự một dự án mỹ thuật bên châu Âu, không may sau đó gặp phải đại dịch Covid-19, bị phong tỏa, rồi sức khỏe không cho phép, bẵng cái đã mấy năm, giờ mới về được.
- Sao cậu gầy và xanh thế?
- Hậu quả của việc bị rỗ phổi, sức khỏe khôi phục dần dần chị à. Mà này, mọi người đâu hết cả rồi?
- Có đầy đủ cả, còn thừa nữa là khác, để tôi dẫn cậu đi nhé…
Chị Cẩm dẫn Thế Duy đi qua sân vào các dãy nhà vừa lớn tiếng gọi mọi người. Năm người, mười bàn tay cũng nắm chặt sau bao ngày xa cách. Một công việc đồ sộ mà bốn người dân địa phương đã giúp Thế Duy thực hiện được trong mấy năm anh đi vắng. Họ không cần ai giám sát, không tơ hào dù chỉ một cái cột, một cuộn chỉ, họ làm vì sự cảm phục dù đồng thù lao mà anh gửi đến họ còn khá khiêm tốn.
-Thế nhưng - Thế Duy bỗng giật mình thắc mắc - Ai hướng dẫn các bác làm đúng như ý tưởng này?
- Là một cô tiên báo mộng trong giấc mơ đấy - Ông Nọi nhanh nhảu pha trò - Gớm chú bán được một bức tranh mà mua được cả đám đất này rồi đầu tư mấy năm không hết tiền đúng là khâm phục.
Thế Duy cười, anh không biết ai là người sáng tạo và am hiểu đến thế nhưng chắc chắc không thể là giấc mơ. Đúng lúc ấy, có tiếng bàn phím lách tách trong không gian yên ắng của khu nhà.
Chị Cẩm nháy mắt nói nhỏ với Thế Duy:
- Người ta đang làm việc, cậu đoán xem.
Thế Duy quay lại, anh bước nhẹ, đế giày anh chạm trên nền nhà nhẹ như thể vô thanh nhưng người đó vẫn quay lại đủ để tạo ra một giây phút ngỡ ngàng:
- Là Thảo, đúng rồi, phải là Thảo chứ.
Trong phút chốc của chiều hoàng hôn cuối năm ấy, cô gái từ bức tranh của bốn năm trước bỗng hiện ra trước mắt anh như một giấc mơ. Bốn năm ấy, Thảo lặng lẽ đến đây như một tình nguyện viên, cô đã nắm bắt suy nghĩ của chàng họa sĩ để thiết kế khu bảo tồn văn hóa một cách toàn vẹn như đời sống thực của người dân bản khi xưa. Bốn năm “thần giao cách cảm” chứ không phải cuộc họp trực tuyến nào, sự chỉ đạo nào. Giữa cô và Thế Duy như có một sợi dây bền bỉ dẫu chưa từng có những ngày tháng sâu sắc bên nhau, dường như đó là một miền cảm xúc của riêng hai người.
Bỗng một cánh hoa từ đâu đó bay đến đậu trên tóc Thảo làm má cô lại ửng hồng như mới hôm nào…
Truyện ngắn của Bùi Việt Phương
Ý kiến bạn đọc (0)