Mắt sắc
Nhìn vào thân hình tròn lẳn di chuyển trong bộ bảo hộ lao động bằng vải kaki xù xì, với đôi giày hộp cồm cộp dưới chân, cộng hưởng thêm quả đầu trùm kín khăn, chỉ hở mỗi hai con mắt luôn nhìn tinh nhanh, sắc lẹm thì người ta thấy rõ người đàn bà mang tướng mạo đàn ông, có vẻ thuộc kiểu người ăn thèm vác nặng.
Minh họa: ĐINH HƯƠNG. |
Chả thế, mỗi lần nhìn chị vác từng bó bìa nặng trên vai ra xe tải, Hân phục sát đất:
- Em nể chị đấy, toàn bó bìa cồng kềnh hơn 20 cân, mà chị vác đi phăm phăm, khỏe quá bà chị ạ.
- Ơ hay, không vác nổi thì làm sao theo được nghề này. Cô nói chán thật. Chị tính cho cô xem, hai nghìn đồng một cân bìa. Công lái xe chở đã hết năm trăm đồng. Giờ nhà chị không tự bỏ công sức ra đóng, buộc, bê, vác mà thuê người làm nữa thì có mà ăn cám à. Mình dân lao động, lấy công làm lãi thôi em ơi.
- Gớm, bà chủ cả dinh cơ cứ phải kêu than. Ham làm giàu quá nên mới tự thân hì hục thế chứ gì. Nhưng em nể chị thật, em có đói nhăn răng cũng chả làm nổi thế đâu.
- Ừ, cô dân văn phòng thì làm sao nổi. Mà đời lắm bất ngờ, trông chị thế này thôi, chứ chị cô xuất thân con nhà khá giả, thời trẻ nom cũng được gái, xinh xắn, nhỏ nhẹ phết cô ạ. Dòng đời nó xô đẩy thế nào lại bước vào cái nghề buôn bán phế liệu. Việc đến tay, buộc phải làm, lúc đầu cũng phồng má trợn mắt, dồn hết sức lực, kì cạch lôi từng bó. Rồi cái khó ló cái khôn, bê vác phải lựa lựa mới đỡ mất sức. Làm dần chị quen. Giờ thành bà khuân vác kinh nghiệm đầy mình, hàng nhiều mấy chị cô vẫn chơi được hết.
Tiếng nói cười rộn rã, vui vẻ. Chân tay chị nhoắng nhoằng, tươm tất công việc.
Chị Nhì thu mua đồ phế liệu từ nhà hàng nơi Hân làm, bao gồm chai, lọ, giấy, bìa cát tông… Vì nhà hàng lớn nên phát sinh sau một tháng cũng cả xe hàng là ít.
Thường thì chồng chị bó tại kho và đóng xếp, nén bìa trên xe tải. Còn chị khiêng từng bó từ kho ra xe. Trông dáng lầm lũi, cần mẫn làm và có vẻ ít chuyện của anh chồng, Hân cảm thấy chị may mắn. Đàn ông có sức khỏe, chịu khó làm, hiền lành thì nhất còn gì. Thỉnh thoảng Hân tếu táo đùa chị thế. Chị nghe tôi nói liền cười hềnh hệch: “Ờ thì, lão nhà chị được cái có sức khỏe, làm lụng chân tay tốt, bảo đâu đánh đấy, thế chị mới ở được chứ”.
Ngược lại với chồng, miệng chị Nhì lúc nào cũng luyến thoắng, rôm rả hết chuyện này đến chuyện kia. Lắm hôm nhiệt độ lên cao, hơi nóng mái tôn phả xuống, mồ hôi từ trán chảy tua tủa mặt mũi mà chị vẫn nói cười không ngớt. Điều xe đến chở hàng do chị, điều hàng đi đâu do chị. Mỗi lần chị đến cửa hàng lấy đồ, hai chị em lại nhấm nhẳng, đối đáp nhau vài câu vậy mà thành quen thân.
Hân làm thu ngân ở nhà hàng, việc bán đống phế liệu ông chủ giao luôn cho Hân phụ trách. Hôm con chị Nhì ốm, sốt cao, chị không đến trả tiền hàng được. Hai chị em thống nhất, Hân qua nhà chị chơi rồi lấy tiền luôn. Chị Nhì nhờ Hân tiện thể mang giúp chị nồi cháo nhỏ từ nhà hàng, vì quanh quẩn với con cả ngày, chưa đi chợ mua gì để nấu.
Ngõ phố nhà chị Nhì ngoằn ngoèo, nhưng đường khá rộng. Nhà sát nhà, những cửa hàng bày biện la liệt đồ. Theo như chị mô tả, ngõ này duy nhất nhà chị tách biệt, mái ngói đỏ, trước cửa nhà bừa bộn, chồng chất bìa, nhìn từ tầng 2 lên thì lung linh, cực chất. Đây, chắc chắn là ngôi nhà này. Hân dừng xe, rút điện thoại ra định bấm số gọi chị, chưa kịp gọi, chị Nhì xuất hiện ngay trước cổng nhà, vẻ vồn vã:
- Ôi, cô em tôi đây rồi. May quá cơ, sáng cháu nó sốt quá chị định đưa đi viện, một mình xoay sở, chườm mấy lượt hạ sốt thì nhiệt độ giảm nên thôi không đi viện nữa.
- Thế tốt rồi ạ, em mang cháo cho cháu đây. Loại này ngon nhất nhà hàng đấy chị, ăn vào sẽ khỏe luôn cho xem.
- Cảm ơn cô em của chị nhé. Đã mất công đến tận đây thu nợ, xong phải kiêm luôn nhiệm vụ ship cháo.
- Thì sau giờ làm em cũng có việc gì đâu. Tiện qua nhà chị cho biết nhà. Anh chị giỏi ghê, xây được cả biệt phủ thế này.
- Đổi máu và nước mắt cả đấy em. Một tay chị vun vén, xây dựng, chịu bao đắng cay, nhẫn nhịn mới được ngày hôm nay. Mà nó có đối xử với chị ra gì đâu…
- Ai cơ chị?...
- Chồng chị ấy. Đi đến giờ này chưa về.
Thực ra, sau gương mặt sắc sảo là một người phụ nữ yếu mềm, nhạy cảm, mỗi lần chạm vào nỗi đau chị cũng dễ xúc động. Một người phụ nữ đã trải qua nhiều sóng gió, đau khổ, không thể không gồng mình mạnh mẽ và trang bị cho bản thân đôi mắt sắc phòng vệ. Hân ngồi sát gần lại, choàng tay ôm chị. Lúc này, đôi mắt sắc biến mắt, Hân bắt gặp ánh nhìn như biển hồ long lanh, thăm thẳm, chất chứa nỗi niềm đàn bà… |
Hân há hốc mồm kinh ngạc. Lần đầu tiên chị nói với Hân về chồng với thái độ khác lạ, nếu không nói là coi thường ra mặt.
Vì chưa rõ ngọn ngành chuyện hai vợ chồng chị nên Hân không hỏi thêm, cố nén sự tò mò của mình chờ chị tự nói tiếp.
Nhưng chị quay sang trao đổi công việc, tính toán tiền nong nên câu chuyện về chồng chị như một dấu hỏi bỏ ngỏ với Hân.
Nghề nào cũng có đặc thù riêng, để trụ lại với nghề của mình, chị phải linh hoạt ứng phó. Thấy mối hàng lớn là lao vào giao kèo, đàm phán, rào trước đón sau sao cho vừa lòng người bán.
Chị biết có bao con mắt liếc ngang dọc khi chị làm ăn được, xây nhà cao cửa rộng. Họ tìm mọi cách để gây khó khăn, cản trở công việc của chị. Thực ra điều họ khó chịu hơn cả là chị làm cái nghề họ nghĩ hèn kém mà làm được cái nhà đẹp nhất xóm phố này thì thật phi lý.
Thế mà lão chồng chị chẳng biết. Bao năm trời lừa dối chị, chị chả hề hay biết. Lão đi làm cơ quan nhưng tằng tịu với đứa đã bỏ chồng. Chỉ có chị thừa ra em ạ, nghĩ mà cay. Nói đến đó, mắt chị rưng rưng. Hân chưa bao giờ nghĩ người đàn bà tướng mạo đàn ông, mắt nhìn sắc lẹm, miệng luôn hớn hở cười nói như chị lại có phút giây dễ dàng rơi nước mắt.
Giờ Hân mới biết, chồng chị Nhì làm công chức nhà nước, công việc rất thảnh thơi, nhàn hạ, chỉ tội lương ba cọc ba đồng nên khi vợ cần người đóng gói bìa thì anh tranh thủ hỗ trợ để có thêm tiền tiêu.
Căn nhà khang trang, lộng lẫy hai vợ chồng có được chủ yếu do công sức chị bao năm buôn bán vất vả, tích góp tiền của, xây dựng lên. Đời thật trêu ngươi. Đàn bà càng lam làm, tần tảo hy sinh vì chồng con thì càng sớm tàn tạ và bị chán, chưa tàn tạ thì đàn ông họ cũng chả thích nổi khi quần áo, tóc tai vợ toàn mùi hôi hám của đồ đạc cũ, phế liệu ẩm.
Hân nhìn chị kỹ hơn, thực ra khi thoát khỏi bộ đồ bảo hộ kaki thô cứng, mặc bộ đồ lụa ở nhà, nom chị Nhì khá đẹp. Một thân hình phụ nữ trung tuổi đầy đặn. Bắp chân lộ rõ nước da trắng ngần. Đặc biệt, đôi môi, đôi mắt đậm màu do xăm. Hóa ra không phải bẩm sinh chị sở hữu đôi mắt sắc, mà chính do nét xăm hình thành. Chị đi làm đẹp sau khi biết ông chồng có bồ.
Chị vẽ môi thật đỏ, tươi. Chỉ kẻ mày thật cong, đậm. Chị làm đôi mắt thật sắc, long lanh… Người đàn bà bị phản bội, mang vết thương đau nhức. Chị lao đi làm đẹp trên thân thể, khuôn mặt mình nhưng đâu phải cho bản thân. Chị phản kháng bột phát, thật thà. Chị làm ầm ĩ nhà cửa, dọa viết đơn ly hôn.
Trước mặt ông bà, con cái, chồng chị quát lại to hơn, mắng té tát chị là đàn bà nông cạn, ghen bóng ghen gió, nói năng linh tinh. Muốn vu khống cho lão thì cũng phải đưa ra chứng cứ đàng hoàng. Bố mẹ chồng gật gù. Chị tức nghẹn cổ.
Ừ thì chồng bịt miệng được chị. Chị đuối lý. Lão vẫn giữ nguyên mẫu người đàn ông đàng hoàng. Sau mấy ngày vật vã suy nghĩ, chị chấp nhận. Chị cần lão hỗ trợ vài việc trong nghề, đàn bà dù có mạnh mẽ, thông minh thế nào thì sức vóc không thể so với đàn ông. Chị đang làm ăn vào cầu, bao nhiêu thứ phải lo cho con cái. Giờ bỏ lão, con chị vẫn là người thiệt nhất. Chi bằng gắng mà tha thứ cho nhau, lão không bồ bịch nữa thì chị sẽ dỗ mình quên chuyện đã xảy ra.
Hôm nay con chị Nhì ốm, bao việc cần giải quyết, nghẽn tắc mọi giao dịch hàng. Gọi cho chồng đến cả chục cuộc không được. Lòng sôi sùng sục như có lửa. Linh tính đàn bà mách chị Nhì, ông chồng chị đang đi với bồ. Nhưng không thể vứt con nằm đó mà chạy xe đi bắt tận tay, day tận mặt chúng được. Chính vì tâm trạng thế mà chị đã kể hết cho Hân.
Suốt quãng đường về nhà, Hân suy nghĩ mông lung và tự dưng thấy thật thương chị Nhì. Hy vọng lần này anh mắc việc gì đó hoặc để quên điện thoại ở đâu đó thôi.
Thoắt cái ba tuần trôi qua, hàng nhiều lên, Hân nhấc máy gọi giục chị Nhì đến đóng gói, lấy hàng. Chị ậm ừ, lần khất. Phải hai hôm sau chị mới điều xe đến. Hân sà vào chỗ chị đóng gói hàng, thấy chị trầm hơn mọi khi nên Hân lân la hỏi chuyện trước:
- Thế ông anh em đâu, mà hôm nay chị phải điều đệ làm thế này?
Như chạm đúng vấn đề. Đôi mắt sắc đỏ của chị ngước nhìn Hân:
- Em biết không, chính hôm em mang cháo cho cháu hộ chị, tối muộn không thấy lão chồng chị về, chị phi xe đi tìm, trong bóng tối chúng nó ngồi với nhau. Chị nói um lên, chụp ảnh ghi lại. Từ hôm đó đến nay chị đã soạn để sẵn cái giấy ly hôn ở giường lão, chờ lão ký là xong, đường ai nấy đi. Chị chả thèm nói thêm lời nào. Nghĩ nhiều khổ mình em ạ. Chị còn phải làm ăn nuôi con cái, hơi đâu mà nghĩ…
Chị cứ nói đi nói lại, hơi đâu mà nghĩ. Nhưng chắc chị nghĩ rất nhiều và còn nguyên sự xúc động nên vừa kể nước mắt vừa rơi.
Hân để cho chị tuôn trào hết nỗi uất ức trong lòng, xong động viên chị:
- Không có đàn ông mình chẳng chết được chị ạ, tốt đẹp thì sống cùng, không thì dẹp hết đi cho nhẹ gánh. Kinh tế mình tự lo cơ mà, có phụ thuộc vào chồng đâu. Chị phải dứt khoát, mạnh mẽ vào. Lúc đầu, em nghĩ chị đanh thép, cứng cỏi lắm cơ. Ai ngờ gì mà dễ khóc nhè thế này.
Nói rồi Hân gí cái khăn vào tay để chị lau nước mắt. Chị cười gượng:
- Vâng, cô nhìn thấy tôi cục mịch nên nói thế chứ gì. Chị làm nghề buôn phế liệu, sắt vụn không đanh đá thì kiếm ăn làm sao, tồn tại làm sao được hả em. Mối nhà hàng của em nhỏ con thôi, chứ chị lấy cả lô hàng lớn từ các công ty khác. Cũng phải máu mặt tí dân tình mới nể. Thiên hạ chả đứa nào bắt nạt nổi chị, mà chị lại bị lão chồng bắt nạt cả đời em ạ. Bị chồng hắt hủi, coi thường, phản bội… đau đớn lắm em. Nhưng để đi đến quyết định ly hôn không dễ chút nào, như là duyên nợ kiếp trước với nhau…
Khuôn mặt xinh đẹp bỗng nhăn nhúm, đôi môi xăm đỏ méo xệch. Thực ra, sau gương mặt sắc sảo là một người phụ nữ yếu mềm, nhạy cảm, mỗi lần chạm vào nỗi đau chị cũng dễ xúc động. Một người phụ nữ đã trải qua nhiều sóng gió, đau khổ, không thể không gồng mình mạnh mẽ và trang bị cho bản thân đôi mắt sắc phòng vệ.
Hân ngồi sát gần lại, choàng tay ôm chị. Lúc này, đôi mắt sắc biến mắt, Hân bắt gặp ánh nhìn như biển hồ long lanh, thăm thẳm, chất chứa nỗi niềm đàn bà…
Truyện ngắn của Trần Ngọc Mỹ
Ý kiến bạn đọc (0)