Lục Ngạn nỗ lực giảm nghèo nhanh và bền vững
Nhiều giải pháp đồng bộ
Lục Ngạn là huyện miền núi có 29 xã, thị trấn, trong đó có 11 xã vùng đặc biệt khó khăn; dân số khoảng 23 vạn người gồm 8 dân tộc sinh sống. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 51%. Những năm qua, huyện Lục Ngạn luôn quan tâm triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của cấp trên về công tác giảm nghèo bằng nhiều giải pháp, kế hoạch phù hợp thực tế địa phương. Đặc biệt là trong năm cuối của nhiệm kỳ Đảng bộ huyện lần thứ XXIV.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái cùng các đại biểu thăm gian trưng bày các sản vật địa phương tại Hội Chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn năm 2020. Ảnh: Thế Đại. |
Theo đó, huyện tập trung đẩy mạnh phát triển toàn diện KT-XH để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Mặc dù năm qua, thời tiết và dịch bệnh Covid-19 gây nhiều bất lợi nhưng KT-XH tiếp tục duy trì ổn định và phát triển. Toàn huyện có 16/16 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch. Tổng giá trị sản xuất các ngành năm 2020 (theo giá cố định năm 2010) đạt hơn 13,4 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 13,5%, đưa tốc độ tăng trưởng bình quân của cả giai đoạn 2016-2020 lên 13,56% (đạt 102,56% kế hoạch).
Trong đó, sản xuất nông, lâm nghiệp tiếp tục giữ vai trò chủ lực, được chú trọng từ khâu sản xuất đến tiêu thụ; tổng giá trị sản xuất của ngành theo giá hiện hành đạt hơn 6,9 nghìn tỷ đồng, tăng 877 tỷ đồng so với năm 2019. Sản xuất cây ăn quả vẫn là thế mạnh với hơn 28 nghìn ha, thu nhập đạt hơn 4 nghìn tỷ đồng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững.
2- Người dân bản Na Hem, xã Hộ Đáp thu hoạch vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: Thế Đại |
Cùng đó, huyện luôn quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông để thúc đẩy KT-XH phát triển. Sau ba năm thực hiện phong trào cứng hóa đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết 06, 07 của HĐND tỉnh và các chương trình, chính sách khác, toàn huyện đã cứng hóa hơn 1,5 nghìn km đường nông thôn (riêng năm 2020 huyện xây dựng hơn 80 km), đưa tỷ lệ cứng hóa lên hơn 85%, tăng hơn 4 lần so với năm 2015.
Đây là kết quả ấn tượng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, phát triển KT-XH của địa phương. Đồng thời, Lục Ngạn luôn quan tâm xây dựng nông thôn mới (NTM), hiện có 11 xã đạt chuẩn, bình quân đạt 15 tiêu chí/xã, góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo và đời sống của người dân khu vực nông thôn.
Tuyến đường vào trung tâm xã Phú Nhuận dài 7,2 km mới được đầu tư, xây dựng. Ảnh: Thế Đại |
Ngoài ra, huyện thực hiện lồng ghép các chương trình, chính sách góp phần giảm nghèo, như: Chương trình 135; Đề án hỗ trợ 36 thôn bản đặc biệt khó khăn của tỉnh; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề cho lao động, hỗ trợ vay vốn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo…
Năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc huyện và các tổ chức thành viên, huyện đã hỗ trợ xây dựng 73 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, vượt 40 nhà so với tỉnh giao. Huyện cũng đặc biệt quan tâm tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, ý thức tự vươn lên của các hộ nghèo, hộ cận nghèo trong phát triển kinh tế. Từ đó, nhiều hộ chủ động vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, tích cực lao động, tìm ra hướng thoát nghèo bền vững, tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo.
Giảm nghèo sâu và thực chất
Các nhà vườn tại Lục Ngạn thu hút khách du lịch tham quan. Ảnh: Thế Đại |
Với phương châm “Rà soát đúng thực tế, phản ánh chính xác, khách quan số hộ nghèo trên địa bàn”, Huyện ủy, UBND huyện Lục Ngạn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn tập trung cao rà soát, thống kê hộ nghèo năm 2020; sớm xây dựng và triển khai kế hoạch; tổ chức tập huấn kỹ năng rà soát, thống kê hộ nghèo, hộ cận nghèo cho cán bộ cơ sở; giao cho các thành viên Ban Chỉ đạo huyện phụ trách và cán bộ giúp việc thường xuyên đi cơ sở để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, thậm chí cùng các địa phương trực tiếp chấm điểm các tiêu chí khi cần thiết. Sau đó, Chủ tịch UBND huyện tổ chức hội nghị nghiệm thu kết quả của từng xã. Các địa phương báo cáo, phân tích từng trường hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo tại đơn vị, vì vậy kết quả rà soát được thẩm định kỹ trước khi công bố chính thức.
Một góc xã nông thôn mới Quý Sơn. Ảnh: Thế Đại |
Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp giảm nghèo nên đến hết năm 2020, toàn huyện còn 2.148 hộ nghèo, giảm 2,99% so với năm 2019, đạt 103% kế hoạch cả năm. Nhiều xã có có tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu như: Phong Vân giảm còn 13,53%; Hộ Đáp còn 13,58%; Cấm Sơn còn 12,96%; Đèo Gia 9,62%...
Kết quả này đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 3,82%, vượt 37% mục tiêu. Kết quả này tạo cơ sở để Lục Ngạn tiếp tục vươn lên, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH nhiệm kỳ mới.
La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn
Ý kiến bạn đọc (0)