Lục Nam tạo điểm nhấn cho phát triển du lịch
Du khách tham quan thác Giót, suối Nước Vàng (xã Lục Sơn). |
Hạ tầng làm nền
Muốn ngành “công nghiệp không khói” trở thành mũi nhọn, huyện quan tâm mời gọi, thu hút đầu tư hạ tầng các điểm du lịch đặc sắc trên địa bàn. Không chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách vốn hạn hẹp, huyện đẩy mạnh xã hội hóa (XHH), thu hút các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này. Đơn cử đối với KDL sinh thái Suối Mỡ, huyện tranh thủ nguồn vốn từ tỉnh và của địa phương, huy động XHH để nâng cấp và sửa chữa đền Hạ với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng, trong đó nguồn XHH chiếm khoảng 35%.
Cùng từ nguồn ngân sách và thu hút từ bên ngoài, năm nay, dự án xây dựng cầu treo đền Trần được thực hiện với tổng kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng. Huyện cũng đang triển khai các thủ tục để thu hút, đầu tư xây dựng sân khấu hát văn hầu đồng tại đây. Nhiều hạng mục khác cũng đang được đầu tư nâng cấp từ nguồn XHH. Theo ông Dương Văn Học, Trưởng Ban quản lý KDL sinh thái Suối Mỡ, một số hạng mục trong KDL còn được thụ hưởng dự án cải tạo, nâng cấp với số vốn hơn 90 tỷ đồng, phân kỳ thực hiện từ nguồn vốn T.Ư và tỉnh, đến nay đã hoàn thành đường bao quanh khu đảo nổi và đang xây dựng tuyến đường trong khu vực này, tôn thêm cảnh quan, tạo thuận lợi cho du khách tham quan.
Nhằm kết nối các điểm, tour du lịch, ngoài điểm nhấn là KDL sinh thái Suối Mỡ, các tuyến đường đến các điểm, KDL trọng điểm trên địa bàn như: Sửa chữa, nâng cấp đường từ quốc lộ 31 (điểm cầu tại Trại Mít) đi hồ Suối Nứa, thuộc địa bàn xã Đông Hưng; khảo sát và xây dựng đền Thần Nông (xã Cẩm Lý) với tổng kinh phí khoảng 30 tỷ đồng từ nguồn XHH; tuyến đường dài 2 km từ quốc lộ 37 vào Hố Mỵ (đền Thần Nông) với số tiền khoảng 2 tỷ đồng...
Đến nay, từ trung tâm huyện hoặc du khách đến với Lục Nam qua các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn đều có thể dễ dàng đến với các điểm, KDL trọng điểm. Nếu chọn KDL sinh thái Suối Mỡ là trung tâm, du khách có thể theo đường Tây Yên Tử đến: Cụm di tích Đình và rừng lim, suối Đá Húc (xã Bình Sơn); suối Nước Vàng, thác Giót (xã Lục Sơn) và lên vùng cao Sơn Động khám phá Tây Yên Tử; hoặc qua quốc lộ 37, 31 đến các điểm di tích lịch sử văn hóa như: Chùa Khám Lạng có Hương án đá được công nhận là bảo vật quốc gia, đền Thần Nông, suối Rêu (xã Cẩm Lý); Đình, chùa Phương Lạn (xã Phương Sơn); KDL sinh thái, nghỉ dưỡng hồ Suối Nứa (xã Đông Hưng)…
Hiện nay tại huyện Lục Nam đã bước đầu hình thành tuyến du lịch vực Rêu - Hương án đá - đền Suối Mỡ - thác Giót, suối Nước Vàng kết nối với các điểm danh thắng trong tỉnh. |
Phát huy giá trị văn hóa
Nếu chỉ đầu tư, nâng cấp các điểm, KDL hiện có, Lục Nam khó có thể tạo dấu ấn với du khách khi không quan tâm phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Ở KDL sinh thái Suối Mỡ, hàng năm, lễ hội được tổ chức với các nghi lễ truyền thống, trong đó có hát văn hầu đồng, trò chơi dân gian. Kể từ khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, lễ hội tổ chức quy mô lớn hơn thu hút du khách đến đây ngày càng nhiều. UBND huyện còn phối hợp với các ngành chức năng nhiều lần tổ chức liên hoan diễn xướng hát văn hầu đồng, thu hút nhiều câu lạc bộ hát văn đến từ các tỉnh, TP trong khu vực tham gia.
Chị Trần Thị Lệ, du khách ở Tân Yên chia sẻ: “Mỗi lần đến đây, tôi thấy cảnh quan đẹp hơn, không khí trong lành, thích hợp với nghĩ dưỡng, du lịch tâm linh”. Thời gian qua, nhờ hạ tầng được đầu tư, chỉnh trang, KDL này còn hấp dẫn bởi các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy, lượng du khách tham quan không ngừng tăng. Chỉ tính riêng năm 2017, nơi đây tiếp đón hơn 250 đoàn với khoảng 120 nghìn lượt người, tăng 22,5% so với năm trước.
Ở các điểm du lịch khác như: Chùa Khám Lạng; cụm di tích đình, chùa Phương Lạn…, các bảo vật, lễ hội cũng được quan tâm giữ gìn, phát huy giá trị. Kể từ khi Hương án đá được công nhận bảo vật quốc gia, địa phương có phương án quản lý và bảo vệ, du khách có nhu cầu được hướng dẫn chiêm ngưỡng báu vật này. Được biết gần đây, tại các Ngày hội Văn hóa, Thể thao dân tộc của huyện, để “hút” khách du lịch, Lục Nam còn lồng ghép các hoạt động như trưng bày các sản phẩm đặc trưng của địa phương, tổ chức ngày hội mỗi làng một sản phẩm. Hiện nay tại Lục Nam đã bước đầu hình thành tuyến du lịch vực Rêu - Hương án đá - đền Suối Mỡ - thác Giót, suối Nước Vàng kết nối với các điểm danh thắng trong tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Đức Toàn, Trưởng Ban chỉ đạo Phát triển du lịch huyện, hơn hai năm qua, ngành “công nghiệp không khói” có chuyển biến rõ nét, nguồn lực đầu tư lớn theo hướng XHH, định hình điểm nhấn là du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái. Thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng cơ chế ưu đãi trong thu hút đầu tư cho lĩnh vực này, tăng cường quản lý và khai thác hiệu quả hơn tài nguyên du lịch nhằm phát triển bền vững. “Huyện khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, đóng góp nguồn lực xây dựng và phát triển du lịch; đẩy mạnh hình thức du lịch cộng đồng tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hình thành mô hình người dân, gia đình và cộng đồng làm du lịch”, ông Toàn cho biết.
Bảo Khánh
Ý kiến bạn đọc (0)