Lục Nam (Bắc Giang): Đầu tư 70 tỷ đồng, doanh nghiệp vẫn chưa có điện để sản xuất
Người dân thôn Đào Lạng, xã Bắc Lũng phản ánh: Khoảng 6 giờ ngày 22-7, một doanh nghiệp (DN) sản xuất gạch kéo dây điện cao thế chạy qua cánh đồng của thôn dài gần 1 km khi chưa được thôn, xã đồng ý. Một số người đã ngăn chặn, yêu cầu đơn vị này dừng thi công để chờ hướng giải quyết.
Chiếc xe tải của Công ty Ngọc Việt sử dụng thi công đường điện qua địa bàn thôn Đào Lạng sáng 22-7. |
Tại cánh đồng thôn Đào Lạng, một nhóm người dân cho rằng, DN chỉ đạo thi công, kéo đường dây điện cao thế là Công ty Ngọc Việt ở thôn Vàng, xã Khám Lạng. Việc làm này chưa được sự nhất trí của thôn nên họ yêu cầu dừng thi công. Những người vận hành, thi công cột điện và chủ xe ô tô chở vật liệu cũng bỏ đi, không dám ở hiện trường vì lo sợ xảy ra xô xát.
Nhận được thông báo, Công an huyện Lục Nam có mặt kịp thời ngăn ngừa hành vi quá khích, bảo đảm an ninh trật tự. Theo ông Phạm Trọng Đường, Chủ tịch UBND xã Bắc Lũng, đây là vụ việc phức tạp, diễn ra từ lâu, liên quan đến lãnh đạo UBND xã, thôn và DN.
Theo đó, năm 2010, Chi bộ và thôn Đào Lạng ra Nghị quyết, làm hợp đồng về việc cho ông Hoàng Quang Điềm, quê ở xã Đại Hưng, huyện Khoái Châu (Hưng Yên), khi ấy là chủ cơ sở sản xuất gạch thủ công thuê một con đường của thôn Đào Lạng vào cơ sở sản xuất gạch của ông Điềm, thuộc thôn Vàng, xã Khám Lạng, thời hạn 20 năm với giá 3 triệu đồng/năm (tổng số 60 triệu đồng).
Vật liệu của Công ty Ngọc Việt bỏ lại trên xe ô tô vào sáng 22-7 do người dân thôn Đào Lạng yêu cầu DN dừng thi công |
Số tiền này được thôn nhận và đầu tư cho giao thông, mương máng phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu của người dân trong thôn, hiện hồ sơ, chứng từ còn lưu.
Phía thôn Đào Lạng cho phép cơ sở sản xuất này dựng một số cột điện (chưa có đường dây dẫn điện) từ bờ Voi đi khu lòng Đầm. Trong văn bản của thôn không ghi là đường điện hạ thế, trung thế hay cao thế. Sau đó, do có sự thay đổi từ làm gạch thủ công sang công nghệ lò Tuynel nên ông Điềm đã chuyển nhượng cơ sở sản xuất cho ông Văn Hồng Thuyên, hiện là Giám đốc Công ty Ngọc Việt.
Trên cơ sở thỏa thuận cũ, tháng 8-2017, theo đề nghị của DN, nhân dân thôn Đào Lạng thống nhất cho phép DN thi công đường điện. Đây là đường dây trung áp 35kV cung cấp điện cho Công ty có chiều dài khoảng 900 m chạy qua hai thôn Vàng và Đào Lạng.
Cột điện đi qua địa bàn thôn Đào Lạng do Công ty Ngọc Việt thi công. |
Để được chôn 11 cột điện qua cánh đồng, DN đã thỏa thuận kinh phí bồi thường cho 10 hộ ở thôn Đào Lạng (1 triệu đồng/hộ/1 m2) và 1 hố do thôn quản lý với tổng diện tích 11 m2, số tiền 11 triệu đồng.
Năm 2018, khi thi công, Công ty Ngọc Việt vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhóm người thuộc thôn Đào Lạng, không cho kéo đường điện qua thôn với lý do chưa được họp bàn công khai về chủ trương này. Nhóm người này còn làm đơn gửi UBND huyện Lục Nam đề nghị giải quyết.
Căn cứ Công văn số 260/UBND-TTr, ngày 11-3-2019 của UBND huyện Lục Nam về việc xử lý đơn của công dân, UBND xã Bắc Lũng đã có văn bản số 11/UBND, ngày 10-6-2019 trả lời cán bộ, nhân dân thôn Đào Lạng rất rõ ràng. Ông Văn Hồng Thuyên, Giám đốc Công ty Ngọc Việt khẳng định, DN đã có hồ sơ pháp lý về đường điện (thỏa thuận hướng tuyến; thiết kế mặt bằng; thỏa thuận đấu nối với các yêu cầu kỹ thuật cơ bản...).
Công trình xây dựng trên cánh đồng thôn Đào Lạng không thuộc diện phải bồi thường đất thuộc hành lang an toàn công trình điện áp. Nhân dân thôn Đào Lạng đã nhất trí cho đơn vị thi công, bảo đảm quy chế dân chủ, công khai (có Nghị quyết ngày 05/11/2010 và ngày 27/8/2017). Nội dung này cũng đã có trong văn bản số 11/UBND, ngày 10-6-2019 của UBND xã Bắc Lũng.
Ông Thuyên thừa nhận, đơn vị còn thiếu văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc cho phép chuyển mục đích từ đất trồng lúa sang làm đường điện (đất năng lượng).
Được biết, từ năm 2018, DN đã đầu tư hơn 70 tỷ đồng để phục vụ sản xuất gạch tuynel. Dự kiến khi hoạt động, Công ty sẽ tạo việc làm cho khoảng 60 công nhân của xã Khám Lạng và Bắc Lũng. Song vì chưa có điện nên một năm nay, hệ thống dây chuyền, thiết bị vẫn nằm “đắp chiếu”. “Chúng tôi phải vay thêm vốn của ngân hàng để đầu tư, nay không có điện hoạt động. Công ty mong muốn cấp có thẩm quyền giải quyết vụ việc sớm để vận hành dây chuyền sản xuất”, ông Thuyên nói.
Làm việc với lãnh đạo thôn Đào Lạng được biết, thời gian qua, thôn cũng tổ chức một số cuộc họp lấy ý kiến nhân dân nhằm làm rõ hơn vụ việc theo kết luận của UBND xã, đồng thời nắm bắt ý kiến, kiến nghị của nhân dân và thống nhất phương án giải quyết nhưng không thành vì số hộ dự họp ít, không đủ theo quy định. Bí thư Chi bộ và Phó Trưởng thôn Đào Lạng đều khẳng định, số người phản đối chỉ chiếm số ít, chứ không phải số đông trong thôn.
Văn bản trả lời công dân của UBND xã Bắc Lũng liên quan đến thi công đường điện của Công ty Ngọc Việt. |
Sáng 26-7, lãnh đạo UBND xã Bắc Lũng đã đề nghị DN tháo dỡ toàn bộ 400 m đường dây dẫn điện đã kéo ở 6 cột vào rạng sáng ngày 22-7 để xã tiếp tục chỉ đạo, có hướng giải quyết; phía DN đã chấp thuận. “Dự kiến tháng 8 tới, sau khi kiện toàn Ban lãnh đạo thôn, UBND xã tiếp tục xem xét vụ việc”, ông Phạm Trọng Đường, Chủ tịch UBND xã Bắc Lũng nói.
Hiện nay, sự việc ở thôn Đào Lạng đã “hạ nhiệt” song lãnh đạo Công ty Ngọc Việt băn khoăn vì không có điện sản xuất; số tiền 70 tỷ đồng bỏ ra đầu tư vẫn “đóng băng”. Trước thực trạng trên, cần có sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của UBND xã Bắc Lũng và thôn Đào Lạng. Cấp ủy, chính quyền xã cần sớm tổ chức họp dân, đối thoại ba bên (chính quyền, người dân và DN) để giải quyết dứt điểm theo đúng quy định của pháp luật, kiên quyết xử lý trường hợp cố tình gây khó khăn cho DN. Mặt khác, Công ty Ngọc Việt cần hoàn tất hồ sơ, thủ tục chuyển mục đích từ đất trồng lúa sang đất làm đường điện theo quy định.
Trong bối cảnh các cấp, ngành đang tạo thuận lợi cho DN, nhiều ý kiến đề nghị UBND huyện Lục Nam quan tâm chỉ đạo chính quyền địa phương, ngành chức năng có biện pháp tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm lợi ích cho DN, góp phần ổn định an ninh trật tự tại địa phương.
Vật liệu thi công đường điện của Công ty Việt Ngọc phải bỏ lại trên xe ô tô vì một số người ngăn cản vào sáng 22-7
Vật liệu thi công đường điện của Công ty Việt Ngọc phải bỏ lại trên xe ô tô vì một số người ngăn cản vào sáng 22-7
Ý kiến bạn đọc (0)