Lò vật thầy Tụng
Thầy Nguyễn Văn Tụng trong một buổi huấn luyện cho các học trò tại lò vật của gia đình. |
Vui khi học trò trưởng thành
Hơn 30 năm mở lò luyện vật, lão đô Nguyễn Văn Tụng luôn tâm niệm “Làm thể thao mà quá nặng về tiền bạc sẽ khó thành công”. Câu nói ấy đã được thời gian, phụ huynh học sinh và ngành chức năng kiểm chứng. Hằng năm, thầy Tụng phát hiện, tuyển chọn và huấn luyện nhiều nhân tố mới cung cấp cho ngành chuyên môn. Động lực chính để ông có thể duy trì lớp học miễn phí này là nhiều thế hệ học trò do ông dìu dắt từ nhỏ nay đã có những thành công trong sự nghiệp. Lão đô cho biết: “Vật cũng như nhiều môn thể thao khác có sức hấp dẫn riêng, đặc biệt là vật dân tộc. Tôi muốn thắp lên ngọn lửa đam mê vật cho lớp trẻ”. May mắn là ngành thể thao Bắc Giang đã quan tâm đưa môn vật tự do, vật dân tộc vào thi đấu thường niên, đồng thời ký hợp đồng để ông làm cộng tác viên tuyển chọn, đào tạo các tài năng trẻ phục vụ đội tuyển của tỉnh.
Có tiếng là “mát tay” nên ông được nhiều gia đình tại các huyện Việt Yên, Hiệp Hòa và Tân Yên gửi gắm con em. Những cố gắng của ông được đền đáp khi nhiều học trò trở thành những gương mặt tiêu biểu như: Kiện tướng quốc gia Nguyễn Văn Tuấn, Diêm Thị Hòa, Bùi Văn Hoạt (HCV toàn quốc) đang thi đấu cho đội tuyển quốc gia, Đặng Đình Tùng (HCV toàn quốc) thi đấu cho đoàn Hà Nội; Thân Thị Anh (HCV giải trẻ khu vực Đông Nam Á đang thi đấu cho đoàn Bắc Giang)...
Năm 2017, lò vật có 11 em trúng tuyển vào lớp năng khiếu thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh. Tại Đại hội TDTT tỉnh Bắc Giang năm 2017, học trò của thầy Tụng đã xuất sắc mang về cho huyện Việt Yên 4 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ, góp phần quan trọng để địa phương đứng thứ hai toàn đoàn tại Đại hội.
Thắp lửa đam mê
Với đô Tụng, môn vật nói chung, nhất là vật dân tộc là tinh túy, tinh hoa của cha ông cần được bảo tồn. Mùa xuân về, cứ nghe thấy ở đâu trong vùng có tiếng trống vật là ông tìm đến xem những thế hay, miếng đánh đẹp và cũng là cơ hội để tuyển chọn môn sinh cho lò vật của mình.
Trong khu vườn nhỏ của gia đình, lão đô dành mấy trăm mét vuông đất và tự bỏ tiền dựng một sới vật khá kiên cố với kinh phí gần 200 triệu đồng. Trong khi nhiều lò vật phải giải tán hoặc hoạt động thưa vắng thì lò vật này vẫn rất sôi động. Hiện tại có khoảng 80 môn sinh từ 9 đến 12 tuổi theo học vào các chiều thứ 4, 5, 7 và cả ngày Chủ nhật. Ngoài việc mỗi em phải đóng một bao trấu thì không phải đóng góp bất cứ một khoản kinh phí nào. Vợ chồng lão đô coi bọn trẻ như con cháu nên tận tâm dạy bảo, chăm chút.
Vật cũng như nhiều môn thể thao khác có sức hấp dẫn riêng, đặc biệt là vật dân tộc. Tôi muốn thắp lên ngọn lửa đam mê vật cho lớp trẻ”. Lão đô Nguyễn Văn Tụng. |
Những em có năng khiếu nổi bật và đam mê thực sự sẽ được định hướng cho tập luyện nâng cao và đi theo con đường chuyên nghiệp, khi có thành tích tốt được ngành thể thao tỉnh tuyển chọn và hỗ trợ chế độ hằng tháng.
Những ngày hè nóng bức, thương học trò vất vả, vợ chồng lão sắm thêm ba quạt gió công suất lớn phục vụ tập luyện. Trước và sau mỗi đợt học trò lên tỉnh tham gia tranh giải hay thi tuyển vào lớp năng khiếu, vợ ông lo cơm nước, tổ chức liên hoan động viên.
Tháng 11 vừa qua, tại xã Quang Châu, được sự đề nghị, tạo điều kiện của chính quyền sở tại, thầy Nguyễn Văn Tụng nhận đào tạo lớp vật thu hút gần 40 học sinh tham gia. Thầy Tụng còn "truyền lửa" cho hai con trai. Ngoài phụ giúp bố huấn luyện môn vật, các con của ông còn tham gia huấn luyện môn võ và điền kinh tại nhà. Lão đô Nguyễn Văn Tụng khoe: "Điều tôi tâm đắc nhất là mấy chục năm tham gia dạy vật, các thế hệ học trò đều rất ngoan. Song song dạy chuyên môn tôi luôn đề cao dạy đạo đức. Các em đến học tại đây đều phải tuân thủ nội quy, ý thức tổ chức kỷ luật”.
Theo thầy Tụng, để có được thành tích tốt trước hết mỗi VĐV phải có thể trạng tốt, quá trình này cần rèn luyện bền bỉ, sau đó mới học các kỹ thuật.
Hiện tại mỗi tháng, thầy được ngành thể thao chi trả 1,5 triệu đồng. Để có thêm tiền trang trải cuộc sống và nuôi đam mê, ông làm dịch vụ lái máy cày, trồng lúa, hoa màu và nuôi cá. Không muốn kể nhiều về thành tích nhưng khi được hỏi về vật, lão đô luôn hào hứng, ông bảo: Trong vật dân tộc, người tinh tường chỉ cần nhìn cách xe đài có thể biết đô vật đó đến từ vùng đất nào, ví như đến từ Hà Tây động tác xe đài như thể xe tơ dệt vải; với miền biển, động tác sẽ giống như quăng chài, kéo lưới, chèo thuyền; với vùng Kinh Bắc sẽ hiền hòa uốn lượn như dòng sông Cầu, sông Thương.
Nguyễn Hưởng
Ý kiến bạn đọc (0)