Kỷ niệm những ngày chiến đấu bảo vệ cầu Sông Thương
Đã một năm mở chiến dịch đánh đường 1A, trong đó cầu Bắc Giang là một trọng điểm nên địch sử dụng nhiều máy bay hiện đại nhất lúc bấy giờ đánh phá nhưng đều thất bại. Theo các đài quan sát, đến thời điểm đó 6 - 7 máy bay địch đã bị bắn rơi, trong đó có chiếc rơi tại chỗ (ở xã Song Vân - Tân Yên), giặc lái bị bắt sống. Địch đánh phá ác liệt nhưng cầu vẫn nguyên vẹn để ngày đêm tàu xe hối hả vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng… do các nước XHCN viện trợ cho chiến trường miền Nam. Để đánh lần này, từ mấy hôm trước, một chiếc máy bay không người lái cũng bay từ hướng Đông Bắc về hướng Đông Nam qua dãy Nham Biền (Yên Dũng) để quay phim, chụp ảnh về việc bố trí lực lượng hỏa lực của ta.
Cựu chiến binh thăm Tượng đài Chiến thắng không quân Mỹ tại đầu cầu Sông Thương. Ảnh: Nguyễn Hưởng
|
Từ các thông tin tình báo, Trung đoàn 216 nắm được địch sắp vào đánh cầu (cất cánh từ Hạm đội 7) nên lệnh cho các đơn vị khẩn trương di chuyển, bố trí đội hình hỏa lực và tập luyện thành thạo, bắn bằng phần tử tổng hợp (rada, máy chỉ huy, máy đo xạ điều khiển pháo bắn) và bắn trực tiếp (do pháo thủ điều khiển). Khoảng 9 giờ ngày 6/5/1966, tốp F105 đi theo đội hình so le. Chiếc đi đầu bay thấp hơn. Khi đến tầm bắn của ta, nó làm động tác giả bổ nhào (để thu hút hỏa lực) nhưng rất nhanh quay ngoắt lên phía Nhà máy phân Đạm Hà Bắc. Các cỡ pháo, kể cả súng máy, súng trường thi nhau nổ súng.
Riêng Đại đội 572 phán đoán được thủ đoạn của địch nên tập trung hỏa lực vào những chiếc đi sau. Tiếng rú của máy bay và hàng loạt bom lao xuống như xé không khí. Rồi những tiếng bom nổ, cột khói bốc lên đen ngòm. Trận đánh diễn ra khá nhanh. Tôi lúc ấy là chính trị viên phó, được lệnh nên lập tức chạy “thục mạng” ra quan sát cầu, khi đến ngã tư thì thấy một người cũng đang chạy ra, đó là Đỗ Chu (tức nhà văn Chu Bá Bình) đi bộ đội năm 1962 ở Trung đoàn 228 pháo cao xạ 57 ly thuộc Sư đoàn 367, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân. Chúng tôi từng cùng luyện tập, gác đêm ở khu C (kho đạn) nhưng sau đó Đỗ Chu về Hội Nhà văn Việt Nam.
Tôi hỏi Đỗ Chu sao lại ở đây thì được biết Tổng cục Chính trị cử đi viết tin bài. Chúng tôi chạy đến thì cầu đã bị sập, khói vẫn nghi ngút, mùi khét lẹt, đất đá văng tứ tung… Tôi và Chu chạy ngay về đơn vị thông báo cầu đã bị sập. Nghe tin này tất cả cán bộ, chiến sĩ đều lặng lẽ, thậm chí có chiến sĩ òa khóc, rồi ai cũng vội vã thu dọn chiến trường gồm vỏ đạn pháo, lau chùi nòng pháo, khí tài, tu sửa công sự, cắm lại ngụy trang, sắp xếp lại quân trang, quân dụng…
Mấy ngày sau, cán bộ chính trị chúng tôi được triệu tập đột xuất lên Trung đoàn (lúc ấy ở đầu làng Phụng Pháp, xã Tân Mỹ, TP Bắc Giang ngày nay). Khi đủ thành phần họp, đồng chí Chính ủy Trung đoàn giới thiệu đồng chí Lê Quang Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc đến dự và chỉ đạo… Đồng chí Chính ủy vừa giới thiệu xong thì đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đứng dậy nói ngay: “Tôi mới nhận được điện của Trung ương là quân và dân Hà Bắc không hoàn thành nhiệm vụ, để địch đánh sập cầu.
Rồi đồng chí yêu cầu Trung đoàn phải thực hiện ngay một số nhiệm vụ, trong đó nói nhiều về việc kiểm điểm từ cấp dưới lên cấp trên, từ cấp trên xuống cấp dưới. Sau đó yêu cầu mở đợt “luyện quân, chỉnh cán”, tổ chức hợp đồng tác chiến giữa chủ lực với dân quân tự vệ để không bị sập cầu lần nữa. Nói xong đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chào chung ngắn gọn rồi ra khỏi phòng họp. Không khí căng thẳng, nặng nề bao trùm.
Thời gian còn lại, đồng chí Chính ủy Trung đoàn đặt ra những yêu cầu cụ thể như: Tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm từ tiểu đội, trung đội, đại đội đến trung đoàn. Đồng thời phát động đợt thi đua hướng vào nội dung: Xác định không sợ hy sinh, gian khổ, luyện tập tốt, kỷ luật nghiêm, đoàn kết, hợp đồng chặt chẽ; cảnh giác cao độ, không để bị địch đánh bất ngờ, đã đánh là thắng, bắn rơi máy bay tại chỗ, bắt sống giặc lái… Các đơn vị đã họp rồi triển khai đến tất cả cán bộ, chiến sĩ. Khi bước vào kiểm điểm từ cá nhân đến tập thể đều nhận trách nhiệm vì để địch đánh sập cầu.
Khi viết quyết tâm thư, có những chiến sĩ đã trích máu ở đầu ngón tay ký tên mình. Do đó cả Trung đoàn khí thế sôi sục mong được lập công. Vì suốt ngày luyện tập ngoài trời, thậm chí luyện tập cả ban đêm nhưng không ai kêu ca, phàn nàn. Đối với địch, sau khi vào đánh bằng bom hơi cỡ lớn và điều khiển bằng tia laze, chúng biết cầu đã sập nên bẵng đi mấy tuần im ắng. Chính thời điểm này Trung đoàn mới có điều kiện củng cố sắp xếp lại tổ chức, biên chế. Đồng thời đã làm tốt công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, chiến sĩ, luyện tập kỹ thuật, tổ chức hợp đồng giữa các đơn vị chủ lực với dân quân tự vệ, đào đắp thêm các trận địa mới để cơ động, thậm chí đánh lừa địch nên đã hạn chế thương vong cũng như giảm thiệt hại về vũ khí, khí tài…
Bây giờ ngồi nghĩ lại tôi vẫn rất khâm phục, không hiểu bằng cách nào mà trình độ kỹ sư, kỹ thuật, công nhân của ta đã khắc phục cầu nhanh đến thế; chỉ thời gian ngắn đã xong để tàu, xe lại hối hả ngày đêm chi viện cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ. Trong đó có một hình ảnh chúng tôi không bao giờ quên, sau khi sửa xong cầu có chuyến tàu đầu tiên đi qua, khi ấy người lái cho tàu đi rất chậm và kéo một hồi còi thật dài, to (để báo hiệu thông cầu). Nghe tiếng còi ấy tất cả cán bộ, chiến sĩ đều vỗ tay, có người còn nhảy múa trên trận địa, mâm pháo, ai cũng rạng rỡ, thậm chí có chiến sĩ khóc nức nở vì vui sướng.
Thế mới biết, cây cầu thiêng liêng, cao quý đến nhường nào. Trung đoàn 216 đã chiến đấu bảo vệ suốt gần một nghìn ngày đêm với gần 150 trận đánh, trong đó đã bắn rơi 17 máy bay các loại hiện đại nhất của Mỹ lúc bấy giờ như: F105 (thần sấm), F4 (con ma), A4D (giặc nhà trời), AD6 (thanh bảo kiếm), F101 (thập tử quân), F111 (kẻ đột nhập), B52 (pháo đài bay)… trong đó có những chiếc rơi tại chỗ, ta bắt sống giặc lái. Khi chiếc máy bay thứ 300 bị bắn rơi trên miền Bắc, Trung đoàn được Bác Hồ gửi tặng lẵng hoa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen ngợi.
Về phía ta, đã có hàng chục cán bộ, chiến sĩ hy sinh (chưa kể dân quân tự vệ). Những người lính như chúng tôi, đã qua suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, có mặt ở nhiều chiến trường nên có nhiều kỷ niệm, trong đó kỷ niệm sâu sắc về cây cầu Bắc Giang và lần bị địch đánh sập nên không bao giờ quên. Vì thế, tuy ở tuổi 80 nhưng đã thôi thúc tôi cầm bút viết hồi tưởng này.
Đặng Xuân Điệp
Ý kiến bạn đọc (0)