Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XIX: Chất vấn sâu về chuyển đổi số, ngầm hóa cáp viễn thông
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Mở đầu phiên chất vấn, ông Hà Văn Bé, tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Yên Dũng nêu: Ngày 11/6/2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 111-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; sau đó UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.
Với chức năng cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, đề nghị Sở TT&TT cho biết thực trạng và giải pháp để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp. |
Trả lời chất vấn, ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc Sở TT&TT cho biết: Ngay khi Nghị quyết được ban hành, Sở đã phối hợp với cơ quan chuyên môn tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; đưa vào nội dung sinh hoạt của các chi bộ, tạo sức lan tỏa sâu rộng đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Bước đầu, công tác chuyển đổi số của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Theo công bố của Bộ TT&TT, năm 2020 xếp hạng chỉ số chuyển đổi số - DTI của tỉnh đứng thứ 10/63 tỉnh, TP (trong đó chỉ số chính quyền số đứng thứ 7, kinh tế số đứng thứ 14, xã hội số đứng thứ 25).
“Hạ tầng số chưa hoàn thiện; công tác bảo đảm an toàn thông tin chưa được quan tâm đúng mức; nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn thiếu và yếu; một bộ phận lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức chưa thay đổi lề lối, thói quen làm việc trên môi trường mạng; người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế; một số doanh nghiệp (DN) chưa chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới. Đó là những khó khăn, hạn chế mà công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đang gặp phải”, ông Trần Minh Chiêu nói.
Ông Trần Minh Chiêu trả lời chất vấn tại kỳ họp. |
Về giải pháp trong thời gian tới, Sở TT&TT xác định phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, ứng dụng hiệu quả các công nghệ cốt lõi trong quản lý điều hành để phát triển chính quyền số; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Ưu tiên chuyển đổi số trên 9 lĩnh vực (Y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường, công nghiệp và thu hút đầu tư, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, du lịch, báo chí, phát thanh và truyền hình, tư pháp và tố tụng).
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN số khởi nghiệp, hình thành cộng đồng DN số. Đẩy nhanh chuyển đổi số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý của DN trên địa bàn. Tiếp tục nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số cho người dân để hình thành công dân số.
Đại biểu Hà Văn Bé, tổ đại biểu huyện Yên Dũng chất vấn về chuyển đổi số. |
Để nâng cao thứ hạng về chỉ số chuyển đổi số, lãnh đạo Sở TT&TT mong muốn các sở, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao việc sử dụng ký số và gửi nhận văn bản điện tử bởi đây là nguồn dữ liệu quan trọng trong xây dựng chính quyền số.
Vấn đề an toàn, an ninh mạng, chống lại thông tin xấu độc luôn được Sở quan tâm thực hiện. Sở yêu cầu các cơ quan, đơn vị khi thẩm định các phần mềm phải là phần mềm hiện đại, bảo đảm an toàn dữ liệu. Hiện sở đang xây dựng 1 trung tâm quản lý 4 lớp theo hướng dẫn của Trung ương.
Quan tâm ngầm hóa cáp viễn thông, quản lý bán hàng qua mạng
Trả lời câu hỏi của đại biểu Ngô Văn Nam, tổ đại biểu HĐND khu vực huyện Tân Yên về tiến độ ngầm hóa, chỉnh trang bó gọn cáp thông tin chậm, ông Trần Minh Chiêu thẳng thắn cho biết, tỷ lệ ngầm hóa của tỉnh thấp. Nguyên nhân là do hạ tầng cáp viễn thông cũ; kinh phí thực hiện lớn, trong khi các DN không mặn mà thực hiện do phải đầu tư chi phí; công tác sử dụng chung hạ tầng thiếu chặt chẽ; công tác hậu kiểm việc ngầm hóa tại các khu dân cư mới chưa tốt.
Chủ tịch UBND TP Bắc Giang Đặng Đình Hoan trao đổi, làm rõ thêm về ngầm hóa cáp viễn thông. |
Để khắc phục, Sở tiếp tục rà soát hạ tầng, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện; tăng cường công tác hậu kiểm tại các khu dân cư mới xây dựng; yêu cầu nhà mạng phối hợp với tỉnh bỏ kinh phí thực hiện ngầm hóa cáp viễn thông. UBND các huyện, TP tăng cường quản lý hoạt động các DN viễn thông trên địa bàn.
Trao đổi, làm rõ thêm vấn đề ngầm hóa cáp viễn thông trên địa bàn TP Bắc Giang, ông Đặng Đình Hoan, Chủ tịch UBND TP nêu: Hiện 100% khu đô thị mới được quy hoạch ngầm hóa đồng bộ viễn thông, hệ thống thoát nước… Đối với các quy hoạch cũ mà chưa thi công thì TP cũng thực hiện điều chỉnh, bảo đảm đồng bộ.
Về việc ngầm hóa với các khu dân cư cũ, TP Bắc Giang thực hiện theo phương châm tuyến chính làm trước, tuyến nhánh làm sau. Khi ngầm hóa lồng ghép thực hiện làm hệ thống thoát nước, cây xanh, vỉa hè một cách đồng bộ, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Năm 2021, TP đã ngầm hóa 24/84 tuyến đường, đạt 35%. Năm 2022, thực hiện tiếp 22 tuyến đường. Đối với những tuyến ngõ, ngách chưa ngầm hóa được, TP sẽ chỉnh trang bó gọn dây, bảo đảm mỹ quan đô thị.
Đại biểu Hoàng Huy Việt, tổ đại biểu huyện Lạng Giang chất vấn tại kỳ họp. |
Ông Hoàng Huy Việt, tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Lạng Giang nêu: Vài năm trở lại đây, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát, giãn cách xã hội thì bán hàng online diễn ra phổ biến. Song thực tế có nhiều người lợi dụng trang mạng xã hội cá nhân để bán hàng, dẫn đến thất thu thuế, hàng giả, hàng kém chất lượng khó kiểm soát. Đề nghị ngành chức năng cho biết giải pháp của ngành trong quản lý hoạt động này.
Nhất trí với quan điểm của đại biểu nêu, ông Trần Minh Chiêu thông tin thêm, hiện nay việc mua bán qua sàn thương mại điện tử được ngành Công Thương cấp phép; còn bán hàng trên livestream, zalo, facebook thì không phải đăng ký. Trước bất cập đó, cơ quan chuyên môn cũng đã kiến nghị tới Bộ TT&TT và được biết tới đây, Bộ sẽ nghiên cứu sửa đổi quy định liên quan.
Thời gian qua, Sở đã cơ bản xử lý các thông tin đăng tải không chính xác trên các trang mạng; kịp thời xử lý thông tin xấu độc song còn thiếu công cụ giám sát, việc xử lý vi phạm trên không gian mạng cũng rất khó khăn, tình trạng sim rác vẫn còn. Sở sẽ triển khai tốt các văn bản của trung ương, sử dụng các nền tảng công nghệ thông tin; đẩy mạnh giáo dục, tập huấn người dân kiến thức về công nghệ thông tin để không bị chiếm đoạt tài khoản, thông tin cá nhân; phối hợp với các ngành để tăng cường quản lý, tránh thất thu thuế.
Với trách nhiệm của ngành, ông Đào Nguyên Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho hay, đơn vị sẽ tích cực phối hợp với Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân nắm được việc buôn bán qua mạng; chú trọng đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ chuyên môn; tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh.
Đồng chí Lâm Thị Hương Thành đánh giá nội dung trả lời chất vấn của lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông. |
Đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đánh giá phần trả lời chất vấn của lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông khá đúng và trúng các vấn đề đại biểu quan tâm.
Bên cạnh những giải pháp đưa ra, đồng chí đề nghị Sở TT&TT quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc nâng cao mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index). Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và chính quyền cơ sở thực hiện việc ngầm hóa đúng với quy hoạch đã được phê duyệt tại các khu đô thị, khu dân cư mới. Chỉ đạo các DN viễn thông tiến hành chỉnh trang, bó gọn, thanh thải cáp thừa… tại các khu đô thị, khu dân cư cũ.
Nâng cao hiệu quả tuyên truyền các nội dung liên quan đến công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong hoạt động thương mại điện tử để người dân nhận thấy việc kinh doanh, bán hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng qua các trang mạng xã hội cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật.
Tuyên truyền để người tiêu dùng lựa chọn các sàn giao dịch thương mại điện tử chính thống, có uy tín và được nhà nước cấp phép; không mua, bán hàng hóa không rõ nguồn gốc. Tiếp tục phối hợp các cơ quan như: Sở Công Thương, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường… để quản lý tốt việc bán hàng qua mạng, đặc biệt là các trang mạng xã hội cá nhân.
Tin, ảnh: Nhóm PVVX
Ý kiến bạn đọc (0)