Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh: Kiểm soát chất lượng khám sức khỏe cho người lao động
BẮC GIANG - Tại kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh Bắc Giang, trả lời câu hỏi chất vấn về thực trạng công tác khám chữa bệnh định kỳ cho người lao động, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Sở Y tế nêu các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 37 cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe; 2 cơ sở đủ điều kiện khám sức khỏe nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế Khu công nghiệp).
Bà Nguyễn Thị Thu Hương. |
Qua kiểm tra cho thấy phần lớn các doanh nghiệp (DN) được kiểm tra ngày càng nhận thức rõ trách nhiệm và có ý thức chấp hành các quy định khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.
Tỷ lệ DN tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động khoảng 52,6% với 120 nghìn lượt khám năm 2023, 170 nghìn lượt năm 2024. Đa số DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tốt quy định về an toàn vệ sinh lao động, việc chưa tuân thủ đúng thường xảy ra ở những DN nhỏ, ít lao động.
Số người làm công tác y tế tại các cơ sở lao động tăng từ 111 người năm 2023 lên 159 người năm 2024; lực lượng sơ cấp cứu được đào tạo khoảng 3,6 nghìn người năm 2023, nâng lên 4,1 nghìn người năm 2024.
Tuy nhiên, qua theo dõi, nắm bắt cho thấy việc khám sức khoẻ thực hiện còn sơ sài, hình thức, không đủ chuyên khoa cần thiết để phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp, nhất là ở ngành nghề đặc thù như xây dựng, hóa chất, sản xuất công nghiệp nặng.
Một số ít DN không bố trí cán bộ y tế chuyên trách và không ký hợp đồng với các cơ sở khám, chữa bệnh đủ năng lực, có DN chưa từng tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.
Khắc phục những hạn chế này, giải pháp được xác định là tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Tổ chức tập huấn, hội thảo giúp DN hiểu rõ trách nhiệm; người lao động ý thức hơn về quyền được chăm sóc sức khỏe.
Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện chăm sóc và nâng cao sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp tại các đơn vị y tế và các cơ sở sử dụng lao động trên địa bàn.
Chú trọng kiểm soát chất lượng khám sức khỏe. Phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và phòng, chống bệnh nghề nghiệp tại các đơn vị, cơ sở lao động.
Kiên quyết dừng hoạt động đối với các cơ sở khám chưa đạt điều kiện theo kế hoạch đề ra, đình chỉ hoạt động khám sức khỏe nếu xảy ra sai phạm. Xử lý, kiến nghị xử lý các DN vi phạm không thực hiện khám sức khỏe định kỳ theo quy định, không bố trí cán bộ y tế và không ký hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ năng lực theo đúng quy định.
Ý kiến bạn đọc (0)