Không còn là "vai phụ" trong nhà
Bà Nguyễn Thị Màu bên trang trại nuôi cá của gia đình. |
Giờ đây, ở tuổi ngoại lục tuần, khi các con yên bề gia thất, họ lại dành thời gian tham gia công tác xã hội, là những tấm gương phụ nữ công giáo tiêu biểu của tỉnh.
Vừa là mẹ, vừa làm cha
Đang vào vụ gặt, hai bên đường dẫn về thôn Yên Tập Bắc dày đặc rơm thơm, óng ả lúa vàng. Hỏi thăm đến gia đình các bà: Nguyễn Thị Hạnh (SN 1950), Nguyễn Thị Màu (SN 1954) và Nguyễn Thị An (SN 1957) người ở thôn ai cũng biết. Phụ nữ vốn được coi là phái yếu, vai phụ trong nhà nhưng với ba phụ nữ này thì không hẳn như vậy.
Bà Hạnh kết duyên với ông Vũ Quốc Toản năm 1971 khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn ác liệt. Cưới nhau chưa được bao lâu, anh lên đường vào Nam chiến đấu, để lại quê hương người vợ trẻ. Bà ở nhà vừa chăm lo việc đồng áng, vừa chăm sóc, động viên mẹ chồng trước nỗi đau khi gia đình có một anh trai đã anh dũng hy sinh. Hơn 2 năm ở chiến trường, chồng bà mới được một lần về phép. Đất nước thống nhất, ông xuất ngũ rồi đi học ở một trường nghề, cách nhà gần trăm cây số. Vợ chồng đoàn tụ chưa được bao lâu ông lại đi lao động hợp tác ở Tiệp Khắc, tiếp tục xa nhà biền biệt 5 năm. Thời gian này, bà Hạnh thêm phần vất vả khi 3 đứa con sàn sàn trứng gà, trứng vịt đang tuổi ăn học. Để có thu nhập trang trải cuộc sống, bà làm đủ việc nhà nông, sớm tối cấy cày hơn một mẫu ruộng, rồi chăn nuôi, làm thêm ở hợp tác xã. Không phụ công chăm sóc, giáo dục của mẹ, các con đều được học hành chu đáo, có công ăn việc làm ổn định, thoát ly nghề nông.
Cách nhà bà Hạnh vài trăm mét là cơ ngơi khang trang với mô hình kinh tế trang trại vườn-ao-chuồng của gia đình bà Màu. Hơn 40 năm làm dâu, bà là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ chồng. Gia đình nhiều năm qua duy trì 5 sào ao thả cá, 1,5 mẫu ruộng, khoảng 50 đầu lợn mỗi lứa. Để giảm chi phí đầu vào, ông bà mở dịch vụ xay xát gạo, nấu hàng trăm lít rượu mỗi mẻ, lắp đặt hầm biogas, trồng 4 sào khoai lang, rau muống để có thức ăn sẵn cho lợn. Cứ thế quay vòng nên đã giảm được nhiều chi phí đầu vào, thu nhập 150 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Văn Ngọc, chồng bà Màu tự hào: "Hơn chục năm tôi ở quân ngũ, bà ấy là lao động chính trong gia đình, đảm đang quán xuyến mọi việc trong nhà, một mình chăm lo bố mẹ chồng chu đáo. Hai con một trai một gái cũng tay bà ấy chăm sóc, dạy bảo, hiện giờ cả hai làm công nhân khu công nghiệp". Mẹ chồng - cụ Hàn Thị Tý nay đã ở tuổi 93 song rất khỏe mạnh, hằng ngày vẫn nấu được cơm, quét sân nhà, vườn tược.
Là trụ cột trong gia đình khi tuổi đời còn trẻ, các bà đã hoàn thành tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ, làm dâu. Cả ba người đều toàn diện, ai cũng đảm đang, tháo vát, khéo léo trong việc sắp xếp công việc gia đình cũng như tham gia công tác xã hội”.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Bí thư Chi bộ thôn Yên Tập Bắc.
|
Trong ba người phụ nữ, bà An ít tuổi nhất nhưng trông lại có phần già nua hơn cả. Bà làm vợ bộ đội khi tuổi vừa tròn đôi mươi, rồi sòn sòn 4 đứa con (3 gái, 1 trai) ra đời. Chồng bà 8 năm quân ngũ, trong đó có 3 năm cắm trụ nơi biên giới phía Bắc. Khi ông phục viên trở về bị nhiễm chất độc da cam, sức khỏe yếu, nhiều bệnh tật nên không làm được việc nặng. Năm 2011, ông qua đời ở tuổi 59. Vậy là một mình bà chăm lo việc đồng áng, tảo tần nuôi con ăn học, cấy hơn 2 mẫu ruộng. Bà nhớ mãi những ngày cùng các con bám đồng, có mặt ở bãi ven sông xắn đất, sớm tối đóng gạch ngói, tự đốt lò thủ công vừa để có tiền trang trải cuộc sống, vừa có vật liệu làm nhà. Các con thấy mẹ vất vả, đứa nào cũng muốn nghỉ học để phụ giúp nhưng bà không đồng ý. Bà rèn cho các con tình yêu lao động nhưng không vì thế mà xao nhãng việc học hành. Chỉ tiếc là người con gái cả sinh năm 1977 trái ý mẹ, ở nhà làm ruộng nên giờ có phần vất vả còn 3 người con còn lại được mẹ động viên đều chăm chỉ học hành, công ăn việc làm ổn định, trong đó con trai duy nhất tốt nghiệp Đại học Xây dựng, vợ là giáo viên mầm non đang ở cùng bà.
Tích cực tham gia công tác xã hội
Sau bao năm tảo tần, các bà giờ đã tuổi ngoài lục tuần. Những vất vả giờ đây đã được đền đáp khi tất cả những người con của họ đều yên bề gia thất, con cháu đề huề, có công ăn việc làm. Nhà cửa ổn định, cuộc sống có phần dư dả, đã đến lúc các bà được nghỉ ngơi, vui tuổi già bên con cháu. Nhưng không, với bản tính chịu thương, chịu khó của người phụ nữ nông thôn, các bà không dứt hẳn việc nhà nông, vẫn cấy vài sào ruộng, trồng rau, nuôi lợn, gà “để mỗi khi con cháu về chơi có thực phẩm sạch mang đi gọi là quà quê”.
Bà Nguyễn Thị An (bên trái) và bà Nguyễn Thị Hạnh tăng gia sản xuất. |
Tham gia BCH Chi hội phụ nữ thôn Yên Tập Bắc, bà Nguyễn Thị Hạnh tích cực vận động chị em giáo dân thực hiện công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình. Luôn gương mẫu đi đầu thực hiện các phong trào thi đua xây dựng gia đình công giáo gương mẫu tiêu biểu. 5 năm trở lại đây, họ đạo Yên Tập Bắc không có người sinh con thứ ba; sống tốt đời đẹp đạo, xây dựng đời sống văn hóa mới. Chồng bà - ông Vũ Quốc Toản hiện là Trưởng Ban công tác mặt trận thôn, gia đình luôn là địa chỉ để giáo dân đến chia sẻ, tâm tình. Giờ đây, bà Hạnh cùng chồng mở một cửa hàng tạp hóa, cuộc sống tràn đầy tiếng cười khi cuối tuần lại đón con cháu nội ngoại từ nơi xa về đoàn tụ.
Bà Nguyễn Thị Màu cũng tích cực tham gia công tác xã hội, vận động giáo dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; quy chế dân chủ ở cơ sở. Với vai trò là thành viên Ban từ thiện giáo xứ, bà Nguyễn Thị An luôn hưởng ứng nhiệt tình các phong trào từ thiện, nhân đạo. Cứ dịp nào vào Sài Gòn thăm con gái lập nghiệp trong đó, bà lại tranh thủ vận động quyên góp ủng hộ hoạt động từ thiện. Với hàng trăm suất quà tặng người công giáo khó khăn, tàn tật, trẻ em nghèo…, bà được Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh khen thưởng.
Những tia nắng vàng cuối hạ óng ánh vương lên ba mái đầu đã có nhiều sợi bạc. Trên gương mặt sạm nắng của các bà hằn rõ nếp thời gian, nỗi vất vả một nắng hai sương nhưng trong đôi mắt họ lại ánh lên niềm vui, tự hào. Vui vì trong hạnh phúc của gia đình, sự thành đạt của con cái, sự đi lên của xóm đạo có một phần đóng góp công sức của họ - những người phụ nữ là vai chính trong nhà.
Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)