Khẩn trương bắt nhịp sản xuất từ đầu năm
Khởi động ca máy đầu năm
Những ngày Tết Nguyên đán 2022, một số DN trên địa bàn tỉnh duy trì sản xuất bình thường, chủ động thực hiện các giải pháp thích ứng, linh hoạt, phù hợp trước bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Tại Công ty TNHH JA Sola Việt Nam, Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu (Việt Yên) có khoảng 400 công nhân ở lại làm việc dịp Tết Nguyên đán. Bên các ca máy, công nhân sản xuất những tấm Silic và lắp ráp pin năng lượng mặt trời.
Công nhân Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong, xã Đoan Bái (Hiệp Hoà) trở lại sản xuất sau Tết. |
Chị Nguyễn Thị Mai, công nhân Công ty cho biết: “Làm việc trong những ngày Tết, người lao động thường xuyên được lãnh đạo Công ty thăm hỏi, động viên, chế độ đãi ngộ cao nên ai cũng phấn khởi”. Năm nay, cùng với làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, Công ty tập trung sản xuất, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng 6 lần so với năm trước.
Tại Công ty cổ phần Việt Nam Sunergy, KCN Đình Trám (Việt Yên) có khoảng 300 công nhân ở lại làm việc trong những ngày Tết với kỳ vọng năm mới đạt kết quả sản xuất, kinh doanh cao hơn năm trước 10-15%.
Không chỉ các DN trong KCN, tại Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (TP Bắc Giang), hơn 600 công nhân của DN chia làm 3 ca, 4 kíp cũng làm việc xuyên Tết. Tất cả người lao động đều được đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe và đeo khẩu trang để phòng dịch. Ngày mùng 4 Tết, Công ty đã xuất kho chuyến hàng đầu tiên trong năm mới với gần 1 nghìn tấn Urê quy đổi, doanh thu khoảng 1,6 tỷ đồng. Năm nay, người lao động tiếp tục thi đua sản xuất, phấn đấu đạt doanh thu gần 4 nghìn tỷ đồng, thu nhập của người lao động tăng 15-18% so với năm trước.
Tương tự, tại Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong, xã Đoan Bái (Hiệp Hoà), ngay trong ngày đầu tiên làm việc có hơn 7,5 nghìn công nhân đi làm trở lại, đạt gần 100% tổng số lao động. Trong các phân xưởng, người lao động khẩn trương hoàn thiện sản phẩm cho lô hàng xuất khẩu đầu năm theo đơn hàng đã ký. Để bảo đảm kế hoạch sản xuất, ngày 7/2, Công ty nhập gần 30 container nguyên liệu. Được biết, trong tháng 1, Công ty đã xuất khẩu hàng triệu sản phẩm, kim ngạch xuất khẩu đạt 30 triệu USD. Dự kiến trong tháng 2, kim ngạch xuất khẩu của DN đạt khoảng 25 triệu USD.
Theo ngành chức năng, tháng 1 năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt gần 36 nghìn tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, phấn đấu cả năm đạt hơn 300 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước.
Kịp thời gieo cấy lúa xuân
Sáng 6/2, mặc cho mưa, rét nhưng cán bộ, công nhân Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Nam Cầu Sơn (Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Sông Thương) có mặt tại Trạm bơm Lạc Gián - Miếu Cụ thuộc xã Xuân Phú (Yên Dũng) từ sớm, vận hành hai máy bơm cấp nước cho nông dân xuống đồng gieo cấy vụ chiêm xuân. Nước vừa bơm vào kênh chính, Ban Quản lý các thôn: Xuân Trung, Xuân Thượng, Nam Phú, Đình Phú và Đông Phú (cùng xã Xuân Phú) lập tức cử người mở cửa van dẫn nước về đồng, không để nông dân chờ nước.
Ban Quản lý thôn Nam Sơn, xã Xuân Phú mở van, lấy nước từ kênh chính về đồng. |
Vừa vận chuyển mạ lên bờ, anh Hoàng Văn Bộ, thôn Xuân Thượng chia sẻ: "Vụ này, gia đình tôi cấy hai mẫu, trong đó có một mẫu cấy giống nếp cái hoa vàng, còn lại cấy lúa thơm. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, từ mùng 4 Tết, gia đình đã xuống đồng, cấy được 5 sào lúa nếp. Với diện tích lúa nếp còn lại, chúng tôi sẽ hoàn thành trong một, hai ngày tới và gieo cấy diện tích còn lại xong trước 20/2".
Vụ chiêm xuân năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 48,2 nghìn ha lúa, trong đó 97% là trà xuân muộn. Cùng với khó khăn do giá giống, vật tư tăng, nông dân còn gặp thách thức lớn khi mực nước các hồ chứa chỉ đạt 60-70% dung tích, thậm chí có hồ chỉ đạt khoảng 20%.
Để chủ động nguồn nước, ngay những ngày đầu năm mới, các trạm bơm vận hành hàng chục máy bơm dọc hệ thống các sông, tập trung lấy nước, trữ nước vào kênh mương thủy lợi nội đồng. Đến ngày 6/2, tổng diện tích canh tác vụ chiêm xuân trên địa bàn đã có nước gần 17,7 nghìn ha, bằng 36,71% kế hoạch sản xuất.
Nông dân thôn Xuân Trung, xã Xuân Phú (Yên Dũng) làm đất gieo cấy lúa xuân. |
Ghi nhận thực tế, ngay sau khi nước về, nông dân một số địa phương như: Tân Yên, Yên Dũng, Yên Thế, Lục Nam... xuống đồng gieo cấy ngay trong những ngày đầu năm, có nơi người dân ra đồng từ mùng 3 Tết. Với khí thế lao động khẩn trương, toàn tỉnh đã cày ải được 36,4 nghìn ha, gieo cấy hơn 1,4 nghìn ha.
Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, chúng tôi thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, hướng dẫn người dân thu hoạch cây vụ đông, sản xuất vụ chiêm xuân, không gieo cấy khi nhiệt độ xuống thấp. Với diện tích đã bơm nước, người dân cần có biện pháp gia cố bờ vùng, bờ thửa và làm đất, đổ ải để giữ nước trên đồng ruộng, không để lãng phí hay thiếu nước gieo cấy".
Năm 2022, dự báo sản xuất công nghiệp, nông nghiệp của tỉnh vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19 song với sự nỗ lực thích ứng, quyết tâm ra quân sản xuất ngay từ đầu năm sẽ là động lực để DN, người dân hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Bài, ảnh: Minh Linh - Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)