Kết quả giải quyết kiến nghị của Ủy ban MTTQ, các Ban của HĐND tỉnh và cử tri trước và sau kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh khoá XVIII
Cử tri TP Bắc Giang nêu kiến nghị với đại biểu HĐND tỉnh tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 21-6-2017. Ảnh tư liệu. |
Ngoài các vấn đề đã được giải trình trực tiếp tại kỳ họp thứ Hai, HĐND tỉnh khóa XVIII và trả lời trực tiếp bằng văn bản đến cử tri, UBND tỉnh phân loại, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị với 59 nội dung và báo cáo kết quả giải quyết trên các lĩnh vực, cụ thể như sau:
- Lĩnh vực Nông nghiệp - Nông thôn: 17 nội dung;
- Lĩnh vực Công thương: 01 nội dung;
- Lĩnh vực Giao thông - Xây dựng: 06 nội dung;
- Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường: 19 nội dung;
- Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội: 07 nội dung;
- Lĩnh vực Nội chính - Tư pháp: 09 nội dung.
I. LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP - NÔNG THÔN (17 nội dung) cụ thể như sau:
1. Cử tri huyện Sơn Động đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra việc triển khai thực hiện các dự án, trong đó có dự án về đường giao thông thuộc Ban Quản lý di dân tái định cư TB1 thực hiện tại các xã Quế Sơn, Phúc Thắng, Thạch Sơn, vì các dự án triển khai chậm, thời gian thi công kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Do vốn T.Ư bố trí cho dự án gặp khó khăn nên UBND tỉnh đề nghị gia hạn dự án và đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm 2017. UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị T.Ư bố trí vốn hỗ trợ và sẽ tiếp tục triển khai thực hiện dự án khi được T.Ư cấp kinh phí.
2. Cử tri huyện Sơn Động đề nghị: Tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng đầu nguồn (rừng phòng hộ) đủ diện tích, ổn định và hỗ trợ sớm ngay từ đầu năm.
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng hơn 58.000 ha rừng tự nhiên (trong đó có rừng phòng hộ). Trong những năm qua, UBND tỉnh luôn quan tâm hỗ trợ kinh phí bảo vệ diện tích rừng này, song do nguồn vốn ngân sách T.Ư và ngân sách tỉnh còn hạn chế, do vậy mới đảm bảo hỗ trợ được 50% diện tích. Trước mắt để khắc phục, UBND tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu xây dựng “Quy định về mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên tỉnh Bắc Giang” để trình UBND tỉnh thông qua trong tháng 7/2017. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh sẽ cân đối và bố trí nguồn vốn hỗ trợ ổn định hằng năm và đúng thời gian quy định. Đồng thời, UBND tỉnh đã báo cáo các Bộ, ngành T.Ư và xem xét bố trí các nguồn vốn khác để tập trung hỗ trợ.
3. Cử tri huyện Lục Ngạn đề nghị: UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ kinh phí, xây dựng các dự án hỗ trợ giống, phân bón để phát triển rừng cho nhân dân các xã nghèo, khó khăn, đồng bào dân tộc của huyện Lục Ngạn.
Thực hiện các chính sách trong bảo vệ và phát triển rừng, nhiều năm qua, huyện Lục Ngạn đã được nhà nước đầu từ hỗ trợ nhân dân trồng rừng thông qua một số chương trình dự án như: Dự án Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bắc Giang; Dự án trồng rừng môi trường của Nhật Bản; Đề án hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số tự nguyện chuyển đổi nương rẫy sang trồng rừng trên địa bàn 10 xã khó khăn của huyện... Riêng năm 2017, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí 1,2 tỷ đồng và huyện Lục Ngạn bố trí ngân sách khoảng 900 triệu đồng, hỗ trợ gạo cho 2.091 hộ dân trồng rừng.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ chưa đáp ứng được yêu cầu do nguồn ngân sách còn khó khăn. Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương tranh thủ nguồn ngân sách hỗ trợ của T.Ư cùng với nguồn ngân sách tỉnh để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển rừng trên địa bàn tỉnh nói chung và tại địa bàn huyện Lục Ngạn nói riêng.
4. Cử tri huyện Lục Ngạn đề nghị: UBND tỉnh có cơ chế kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư tại Lục Ngạn để phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người lao động (chú trọng các dự án: Sản xuất, chế biến nông - lâm sản, công nghiệp phụ trợ cho tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả, các nhà máy tạo được nhiều lao động nông thôn).
Hiện nay, cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, các luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo quy định tại Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 11/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, huyện Lục Ngạn nằm trong danh mục địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn, các dự án đầu tư tại địa bàn huyện sẽ được hưởng các ưu đãi về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu. Để tận dụng lợi thế thu hút đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Lục Ngạn tạo quỹ đất, thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để xây dựng các cụm công nghiệp và hạ tầng giao thông, điện, nước,... quan tâm thu hút các dự án trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông, lâm sản, công nghiệp phụ trợ sản phẩm cây ăn quả và các dự án sử dụng nhiều lao động vào địa bàn huyện.
5. Cử tri huyện Lục Ngạn đề nghị: Nhu cầu trồng mới, thay thế giống cây ăn quả có múi (cam, bưởi) tại Lục Ngạn là khá lớn, xong hiện nay các cơ cở sản xuất, cung cấp giống do cơ quan Nhà nước quản lý trong tỉnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, hầu hết người dân tự sản xuất, nhân giống để bán mà chất lượng chưa được kiểm nghiệm, nguy cơ gây hậu quả xấu cho sản xuất là rất lớn. Đề nghị UBND tỉnh xem xét có chính sách đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống cây ăn quả tập trung, phục vụ cho sản xuất của nông dân.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có Trung tâm Giống cây trồng đủ điều kiện để sản xuất nhân giống cây có múi (cam, bưởi); tuy nhiên, lượng giống cây ăn quả có múi cung ứng chỉ đáp ứng được phần nhỏ so với nhu cầu thực tế. Để khắc phục tình trạng trên UBND tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Giống cây trồng nâng cao năng lực cung ứng giống phục vụ cho sản xuất cây ăn quả, cây có múi của tỉnh; yêu cầu huyện Lục Ngạn xây dựng các hợp tác xã xuất giống cây ăn quả, phối hợp với các viện, trung tâm nghiên cứu để nhân các giống cây ăn quả bảo đảm chất lượng phục vụ nhu cầu tại chỗ; đồng thời, chỉ đạo kiểm tra các cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả bảo đảm điều kiện và tiêu chuẩn theo đúng quy định, tuyên truyền vận động nhân dân mua cây giống tại các cơ sở sản xuất đủ điều kiện và tiêu chuẩn chất lượng.
6. Cử tri huyện Lục Ngạn đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cây có múi của Lục Ngạn.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND huyện Lục Ngạn và các đơn vị liên quan xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản của huyện Lục Ngạn, trong đó có sản phẩm cây có múi (cam, bưởi...). Ngày 21/01/2017, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức khảo sát tại huyện Lục Ngạn để xem xét, quyết định.
7. Cử tri huyện Lục Ngạn đề nghị: UBND tỉnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại (từ nguồn kinh phí của tỉnh) hỗ trợ Lục Ngạn trong việc tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả.
Hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều, từ năm 2015 đến năm 2017 tỉnh đã phân bổ hơn 5,8 tỷ đồng kinh phí từ ngân sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản, tập trung thực hiện một số nội dung: Tổ chức ngày hội trái cây, các hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại huyện Lục Ngạn; tổ chức hội nghị với các tỉnh có cửa khẩu là Lào Cai, Lạng Sơn để gặp gỡ, kết nối các doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc với doanh nghiệp, thương nhân Việt Nam; tổ chức kết nối với TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... tạo hiệu ứng mạnh mẽ, giúp việc tiêu thụ vải thiều thuận lợi (1).
8. Cử tri huyện Lục Nam đề nghị: Chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới cần có trọng tâm, trọng điểm; tăng mức hỗ trợ cho các xã chuẩn bị về đích nông thôn mới để tập trung nguồn lực bảo đảm về đích theo kế hoạch, không dàn trải như năm 2016.
Từ năm 2017, UBND tỉnh thực hiện phân bổ nguồn vốn ngân sách T.Ư theo hướng tập trung, ưu tiên nguồn vốn cho các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, xã đạt trên 15 tiêu chí nông thôn mới, bảo đảm tổng mức vốn ngân sách T.Ư cho các xã trong giai đoạn 2016-2020 theo đúng các nguyên tắc hỗ trợ. Đối với các xã xác định đạt chuẩn nông thôn mới trong năm kế hoạch, ngoài mức vốn ngân sách T.Ư quy định, sẽ tập trung ngân sách tỉnh để hỗ trợ.
9. Cử tri các xã Cảnh Thụy, Đức Giang, huyện Yên Dũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
Công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong những năm qua đã được tỉnh quan tâm, tuy nhiên phần nào chưa đáp ứng được nhu cầu, thực tiễn trong sản xuất. Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở: Nông nghiệp và PTNT, Khoa học và Công nghệ, UBND các huyện, TP thực hiện nâng cao trình độ cán bộ chuyên môn, đổi mới phương pháp, đáp ứng yêu cầu, chất lượng công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.
10. Cử tri huyện Việt Yên phản ánh: Diện tích sản xuất được công nhận sản phẩm rau, củ, quả an toàn và sạch rất ít trong khi nhu cầu sử dụng rau, củ, quả được công nhận an toàn và sạch của nhân dân trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng có những giải pháp phát triển các loại rau, củ quả an toàn và sạch trong thời gian tới.
Trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cụ thể: UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển rau an toàn tiêu chuẩn VietGAP, giai đoạn 2016-2020; ban hành Kế hoạch số 211/KH-UBND ngày 30/9/2016 về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, giai đoạn 2016-2020; tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 46/2016/NQ-HĐND ngày 21/12/2016 quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2017-2020; đồng thời, tiếp tục duy trì các chính sách về dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu và chỉ đạo các ngành chức năng làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân sản xuất sản phẩm an toàn; tổ chức xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn nhằm khuyến khích các hộ nông dân, hợp tác xã chủ động áp dụng kỹ thuật để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
11. Cử tri trong tỉnh đề nghị: Xem xét lại việc thực hiện hỗ trợ vắc xin thú y kịp thời, tránh tình trạng như hiện nay cứ cấp hỗ trợ nhưng lúc cần thì không có, lúc có thì không cần.
Việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi là trách nhiệm của các hộ chăn nuôi, do nguồn ngân sách khó khăn nên hằng năm tỉnh chỉ hỗ trợ một phần kinh phí để mua vắc xin phòng, chống các bệnh nguy hiểm và khi có dịch bệnh xảy ra. Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí dự phòng cho năm 2018 và những năm tiếp theo bảo đảm cung ứng kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.
12. Cử tri huyện Lục Nam phản ánh: Hiện nay nguồn nước sạch do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thiên Bảo Sơn cung cấp cho thị trấn Lục Nam không bảo đảm chất lượng, giá nước sinh hoạt quá cao. Đề nghị UBND tỉnh chuyển giao việc quản lý trạm nước nước sạch và cung cấp nước sạch cho đơn vị khác thực hiện.
Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành xác minh, làm rõ:
- Về chất lượng nước của công trình: Công ty chưa thực hiện việc kiểm tra chất lượng nước theo quy định của Bộ Y tế. Theo kết quả ngoại kiểm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh số 710/HLN/YTDPBG ngày 25/8/2016, các chỉ tiêu chính của mẫu nước đều đạt theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước sinh hoạt của Bộ Y tế, chỉ có hàm lượng Clo dư vượt quá quy chuẩn cho phép.
- Về giá bán nước: Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thiên Bảo Sơn đã trình hồ sơ đề nghị phê duyệt giá nước và được Hội đồng thẩm định giá trình UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 165/QĐ-UBND ngày 24/3/2016; qua kiểm tra thực tế, giá nước Công ty đang thu với 10m3 đầu tiên là 5.900 đồng/m3, đúng quy định.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với địa phương làm việc với Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thiên Bảo Sơn và yêu cầu Công ty cam kết thực hiện việc kiểm tra chất lượng nước theo đúng quy định của Bộ Y tế, khẩn trương tập trung đầu tư mở rộng phạm vi cấp nước theo nhu cầu của nhân dân. Nếu Công ty không thực hiện theo đúng cam kết UBND tỉnh sẽ thu hồi để giao cho doanh nghiệp khác có đủ năng lực để đầu tư và quản lý.
13. Cử tri xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa đề nghị: UBND tỉnh yêu cầu nhà thầu tiếp tục thi công công trình nhà máy nước xã Xuân Cẩm, vì công trình đã được bàn giao cho Công ty Đồng Xanh từ năm 2013 đến nay chưa hoàn thành, hiện tại đang dừng thi công từ cuối năm 2014 đến nay.
Ngày 28/10/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 631/QĐ-UBND thu hồi và bàn giao công trình cho Công ty TNHH nước sạch Hiệp Phát quản lý, đầu tư xây dựng thêm các hạng mục công trình và đã cấp nước từ tháng 01/2017, Công ty đã lắp đặt đồng hồ đo nước cho 700 hộ dân thôn Cẩm Bào và Xuân Biều; dự kiến đến hết tháng 9/2017, Công ty hoàn thiện các công việc còn lại của dự án và cấp nước ổn định cho nhân dân trong xã.
14. Cử tri huyện Lục Nam đề nghị: Xem xét trách nhiệm của Công ty TNHH Khai thác công trình thủy nông Cầu Sơn trong việc duy tu, bảo dưỡng, quản lý khai thác hệ thống kênh mương, hồ đập vì hiện nay nhiều nơi không đáp ứng được yêu cầu tưới tiêu, ảnh hưởng đến sản xuất của nhân dân.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Công ty Cầu Sơn đầu tư kinh phí sửa chữa, nạo vét các tuyến kênh, hồ đập Công ty quản lý, đáp ứng yêu cầu tưới tiêu của nhân dân (năm 2016, đã thực hiện nạo vét 14,77 km, năm 2017 là 10,24 km). Đồng thời, chỉ đạo Công ty lập dự án cải tạo, nâng cấp các kênh tưới với tổng mức đầu tư 20,0 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi.
UBND tỉnh đã làm việc với Công ty TNHH một thành viên Khai thác CTTL Cầu Sơn và kiểm điểm trách nhiệm đối với một số tồn tại, hạn chế trong việc duy tu, bảo dưỡng, quản lý khai thác hệ thống kênh mương, hồ đập (tại Thông báo kết luận số 152/TB-UBND của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái); đồng thời, yêu cầu Công ty xây dựng Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2017 - 2020, trong đó có các nội dung liên quan đến công tác duy tu, bảo dưỡng, quản lý khai thác hệ thống kênh mương, hồ đập và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2216/QĐ-UBND ngày 30/12/2016.
15. Cử tri huyện Lục Nam phản ánh: Đập Đá Húc ở xã Bình Sơn, huyện Lục Nam đã khảo sát nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được khởi công sửa chữa, nâng cấp. Đề nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo triển khai để phục vụ nhu cầu sản xuất của nhân dân.
UBND tỉnh đã giao UBND huyện Lục Nam lập dự án cải tạo, nâng cấp hồ chứa nước Đá Húc, xã Bình Sơn, huyện Lục Nam với tổng mức đầu tư khoảng 110 tỷ đồng và đề nghị đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách T.Ư và tỉnh gặp nhiều khó khăn, do vậy chưa thể thực hiện đầu tư. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục báo cáo các bộ, ngành T.Ư và xem xét bố trí các nguồn vốn đầu tư dự án.
16. Cử tri xã Hợp Thịnh, Châu Minh, Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa; xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên đề nghị đề nghị: Tu bổ nâng cấp mặt đê sông Cầu chảy qua địa bàn các xã, vì hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng.
Tuyến đê tả Cầu qua địa phận huyện Hiệp Hòa và Việt Yên là đê cấp III, một số đoạn đã được cứng hóa phục vụ tốt cho công tác phòng, chống lụt bão và đi lại của nhân dân trong vùng, tuy nhiên, vẫn còn nhiều đoạn đường trên đê xuống cấp như phản ánh của cử tri. UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đầu tư nâng cấp tuyến đê trên, do chưa được T.Ư bố trí vốn, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch duy tu trong năm 2017 rải cấp phối mặt đê bằng đá dăm kẹp đất một số đoạn nhằm bảo đảm việc đi lại của nhân dân.
17. Cử tri huyện Tân Yên phản ánh: Việc nâng cấp tuyến đê dọc sông Thương đã được làm đến khu vực Liên Chung. Riêng xã Hợp Đức đoạn đê từ Lục Liễu đến Cửa Sông chưa được nâng cấp nên chưa bảo đảm đê bao và giao thông đi lại của người dân. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm, giải quyết.
Đoạn đê khu vực từ K2+000-K5+300 thuộc xã Hợp Đức theo ý kiến cử tri phản ánh đã được rải cấp phối mặt đê bằng đá dăm kẹp đất hoàn thành vào tháng 9/2016, việc đi lại của nhân dân khá thuận lợi. Năm 2017, UBND tỉnh đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp kinh phí rải cấp phối mặt đê bằng đá dăm kẹp đất đoạn K0+000-K0+100 xã Phúc Hoà và gia cố mặt đê bằng bê tông các đoạn K5+300-K5+700 xã Hợp Đức, tu sửa các tấm bê tông bị vỡ nát đoạn K8+900-K9+450 xã Liên Chung, đoạn K18+850-K19+336 xã Việt Lập.
II. LĨNH VỰC CÔNG THƯƠNG (01 nội dung) cụ thể như sau:
1. Cử tri thị trấn Neo, huyện Yên Dũng phản ánh: Hiện nay cây xăng thị trấn Neo và kho Vật tư đặt ở gần trường THCS là không hợp lý, có nguy cơ mất an toàn. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, di dời đến vị trí thích hợp.
Cửa hàng xăng dầu của Công ty Xăng dầu Hà Bắc nằm tại tiểu khu 3, thị trấn Neo gần Trường THCS Yên Dũng, do lịch sử để lại cửa hàng xăng dầu và Trường THCS có từ trước khi thành lập thị trấn Neo (tháng 8-1994). Việc cử tri đề nghị cơ quan có thẩm quyền di dời cây xăng gần trường THCS là nguyện vọng chính đáng. Để bảo đảm an toàn cháy nổ và mỹ quan đô thị, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Công thương chỉ đạo Công ty Xăng dầu Hà Bắc tìm vị trí khác để di dời.
III. LĨNH VỰC GIAO THÔNG - XÂY DỰNG (06 nội dung), cụ thể như sau:
1. Cử tri các huyện Lục Ngạn, Hiệp Hoà, Yên Thế, Tân Yên phản ánh: Hiện nay các tuyến đường giao thông do tỉnh quản lý như: ĐT289, ĐT248 – huyện Lục Ngạn; ĐT288 (Thắng – Gầm), ĐT296 – huyện Hiệp Hoà; ĐT292 – huyện Yên Thế; ĐT294 (đoạn từ xã Nhã Nam đến xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên)... đã bị hư hỏng, xuống cấp, thiếu rãnh thoát nước. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục có biện pháp cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bổ sung rãnh thoát nước đối với các tuyến đường trên để bảo đảm giao thông đi lại cho nhân dân.
Phản ánh của cử tri là đúng. Tuy nhiên, ngoài tuyến ĐT288 (Thắng – Gầm, huyện Hiệp Hoà) đã có kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp theo Dự án đường Vành đai IV Hà Nội (dự kiến khởi công cuối năm 2017), các tuyến đường khác đều không nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016-2020 do vậy trong thời gian tới sẽ chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Hằng năm, tỉnh đều bố trí kinh phí để thực hiện cho công tác bảo trì; song, do nguồn vốn hạn hẹp nên chỉ đáp ứng được một phần so với nhu cầu sửa chữa. Năm 2017, tỉnh đã bố trí 60,34 tỷ đồng để thực hiện bảo trì các tuyến đường do tỉnh quản lý. Trong đó thực hiện sửa chữa nền, mặt đường và bổ sung rãnh thoát nước tại các tuyến ĐT289, ĐT248, ĐT288, ĐT292, ĐT294, dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2017. Riêng tuyến ĐT296 chưa thực hiện bổ sung rãnh trong năm 2017 được, UBND tỉnh sẽ xem xét đưa vào kế hoạch sửa chữa trong thời gian tới.
2. Cử tri huyện Lục Ngạn phản ánh: Tình trạng xe quá tải, quá khổ, đặc biệt trong vụ thu hoạch vải thiều tại quốc lộ 31 khiến giao thông ùn tắc, cục bộ kéo dài và thường xuyên diễn ra hằng năm đã gây nhức nhối trong dư luận xã hội; hệ thống cống thoát nước dọc tuyến đường quốc lộ 31 đã xuống cấp, gây ngập úng vào mùa mưa. Đề nghị UBND tỉnh báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải đầu tư nâng cấp, sữa chữa, mở rộng quốc lộ 31, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển KT-XH các huyện: Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam và giao thông đi lại của nhân dân.
UBND tỉnh đã báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải về chủ trương tiếp tục triển khai thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 31 đoạn TP Bắc Giang - Chũ, theo hình thức hợp đồng BOT và đã được chấp thuận. Hiện nay, UBND tỉnh đang tổ chức lấy ý kiến tham vấn làm cơ sở để Bộ Giao thông - Vận tải xem xét, quyết định. Trường hợp, dự án BOT không được triển khai, UBND tỉnh sẽ có ý kiến với Bộ Giao thông - Vận tải để có kế hoạch từng bước cải tạo, nâng cấp tuyến đường. Trước mắt sẽ tập trung cho công tác bảo trì để bảo đảm giao thông trên tuyến. Năm 2017, Quỹ bảo trì đường bộ T.Ư đã bố trí 35 tỷ đồng để sửa chữa một số đoạn hư hỏng nặng trên địa bàn huyện Lục Ngạn và Sơn Động (Km38+600-Km42+500 và Km68+100-Km69+220). Hiện nay, công trình đã khởi công, dự kiến thi công hoàn thành trong tháng 10/2017.
Ngày 19-5-2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1619/KH-UBND yêu cầu các ngành Giao thông - Vận tải, Công an tỉnh, UBND các huyện, TP và các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ, tập trung quyết liệt kiểm soát xe quá khổ, quá tải; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm gây cản trở giao thông, ùn tắc giao thông. Bảo đảm duy trì hoạt động giao thông được an toàn, thông suốt; phục vụ và tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho hoạt động sản xuất và đi lại của nhân dân.
3. Cử tri xã Hợp Đức, xã Cao Xá, huyện Tân Yên phản ánh: Trên tuyến đường tỉnh 295 đoạn từ xã Cao Thượng đến xã Hợp Đức xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cho cắm bổ sung biển báo, lắp đặt biển cảnh báo giao thông, gờ giảm tốc ở một số vị trí cần thiết nhằm hạn chế tai nạn xảy ra trên tuyến đường trên.
Năm 2017, UBND tỉnh bố trí kinh phí 2 tỷ đồng để sửa chữa, bổ sung hoàn thiện hệ thống biển báo hiệu đường bộ trên các tuyến đường tỉnh; dự kiến triển khai và hoàn thành trong tháng 9/2017, trong đó có biển báo trên tuyến đường tỉnh 295 đoạn từ xã Cao Thượng đến xã Hợp Đức.
4. Cử tri xã Quang Tiến, huyện Tân Yên phản ánh: Hiện nay nhân dân có giấy phép lái xe mô tô ghi là không thời hạn, nhưng vẫn yêu cầu nhân dân phải đổi giấy phép lái xe sang chất liệu PET, nếu không đổi khi kiểm tra còn sử dụng giấy phép lái xe bằng giấy bìa sẽ bị xử phạt; khi cấp đổi việc thu lệ phí ở các bưu điện tỉnh, huyện có giá phí thu khác nhau, không đồng nhất. Đề nghị tỉnh kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Vừa qua, Bộ Giao thông - Vận tải đã ban hành Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, theo đó quy định “việc đổi giấy phép lái xe bằng giấy bìa sang giấy phép lái xe bằng vật liệu PET được khuyến khích thực hiện trước ngày 31/12/2020”. Như vậy, không quy định bắt buộc như quy định tại Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT.
Hiện nay, cước dịch vụ tiếp nhận, chuyển phát hồ sơ và trả kết quả cấp đổi giấy phép lái xe được áp dụng thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh, với mức giá quy định tại Quyết định số 48/QĐ-BĐGT ngày 15/3/2017 của Giám đốc Bưu điện tỉnh Bắc Giang, cụ thể: Giá dịch vụ một chiều: Nội tỉnh là 30.000 đồng; liên tỉnh là 55.000 đồng; giá dịch vụ hai chiều: Nội tỉnh là 60.000 đồng; liên tỉnh là 80.000 đồng.
5. Cử tri xã Hồng Thái, huyện Việt Yên đề nghị: Có biển báo hoặc đèn tín hiệu giao thông tại nút giao thông ngã tư Đình Trám để bảo đảm an toàn giao thông.
Hiện nay, hệ thống biển báo, vạch sơn kẻ đường tại vị trí nút giao đã được bố trí lắp đặt đầy đủ theo quy định. Riêng hệ thống đèn tín hiệu giao thông sẽ đề nghị bổ sung vào Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 37 đoạn qua địa bàn huyện Việt Yên, dự kiến khởi công trong năm 2018.
6. Cử tri xã Nghĩa Hoà, huyện Lạng Giang đề nghị: Nâng cấp cống Cầu Đấp, thôn Hạ chảy qua đường tỉnh 292 sang xã An Hà. Hiện nay cống quá nhỏ khi mưa to gây ngập úng cục bộ ảnh hưởng đến sản xuất, giao thông đi lại của nhân.
Qua kiểm tra thực tế, vị trí cống cử tri đề nghị có đường kính D800 còn tốt. Tuy nhiên, để bảo đảm thoát nước khi mưa to, Sở Giao thông - Vận tải đã có kế hoạch bổ sung xây dựng thêm 01 vị trí cống mới với đường kính D1.000 bằng kinh phí cân đối từ nguồn vốn bảo trì đường bộ 2017, thi công và hoàn thành trong quý III/2017.
IV. LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG (19 nội dung) cụ thể như sau:
1. Cử tri huyện Lục Nam đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm phối hợp thực hiện thủ tục đề nghị Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 - Bộ Quốc phòng bàn giao 1,9 ha đất không sử dụng tại khu vực Dốc Bốt- thôn Chính Thượng, xã Lan Mẫu cho UBND xã Lan Mẫu để xây dựng trường mầm non. (Quân đoàn 2 đã có văn bản đồng ý từ năm 2013 nhưng đến nay chưa tiến hành bàn giao).
Theo ý kiến của Bộ Quốc phòng tại Công văn số 15/BQP-TM ngày 03/01/2017, Bộ Quốc phòng chưa nhận được báo cáo của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 về việc bàn giao 1,9 ha đất nêu trên cho địa phương và chưa có ý kiến chính thức về nội dung này. Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì làm việc với UBND huyện Lục Nam, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 để lập hồ sơ đề nghị Bộ Quốc phòng bàn giao đất cho địa phương quản lý (hiện nay chưa đủ căn cứ thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai).
2. Cử tri huyện Lục Nam đề nghị: Đẩy nhanh tiến độ cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) theo dự án của Sở Tài nguyên và Môi trường (có nhiều xã, thị trấn đã đo đạc địa chính, hoàn chỉnh hồ sơ xong hai năm nhưng đến nay vẫn chưa được cấp đổi giấy chứng nhận mới).
Hiện nay trên địa bàn huyện Lục Nam có 9 đơn vị tư vấn đo đạc, lập hồ sơ địa chính trên địa bàn 14/27 xã, thị trấn, đến nay cơ bản đã hoàn thành việc kiểm tra, nghiệm thu lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ của 10/14 xã, kê khai được 25.534 hồ sơ cấp GCN QSDĐ, đã hoàn thành việc xét duyệt 15.615 hồ sơ, đã in 12.358 GCNQSDĐ và UBND huyện Lục Nam đã ký được khoảng 50% số giấy chứng nhận nhưng chưa bàn giao cho UBND các xã.
Phản ánh của cử tri về kê khai đăng ký cấp GCNQSDĐ trên địa bàn huyện Lục Nam còn chậm là đúng. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Lục Nam đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, khẩn trương bàn giao GCNQSDĐ đã ký cho người sử dụng đất.
3. Cử tri huyện Lục Nam phản ánh: Thủ tục xác nhận quyền sử dụng đất ở, nhà và tài sản trên đất đối với các hộ gia đình ở nông thôn phục vụ vay vốn ngân hàng từ 100 triệu đồng trở lên để phát triển sản xuất đang gây khó khăn và ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn của nhân dân. Đề nghị ngành chức năng có giải pháp tháo gỡ.
Phản ánh của cử tri là đúng. Hiện nay, do thủ tục xác nhận quyền sở hữu nhà và tài sản trên đất đối với các hộ gia đình ở nông thôn là vấn đề phức tạp, phần lớn công trình không có giấy phép xây dựng. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND các huyện tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất liên Sở Xây dựng-Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Hướng dẫn số 37/HDLS: XD-TNMT ngày 21/4/2017 hướng dẫn xác nhận hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng để lập thủ tục chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất.
4. Cử tri huyện Lục Nam đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan quản lý tốt việc khai thác khoảng sản, tài nguyên trên địa bàn tỉnh (nhất là vấn đề khai thác cát, than). Việc các công ty khai thác than có biểu hiện khai thác không đúng với quy hoạch đã được cấp phép và thường xuyên để xảy ra mất an toàn lao động, gây chết người (như Công ty CPTM Bắc Giang khai thác than ở xã Lục Sơn gây chết một lao động người xã Bình Sơn, tháng 9/2016); mật độ khai thác cát sỏi lòng sông cao, không đúng quy định dẫn đến sạt lở đường, trạm máy bơm, ruộng của nhân dân các xã ven sông như: Huyền Sơn, Cương Sơn, Tiên Nha, Tiên Hưng. Đặc biệt khu vực thôn Vũ Trù Làng, xã Vũ Xá, thôn Chiền, xã Đan Hội, tàu hút cát sát khu dân cư bên bờ sông gây bức xúc trong nhân dân.
- Đối với việc khai thác than: Thời gian quan UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; chỉ đạo Sở Công thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm tra việc thực hiện thiết kế mỏ, chấp hành quy định về an toàn lao động trong khai thác than. Tình hình sản xuất than trên địa bàn tỉnh ổn định, không có diễn biến phức tạp.
- Đối với việc kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông tại các xã ven sông huyện Lục Nam: Thời gian qua tình hình vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác cát sỏi và nạo vét tuyến luồng đường thủy nội địa trên địa bàn huyện Lục Nam có diễn biến phức tạp, xuất hiện một số điểm nóng, gây bức xúc trong nhân dân, điển hình như ở xã Vũ Xá, xã Đan Hội. Qua kiểm tra cho thấy một số đơn vị vi phạm (như HTX khai thác, kinh doanh VLXD Yên Sơn, Công ty TNHH một thành viên Xây dựng Đông Bắc Bộ). Nguyên nhân là có hiện tượng buông lỏng trong quản lý của cơ sở, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cơ quan chuyên môn của tỉnh, Công an tỉnh với UBND huyện và xã trong quản lý hoạt động khai thác cát sỏi, bãi tập kết ven sông.
Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện chấn chỉnh, khắc phục; xác định tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển, tập kết và kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2017.
Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu HTX khai thác, kinh doanh VLXD Yên Sơn dừng hoạt động từ tháng 3/2017, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 120 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản 3 tháng đối với đơn vị này.
Theo đề nghị của UBND tỉnh, Bộ Giao thông - Vận tải đã có Công văn số 4995/BGTVT ngày 11/5/2017 trong đó có nội dung giao Cục đường thủy Nội địa chấm dứt thực hiện dự án của Công ty TNHH một thành viên Xây dựng Đông Bắc Bộ và kiểm tra lại toàn bộ dự án nạo vét tuyến luồng đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.
5. Cử tri huyện Lục Nam đề nghị: UBND tỉnh phân cấp thẩm quyền hạ thấp mặt bằng cho UBND huyện để tránh phiền hà cho người dân trong việc hạ thấp mặt bằng để phục vụ nhu cầu làm nhà ở.
Theo Quyết định số 265/2014/QĐ-UBND ngày 19/5/2014 của UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý, khai thác, vận chuyển đất đắp nền công trình xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản chấp thuận cho san gạt mặt bằng, hạ cốt nền đối với hộ gia đình, cá nhân với khối lượng <3.000 m3. Chủ tịch UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật về khoáng sản và xem xét kiến nghị của cử tri về việc phân cấp cho Chủ tịch UBND huyện chấp thuận san gạt mặt bằng, hạ cốt nền phục vụ nhu cầu làm nhà ở của hộ gia đình, cá nhân trong thời gian tới.
6. Cử tri xóm 3, thôn Đa Hội, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa phản ánh: Năm 2015, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 404/2015/QĐ-UBND về việc cấp phép cho Công ty TNHH Linh Hải khai thác bãi soi thôn Đa Hội. Đây là dự án chưa được nhân dân đồng thuận, còn nhiều bức xúc trong nhân dân, nếu khai thác sẽ nguy hiểm đến đời sống của nhân dân, có thể sạt lở vào khu dân cư của thôn Đa Hội. Đề nghị nếu tiến hành giải phóng mặt bằng thì phải tổ chức họp dân.
Khu vực UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản (cát, sỏi) cho Công ty TNHH Linh Hải cách đê tả Cầu khoảng 1 km, đã được các cơ quan liên quan xem xét khả năng ảnh hưởng đến thoát lũ, đê điều và khu dân cư của thôn Đa Hội trước khi ban hành Quyết định số 404/QĐ-UBND ngày 15/9/2015. Công ty TNHH Linh Hải đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã, thôn Đa Hội thực hiện giải phóng mặt bằng, đến nay đã có 357/399 hộ gia đình, cá nhân có đất đồng thuận với tổng diện tích 4,3/5 ha, còn 42 trường hợp chưa đồng thuận (mặc dù đây là diện tích đất công ích do UBND xã Hợp Thịnh quản lý). Từ những kết quả nêu trên cho thấy nội dung phản ánh của cử tri xóm 3, thôn Đa Hội, xã Hợp Thịnh có cơ sở, nhưng chỉ là ý kiến của một số cá nhân.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra thực tế, làm việc với UBND xã Đa Hội và các đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu UBND huyện Hiệp Hòa chỉ đạo UBND xã Hợp Thịnh phối hợp với cấp ủy và các đoàn thể thôn Đa Hội tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, đất đai và các chủ trương, chính sách liên quan. Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 404/QĐ-UBND ngày 15/9/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh; đôn đốc, hướng dẫn Công ty TNHH xây dựng và thương mại Linh Hải hoàn thành các thủ tục về giải phóng mặt bằng, thuê đất theo quy định.
7. Cử tri xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa phản ánh: UBND tỉnh Bắc Giang có Quyết định số 555/QĐ-UBND ngày 22/9/2016 bổ sung thăm dò khai thác cát sỏi tại khu vực xã Hòa Sơn trong khi Đảng ủy, HĐND xã không có nghị quyết về vấn đề này. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, trả lời.
Theo quy định về lấy ý kiến quy hoạch khoáng sản tại điểm b, khoản 1 Điều 15 Luật Khoáng sản năm 2010, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xin ý kiến của UBND huyện Hiệp Hòa, UBND xã Hòa Sơn trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.
Sau khi nhận được ý kiến của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Hiệp Hòa làm việc với Đảng ủy, HĐND, UBND xã Hòa Sơn, kết quả cấp ủy, chính quyền xã Hòa Sơn đều nhất trí với phê duyệt bổ sung khu vực bãi soi Ông Xạ với tổng diện tích 5 ha vào Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi giai đoạn 2016-2020.
8. Cử tri xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa phản ánh: Việc Công ty TNHH Long Dương đề nghị UBND tỉnh, huyện cho phép triển khai dự án nuôi trồng thủy sản và khai thác cát sỏi ngoài bãi sông là không hợp lý vì nơi đây cách đê tả Cầu không xa, nơi gần nhất khoảng 150m. Thực chất đây chỉ là trá hình để khai thác cát sỏi là chính, đề nghị UBND tỉnh xem xét.
Vị trí Công ty TNHH phát triển xây dựng Long Dương được UBND tỉnh cấp phép thăm dò cát sỏi phù hợp với Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi tỉnh Bắc Giang đến năm 2020; khu vực được cấp phép nằm ở phía bên ngoài bờ sông, cách khu dân cư thôn Đồng Hòa, xã Hòa Sơn 220m, cách chân đê Tả Cầu từ 110m-130m và cách đường dân sinh từ 20m-30m; việc thăm dò cát, sỏi khu vực trên không ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ sông Cầu và khu dân cư ở phía hạ lưu sông.
Sau khi nhận được ý kiến của cử tri, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Hiệp Hòa làm việc với Đảng ủy, HĐND, UBND xã Hòa Sơn, Bí thư Chi bộ, Trưởng các thôn liên quan; kết quả cấp ủy, chính quyền địa phương nhất trí cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi tại khu vực bãi soi Ông Xạ, dự kiến mặt bằng sau khai thác cát, sỏi được sử dụng để nuôi trồng thủy sản nhưng đến nay UBND tỉnh chưa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nào.
Như vậy, việc cấp phép thăm dò khoáng sản cho Công ty TNHH phát triển xây dựng Long Dương là phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, theo đúng quy định của pháp luật về khoáng sản.
9. Cử tri các huyện Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng xem xét và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ các diện tích cấy lúa không ăn chắc sang nuôi trồng thủy sản, cây trồng hằng năm sang trồng cây lâu năm cho thu nhập kinh tế cao hơn.
Nhu cầu chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản của địa phương là chính đáng, góp phần tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc chuyển đổi phải cân đối các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt. Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố rà soát quy hoạch, cân đối các chỉ tiêu sử dụng đất và xây dựng kế hoạch, quy hoạch cụ thể, sát với điều kiện thực tế để trình Chính phủ phê duyệt.
10. Cử tri thôn Hùng Lãm 1,2,3 xã Hồng Thái, huyện Việt Yên đề nghị: UBND huyện, UBND tỉnh khi giải phóng, thu hồi 100% đất sản xuất của người dân để xây dựng khu đô thị Đình Trám - Sen Hồ cần có quy định tiêu chí đất dịch vụ cho người dân hoặc được mua 01 lô đất bằng giá sàn.
Dự án Khu đô thị Đình Trám-Sen Hồ thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 47/2014/NĐ- CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Từ khi thực hiện Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ Quy định một số điểm cụ thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (cụ thể tại Quyết định số 112/2009/QĐ-UBND ngày 28/10/2009) toàn tỉnh đã không còn hình thức hỗ trợ bằng giao đất ở, kinh doanh dịch vụ khi thu hồi đất nông nghiệp mà đã thực hiện bồi thường và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm bằng tiền.
11. Cử tri thôn Mai Trung, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa phản ánh: Hiện nay tàu hút cát sỏi vẫn lén lút hoạt động, vì vậy bãi Vọng ven sông Cầu đã bị lở gần 100m2 và tiếp tục sạt lở thêm. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra và xử lý kiên quyết tình trạng này.
UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Hiệp Hòa kiểm tra, xác minh, qua đó đã phát hiện và xử lý 03 thuyền khai thác cát trái phép tại khu vực bãi Vọng. Đồng thời, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Hiệp Hòa và các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, kết hợp với tăng cường các biện pháp ngăn chặn. Đến nay, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép không còn diễn ra tại địa phương.
12. Cử tri các xã Trí Yên, Đồng Việt, Yên Lư, huyện Yên Dũng phản ánh: Tình trạng khai thác cát trái phép tại dọc tuyến sông Lục Nam và khu vực Cống Đầm, thôn Yên Thịnh dọc tuyến sông Thương đã làm ảnh hưởng đến chân đê.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép tại khu vực cử tri phản ánh. Đến nay, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép dọc tuyến sông Lục Nam thuộc địa bàn xã Trí Yên, huyện Yên Dũng và các xã Đan Hội, Vũ Xá, Yên Sơn đã được khắc phục.
Qua kiểm tra thực địa theo phản ánh của cử tri, trên địa bàn thôn Yên Thịnh, xã Yên Lư hiện không có tên địa danh khu vực Cống Đầm và sông Thương không chảy qua địa bàn xã Yên Lư (mà là sông Cầu) và từ tháng 01/2017 đến nay không có tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn thôn Yên Thịnh do khu vực này lòng sông Cầu sâu, ít cát và gần khu dân cư đang sinh sống.
Tuy nhiên, cuối năm 2016 tình hình khai thác cát sỏi trái phép trên sông Lục Nam đoạn qua xã Trí Yên, huyện Yên Dũng và xã Đan Hội, huyện Lục Nam diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 204/UBND-TN ngày 20/01/2017 phê bình Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng; nhắc nhở Giám đốc Công an tỉnh nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi và quản lý các dự án nạo vét tuyến luồng đường thủy nội địa.
13. Cử tri xã Thắng Cương, huyện Yên Dũng phản ánh: Đơn vị thực hiện dự án nạo vét sông Cầu nhưng thực chất là tiến hành khai thác cát trái phép gây sạt lở nghiêm trọng bờ đê thuộc địa phận thôn Phấn Lôi, Thắng Lợi Hạ, xã Thắng Cương.
UBND tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra thực tế hoạt động thi công, nạo vét tuyến luồng đường thủy nội địa Quốc gia tại 05 đoạn cạn trên sông Cầu của Công ty cổ phần trục vớt luồng Hạ Lưu. Kết quả kiểm tra cho thấy tuyến sông Cầu chảy qua địa phận xã Thắng Cương, huyện Yên Dũng không thấy có điểm sạt lở, xói mòn bờ sông, đe dọa sự an toàn của đê khu vực xã Thắng Cương. Như vậy, ý kiến phản ánh đơn vị thực hiện dự án nạo vét sông Cầu gây sạt lở nghiêm trọng bờ đê thuộc địa phận thôn Phấn Lôi, Thắng Lợi Hạ, xã Thắng Cương là chưa đúng với thực tế.
Hiện nay, Công ty cổ phần trục vớt luồng Hạ Lưu đã dừng hoạt động theo chỉ đạo của Bộ Giao thông - Vận tải, Cục đường thủy nội địa.
14. Cử tri huyện Tân Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa, thành phố Bắc Giang: Tình hình môi trường hiện nay đang ô nhiễm nghiêm trọng nhất là việc người dân vứt bừa bãi rác thải, xác súc vật chết ra sông, suối, kênh tưới; đã có những biện pháp để khắc phục nhưng chưa hiệu quả. Đề nghị cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, có chế tài đủ mạnh để xử phạt, răn đe; cần có biện pháp xử lý rác thải phù hợp vì xử lý chôn lấp như hiện nay vừa mất diện tích lại gây ô nhiểm môi trường.
Để giải quyết hiệu quả tình trạng trên UBND tỉnh đã xây dựng Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020 trong đó nêu rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND cấp xã, hộ gia đình, cá nhân.
Thực hiện Kết luận số 43-KL/TU ngày 11/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nội dung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, Chủ tịch UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch thực hiện, tổ chức chiến dịch cao điểm vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh, ra quân toàn tỉnh vào ngày 05/6/2017; tổ chức rà soát lại khối lượng rác thải phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh; hiện trạng địa điểm tập kết, trung chuyển, khu vực xử lý rác thải; điều chỉnh Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh và đang chỉ đạo tổ chức thực hiện.
15. Cử tri xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng phản ánh: Hiện nay các doanh nghiệp hoạt động trong Khu công nghiệp Song Khê-Nội Hoàng xả thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Tiếp thu ý kiến cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra định kỳ và đột xuất, nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xả thải, gây ô nhiễm môi trường tại các doanh nghiệp hoạt động trong Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng (2). Mặt khác, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh tăng cường trách nhiệm quản lý công tác môi trường trong Khu công nghiệp, chấm dứt hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn môi trường cho phép. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, yêu cầu các doanh nghiệp lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, giám sát.
16. Cử tri huyện Việt Yên, thành phố Bắc Giang phản ánh: Hiện nay việc xả thải của các công ty, doanh nghiệp Khu công nghiệp Đình Trám ra kênh T6 đã gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân. Cử tri đề nghị UBND tỉnh có biện pháp xử lý nước thải ô nhiễm kênh T6 và nâng cấp kênh T6 tránh tình trạng nước thải xâm lấn vào ruộng canh tác; xử lý nghiêm các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.
Phản ánh của cử tri là đúng, thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra xử phạt đối với 20 lượt cơ sở liên quan đến xả thải với tổng số tiền trên 4 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động xả thải của Công ty Italisa, yêu cầu các cơ sở thực hiện khắc phục tồn tại; xây dựng kế hoạch giám sát thường xuyên, xử lý kịp thời các cơ sở gây ô nhiễm; chỉ đạo UBND huyện Việt Yên lập dự án nạo vét kênh T6 đoạn chảy qua địa bàn huyện, đã thi công cuối tháng 5/2017, dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2017.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng, Công an tỉnh tăng cường kiểm tra đột xuất đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu xả thải gây ô nhiễm môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tổ chức thực hiện kế hoạch điều tra, đánh giá, phân tích tác động từ nước thải của các KCN, CCN và đánh giá hiện trạng chất lượng nguồn nước mặt, tổng hợp báo cáo và đề xuất biện pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường kênh T6.
17. Cử tri thôn Hữu Nghi, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên đề nghị: UBND tỉnh phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh xả thải nước chưa xử lý ra sông Cầu làm cá chết hàng loạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân hai bên bờ sông.
Ngay sau khi phát hiện tình trạng trên, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, đánh giá và kịp thời giải quyết; đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo giải quyết khắc phục tình trạng trên. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục phối hợp UBND tỉnh Bắc Ninh tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các khu vực giáp ranh, kịp thời có biện pháp giải quyết theo quy định.
18. Cử tri thành phố Bắc Giang đề nghị: UBND tỉnh xem xét, xử lý hậu quả ô nhiễm môi trường khu vực bãi rác thải của thành phố Bắc Giang.
Tiếp thu ý kiến cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND thành phố Bắc Giang yêu cầu đơn vị quản lý khẩn trương hoàn thiện việc xây tường bao xung quanh, tiếp tục duy trì vận hành thường xuyên các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đối với bãi chôn lấp rác thải đảm bảo xử lý chất thải đạt quy chuẩn cho phép. Đồng thời, tăng cường theo dõi, giám sát hoạt động của bãi chôn lấp rác thải thành phố Bắc Giang để hạn chế ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Về lâu dài sẽ triển khai Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trong đó có xử lý rác bằng phương pháp đốt theo công nghệ tiên tiến, bảo đảm vệ sinh môi trường.
19. Cử tri trong tỉnh phản ánh: Bãi rác thải ở Bắc Ninh ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các xã Nham Sơn và Thắng Cương của huyện Yên Dũng. Cử tri đã có ý kiến với Đoàn ĐBQH tỉnh và HĐND các cấp nhiều lần,song chưa được giải quyết. Đề nghị UBND tỉnh phối hợp với tỉnh Bắc Ninh để sớm có biện pháp giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Tiếp thu ý kiến cử tri, UBND tỉnh đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh kiểm tra hoạt động của khu xử lý rác thải tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ và đề nghị thực hiện các biện pháp giải quyết tình trạng gây ô nhiễm môi trường của bãi rác.
Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động xử lý rác thải tại bãi rác Phù Lãng, kịp thời có biện pháp xử lý theo quy định, hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân xã Thắng Cương và Nham Sơn, huyện Yên Dũng.
V. LĨNH VỰC VĂN HÓA - XÃ HỘI (07 nội dung), cụ thể như sau:
1. Cử tri thành phố Bắc Giang đề nghị: UBND tỉnh làm rõ năm 2016 phát hiện được bao nhiêu vụ tham nhũng, làm hồ sơ thương binh giả, nhiễm chất độc da cam giả và các vụ việc vi phạm chế độ chính sách khác; kết quả xử lý, thu hồi.
Trong năm 2016, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phát hiện 02 trường hợp thương binh hưởng sai chế độ, chính sách do giấy chứng nhận bị thương được cấp không đúng quy định (gồm: 01 trường hợp thuộc huyện Yên Dũng, 01 trường hợp thuộc Lục Nam). Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định đình chỉ thu hồi trợ cấp; Sư đoàn 3 - Quân khu I đã có Quyết định số 408/QĐ-SĐ và 407/QĐ-SĐ thu hồi Giấy chứng nhận bị thương đối với 02 trường hợp trên. Ngoài ra, không phát hiện các vụ việc tham nhũng liên quan đến chính sách người có công, các vụ việc làm giả hồ sơ hưởng chế độ chất độc hoá học và các chế độ người có công khác.
2. Cử tri các huyện Lục Ngạn, Lạng Giang và thành phố Bắc Giang đề nghị: Khi làm thủ tục cho các đối tượng hưởng phụ cấp người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên không nên yêu cầu có giấy khai sinh vì hiện nay hầu hết các cụ cao tuổi không còn giấy khai sinh; đề nghị UBND tỉnh giải quyết sớm việc truy lĩnh phụ cấp cho các cụ từ 80 tuổi trở lên và các đối tượng bảo trợ xã hội. Việc chi trả quá chậm.
- Về thủ tục trợ cấp cho người từ đủ 80 tuổi trở lên: Theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ, thủ tục làm hồ sơ hưởng trợ cấp thường xuyên đối với người từ đủ 80 tuổi trở lên không yêu cầu phải có giấy khai sinh. Vì vậy, sau khi nhận được phản ánh của cử tri, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã kiểm tra, rút kinh nghiệm và chấn chỉnh các địa phương chấm dứt việc yêu cầu đối tượng bổ sung giấy khai sinh và các loại giấy tờ khác trái với quy định khi thực hiện thiết lập hồ sơ hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội thường xuyên hằng tháng đối với người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên.
- Về việc giải quyết sớm việc truy lĩnh trợ cấp xã hội: Tại thời điểm cử tri kiến nghị, việc chi trả truy lĩnh trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội (trong đó có người từ 80 tuổi trở lên) chưa được thực hiện do Trung ương chưa cấp đủ kinh phí điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ cấp xã hội theo Thông tư Liên tịch số 06/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 12/5/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính. Tháng 02/2017 (sau khi được Trung ương cấp bổ sung kinh phí) các huyện, thành phố đã chi trả xong tiền truy lĩnh cho các đối tượng theo quy định.
3. Cử tri thành phố Bắc Giang đề nghị: Công nhận bà mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Vê ở thành phố Bắc Giang và giải quyết chế độ chính sách cho gia đình. Trường hợp này do cơ quan chức năng làm sai tên, gia đình đã đi lại làm thủ tục nhiều lần gây bức xúc.
Quá trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ giải quyết chế độ chính sách đối với mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Vê, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh không làm sai tên như cử tri phản ánh (việc sai tên liệt sĩ do sơ suất trong giấy báo tử liệt sĩ được cơ quan Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Bắc cấp từ năm 1976). Việc chậm giải quyết chế độ do hồ sơ công dân thiết lập gửi Sở chưa hoàn thiện thủ tục, các điều kiện hưởng chế độ, chính sách; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Bắc Giang hướng dẫn gia đình hoàn thiện các điều kiện để hưởng chế độ, chính sách theo quy định.
Ngày 08/12/2016, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 2597/QĐ-CTN về việc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho 10 cá nhân thuộc tỉnh Bắc Giang, trong đó có Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Vê. Ngày 19/4/2017, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 1136/QĐ-LĐTB&XH về việc trợ cấp một lần đối với đại diện thân nhân Bà mẹ được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Vê.
4. Cử tri xã Tân Hưng và một số xã trong huyện Lạng Giang đề nghị: Tăng thêm biên chế giáo viên cho ngành học Mầm non vì hiện nay thiếu quá nhiều giáo viên, thiếu phòng học, sỹ số học sinh/ một lớp quá quy định (từ 50- 60 em/ lớp).
Ý kiến phản ánh của cử tri là đúng thực tế. Tháng 4/2017, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phương án giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, trường lớp học mầm non. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Kết luận số 43-KL/TU ngày 11/5/2017 về một số chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, vấn đề thiếu lớp học, thiếu giáo viên mầm non và giao thông nông thôn. Theo đó, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách hợp đồng đối với giáo viên mầm non tại kỳ họp tháng 7/2017 và cho phép thực hiện từ năm học 2017-2018; đồng thời, chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ rà soát, đào tạo lại số giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật dôi dư ở cấp THCS và tiểu học chuyển xuống dạy mầm non.
Đối với tình trạng thiếu phòng học: Hiện nay việc thiếu phòng ở bậc học mầm non là tình trạng chung trên địa bàn toàn tỉnh. Để khắc phục tình trạng nói trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện các giải pháp, trong đó tập trung huy động các nguồn lực, đầu tư xây dựng trường lớp học, từng bước khắc phục tình trạng quá tải, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Riêng huyện Lạng Giang, giai đoạn 2017-2020 tỉnh dự kiến sẽ hỗ trợ đầu tư xây dựng thêm 82 phòng học mầm non từ nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ là 20,5 tỷ đồng (250 triệu đồng/phòng theo Nghị quyết số 28/2014/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ xây dựng trường mầm non trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020), còn lại là vốn đối ứng của huyện, xã. Trong đó, xã Tân Hưng dự kiến được đầu tư xây dựng 12 phòng học mầm non (năm 2017 khởi công xây dựng 8 phòng, năm 2020 xây 04 phòng).
5. Cử tri các huyện Việt Yên, Tân Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế và thành phố Bắc Giang đề nghị: Tỉnh có cơ chế khuyến khích, đãi ngộ, thu hút đối với giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu đổi mới, căn bản toàn diện giáo dục.
Hiện nay, Đối với những giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề, UBND tỉnh đã và đang thực hiện một số chính sách ưu tiên, khuyến khích, thu hút như:
- Kế hoạch tuyển dụng giáo viên của tỉnh quy định: tuyển thẳng đối với giáo viên có trình độ tiến sĩ.
- Những giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh ở các huyện, thành phố được ưu tiên dự tuyển về Trường THPT Chuyên và các trường THCS trọng điểm chất lượng cao; được xét nâng lương sớm; được tạo điều kiện đi học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị; được cơ hội bổ nhiệm cán bộ quản lý tại các đơn vị.
- Danh hiệu giáo viên giỏi là điều kiện để xét thi đua, khen thưởng hằng năm. Những giáo viên có thành tích trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi được tuyên dương, khen thưởng theo Quy định tại Quyết định số 284/2012/QĐ-UBND ngày 5/9/2012 ban hành quy định khen thưởng cho tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong lĩnh vực thể thao, văn hóa - nghệ thuật, giáo dục - đào tạo, thông tin - truyền thông; tổng số tiền khen thưởng cho giáo viên và học sinh hằng năm khoảng 2 tỷ đồng.
- Tỉnh Bắc Giang cũng có chế độ khuyến khích đối với cán bộ đi học trình độ tiến sĩ, hỗ trợ 50 triệu đồng với nam, 60 triệu đồng với nữ sau khi có bằng tiến sĩ.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế khuyến khích, đãi ngộ, thu hút đối với giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề để đáp ứng ngày càng cao việc đổi mới, căn bản toàn diện giáo dục.
6. Cử tri xã Hương Mai, huyện Việt Yên và cử tri thành phố Bắc Giang phản ánh: Theo Quyết định số 455/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang, ngày 25/15/2012 quy định về dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, tại Điều 6, khoản 2 quy định về thời gian dạy thêm, học thêm đối với các trường THCS, không bố trí giáo viên dạy thêm quá 3 buổi/tuần, không bố trí học sinh học thêm quá 4 môn và không quá 4 buổi/tuần; trong khi đó Điều 8 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, ngày 16/5/2012 quy định về dạy thêm học thêm theo hướng mở không quy định bắt buộc cụ thể như vậy. Đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang nghiên cứu, xem xét điều chỉnh cho phù hợp về quy định thời gian dạy thêm đối với giáo viên.
Ý kiến cử tri phản ánh là đúng. Việc UBND tỉnh quy định việc dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh là để đảm bảo chặt chẽ, tránh hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan (Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo không quy định số buổi dạy và học/tuần với giáo viên và học sinh).
Hiện nay, việc tổ chức thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT có thay đổi, ngoài 3 môn bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ), học sinh phải chọn thi 01 trong 2 môn thi tổ hợp Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) hoặc Khoa học tự nhiên (Lý, Hoá, Sinh). Học sinh vì thế có thể có nguyện vọng học thêm ít nhất 6 môn, hoặc 9 môn. Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh sửa đổi Quyết định số 455/2012/QĐ-UBND ngày 25/12/2012 cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.
7. Cử tri trong tỉnh đề nghị: Tổ chức đánh giá mô hình VNEN trong giáo dục để có định hướng cho việc thực hiện trong thời gian tới.
Tháng 10/2016, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm 01 năm triển khai mô hình trường học mới cấp THCS, tập huấn, tháo gỡ những khó khăn cho các đơn vị, bổ sung các điều kiện để thực hiện mô hình hiệu quả.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trong thời gian hè năm học 2016-2017 tổ chức khảo sát, đánh giá lại thực chất mô hình (cả cấp tiểu học và THCS) để có phương hướng thực hiện trong thời gian tới để thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, phương thức giáo dục, đảm bảo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm.
VI. LĨNH VỰC NỘI CHÍNH - TƯ PHÁP (09 nội dung), cụ thể như sau:
1. Cử tri các huyện Việt Yên, Tân Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế và thành phố Bắc Giang đề nghị: Tỉnh xem xét nâng mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã; nâng mức phụ cấp cho đội ngũ cán bộ thôn, nhất là Trưởng ban công tác mặt trận thôn, bản. Hiện nay chức danh Thôn đội trưởng là không hợp lý, phụ cấp cao, công việc ít, đề nghị gộp chức danh này vào chức danh Phó trưởng thôn để kiêm nhiệm.
Ngày 20/12/2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành QĐ số 2208/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác liên ngành để làm nhiệm vụ khảo sát, đánh giá thực trạng tổ chức hoạt động của thôn, tổ dân phố và thực hiện chế độ, chính sách với người hoạt động không chuyên trách để nghiên cứu, trình HĐND tỉnh điều chỉnh phụ cấp và xem xét gộp một số chức danh cán bộ không chuyên trách.
Tuy nhiên, Chính phủ dự kiến ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và người hoạt động không chuyên trách cấp xã vào tháng 8/2017. Do vậy, việc xem xét điều chỉnh phụ cấp và gộp một số chức danh cán bộ không chuyên trách chờ hướng dẫn của Trung ương.
2. Cử tri thành phố Bắc Giang đề nghị: Thành lập tổ dân phố số 7 phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang.
UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh khóa XVIII xem xét thành lập tổ dân phố số 7 phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang tại Kỳ họp thứ Ba (vào tháng 7/2017).
3. Cử tri các huyện Việt Yên, Tân Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế và thành phố Bắc Giang đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo việc thi tuyển, điều động, luân chuyển công chức, viên chức ngành giáo dục sớm hơn để đảm bảo cho các nhà trường chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch cho năm học; bố trí cân đối tỷ lệ giáo viên phù hợp cho các trường.
Việc tuyển dụng giáo viên các bậc học đã được Hội đồng tuyển dụng của tỉnh triển khai thực hiện trước khi bước năm học mới. Tại Thông báo số 97/TB-UBND ngày 14/4/2017, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Nội vụ tổ chức tuyển dụng giáo viên trong dịp hè, xong trước tháng 9 hằng năm. Việc thuyên chuyển, điều động, tiếp nhận giáo viên cũng được thực hiện thống nhất một lần vào dịp hè hằng năm (xong trước tháng 8 hằng năm).
Việc bố trí cân đối tỷ lệ giáo viên phù hợp với các trường, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo chủ tịch UBND các huyện, thành phố rà soát điều động đảm bảo phù hợp trên cơ sở đội ngũ giáo viên hiện có.
4. Cử tri xã Đức Giang, huyện Yên Dũng đề nghị: UBND tỉnh cân đối kinh phí chi trả chế độ một lần đối với Công an xã năm 2008.
Tiếp thu ý kiến cử tri, UBND tỉnh giao UBND huyện Yên Dũng tổng hợp đối tượng, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài chính) để thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí hỗ trợ huyện chi trả chế độ một lần cho công an xã theo quy định.
5. Cử tri xã Lam Cốt, huyện Tân Yên đề nghị: Xem xét hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các tổ chức xã hội ở xã theo định mức chi cho các tổ chức chính trị xã hội khác, vì hiện nay các tổ chức Hội đoàn thể được thành lập theo quy định mà không có kinh phí hoạt động, cán bộ chủ tịch của các Hội không có phụ cấp (ví dụ: Hội nạn nhân Da cam, Hội Cựu TNXP...).
Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; các hội quần chúng được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động. Do vậy, các hội cấp xã được thành lập theo Nghị số 45/2010/NĐ-CP phải tự đảm bảo kinh phí để hoạt động theo quy định.
6. Đại biểu HĐND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lạng Giang đề nghị: UBND tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ đại biểu HĐND cấp xã để nâng cao trách nhiệm, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đến ngày 21/5/2017, Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với HĐND và UBND huyện Lạng Giang đã tổ chức bồi dưỡng 100% đại biểu HĐND cấp xã (06 lớp, 664 đại biểu) theo đúng nội dung, chương trình quy định (theo kế hoạch việc bồi dưỡng đại biểu HĐND xã kết thúc trong quý III/2017).
7. Cử tri trong tỉnh đề nghị: Có giải pháp quản lý, sử dụng và không để lãng phí nguồn nhân lực là đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm cơ sở.
UBND tỉnh đã bố trí ở mỗi xã, phường, thị trấn 01 cán bộ khuyến nông và 01 cán bộ thú y cơ sở (riêng 07 phường thuộc thành phố Bắc Giang không bố trí cán bộ khuyến nông); đồng thời, đã phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp chỉ đạo quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ này.
Trên cơ sở ý kiến cử tri, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, đánh giá tăng cường hiệu quả của cán bộ khuyến nông, khuyến lâm cơ sở.
8. Cử tri trong tỉnh phản ánh: Việc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai của huyện từ khi chuyển về tỉnh quản lý bộc lộ rất nhiều bất cập, mất thời gian chờ đợi làm thủ tục vì phải chuyển lên tuyến trên. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu để có biện pháp giải quyết hợp lý.
Để khắc phục những bất cập trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng đăng ký đất đai; phối hợp với các sở, ngành liên quan để tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ cấp xã (Lãnh đạo UBND, công chức tư pháp, địa chính) nên đến nay cơ bản không còn tình trạng chậm, muộn hồ sơ, thủ tục hành chính.
9. Cử tri xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên phản ánh: Xã Việt Ngọc là nơi có đồn Trị Cụ (Di tích còn lại thời chống Pháp) nằm trong khu vực ATK Hiệp Hòa, nhưng lại không được hưởng các chế độ của khu vực ATK như một số xã của Hiệp Hòa. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét để đưa khu vực thuộc xã Việt Ngọc hiện đang còn di tích trên vào khu vực ATK Hiệp Hòa.
Trên cơ sở ý kiến cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Tân Yên và các ngành chức năng nghiên cứu, xem xét đề nghị Trung ương đưa khu vực thuộc xã Việt Ngọc vào khu vực ATK Hiệp Hòa.
Trên đây là kết quả xem xét, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ Hai- HĐND tỉnh khóa XVIII, UBND tỉnh trân trọng báo cáo.
(1) Năm 2015: Tổ chức 4 hội nghị tại Lục Ngạn, Lào Cai, Lạng Sơn và TP Hồ Chí Minh; Năm 2016: Tổ chức 4 hội nghị tại Lục Ngạn, Lào Cai, Lạng Sơn và TP Hồ Chí Minh; tổ chức tuần lễ vải thiều tại Hà Nội và lễ hội trái cây tại Lục Ngạn; Năm 2017: Công tác xúc tiến thương mại tiếp tục được đổi mới về nội dung, phương pháp: thay vì tổ chức 4 hội nghị như các năm trước, UBND tỉnh chỉ tổ chức 1 hội nghị tại TP Bắc Giang gắn với giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Bắc Giang; đồng thời, tổ chức hội nghị xúc tiến xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc năm 2017 tại thị trấn Bằng Tường (là năm đầu tiên xúc tiến tại Trung Quốc) và tiếp tục tổ chức tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang tại Hà Nội.
(2) Năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt vi phạm hành chính 05 doanh nghiệp, số tiền phạt 1,3 tỷ đồng, phối hợp với Thanh tra Tổng cục Môi trường xử phạt 02 doanh nghiệp với tổng số tiền 1,1 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động xả thải của các doanh nghiệp và yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom, xử lý nước thải.
Ý kiến bạn đọc (0)