Hồi ức chiến tranh qua trang sách
Cuốn hồi ký “Chiến tranh và cuộc đời tôi như thế” được in khổ A5 với hơn 140 trang. Bản thảo cuốn hồi ký được ông Long viết từ năm 2016, sau 4 năm chỉnh sửa mới hoàn thành và vừa được in. Cuốn sách ghi lại theo mạch thời gian mà ông còn nhớ rất rõ. Tháng 7/1968, ông nhập ngũ vào một đơn vị bộ binh, sau đó chuyển đến Tiểu đoàn 6 đặc công (Bộ Tư lệnh B3 Tây Nguyên). Khi nhận nhiệm vụ vào Nam chiến đấu, ông đã viết huyết tâm thư gửi cấp trên. Ông Long trích dẫn vài dòng: “...Không có vinh dự nào bằng vinh dự được vào Nam đánh giặc. Tôi sẵn sàng hy sinh để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc...”. Những trang sau đó, ông kể về nhiều trận đánh mà đơn vị mình tham gia, trận nào cũng ác liệt, cam go nhưng toàn thắng.
Ông Nguyễn Văn Long kể lại những năm tháng hào hùng cho con trai Nguyễn Minh Hoàng. |
Trận đánh đầu tiên là ở thị xã Kon Tum vào tháng 10/1970. Tiểu đội của ông được giao nhiệm vụ đánh chặn xe tăng của địch. Ông kể, mỗi chiến sĩ đặc công chỉ mặc một chiếc quần đùi, toàn thân được bôi nhọ nồi, than đen sì, sau đó bí mật tiến về phía mục tiêu. Khi phát hiện quân ta đột nhập, địch ráo riết tấn công. “Các loại đạn pháo bắn ra như mưa, pháo cối nổ như ngô rang xung quanh người. Trong lúc này có lẽ chỉ may mắn mới không trúng đạn chứ không biết tránh kiểu gì”, CCB Nguyễn Văn Long nhớ lại. Giữa lúc bom đạn nổ khắp nơi nhưng không một ai lùi bước, ông cùng đồng đội lao lên quyết tâm giết địch. Khi phát hiện một số xe tăng của địch chỉ bật đèn gầm từ trong rừng đi ra, ông vác súng chống tăng trên vai nhằm thẳng vào chiếc xe đi đầu và bắn cháy. Thấy tình thế bất lợi, địch nhanh chóng rút quân.
Ông cũng kể về trận đánh cuối cùng trong đời lính của mình là trận đánh trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 1972. Từng chi tiết, sự việc như thể mới diễn ra hôm qua. Ở trận này, đặc công của ta bí mật “luồn sâu, đánh hiểm” vào cứ điểm địch nhưng bị phát hiện. Chúng dùng hỏa lực rất mạnh bắn dữ dội vào đội hình khiến nhiều chiến sĩ bị thương và hy sinh. Nén đau thương, ông Long gỡ khẩu súng khỏi tay một đồng đội vừa nằm xuống và lao lên tiếp tục chiến đấu. Ông tả: “Khói bụi, lửa cháy khắp nơi, chỗ nào cũng có tiếng nổ inh tai nhức óc. Cảnh tượng vô cùng hỗn độn, mùi thuốc súng của bom đạn, mùi cháy của các vật liệu, không khí như đặc quánh, khét lẹt”. Trận đánh này ông bị trúng đạn và bị thương. Sau khi sơ cứu, người lính ấy được đưa đi điều dưỡng. Sau này, qua giám định, ông là thương binh hạng 1/4.
Trong cuốn hồi ký ấy, ông còn kể lại những kỷ niệm với người dân vùng đóng quân và kỷ niệm lần bị lạc giữa rừng Trường Sơn khi đi kiếm rau cho đơn vị. Nhẹ nhàng lật từng trang, ông nói tiếp: “Những năm tháng chiến tranh ác liệt, đơn vị của tôi đóng quân tận rừng sâu, đường tiếp tế thường xuyên bị máy bay địch phá hoại. Vì thế, có thời điểm mấy tháng không được tiếp tế. Bên cạnh tiết kiệm trong sinh hoạt, khi không đi đánh trận thì cả đơn vị tập trung trồng khoai, sắn, tăng gia sản xuất”.
Ở những trang cuối, ông viết về những khó khăn khi mới xuất ngũ (năm 1974) vì mất nhiều giấy tờ. Với ý chí của người chiến sĩ từng vào sinh ra tử trên chiến trường, ông quyết định chuyển ngành làm việc tại Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Thế rồi làm Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Yên Thế, huyện Tân Yên, Đội trưởng Đội Thi hành án dân sự huyện Tân Yên (nay là Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tân Yên)... Ở cương vị nào ông cũng làm tốt nhiệm vụ được giao, giữ vững phẩm chất của người lính Cụ Hồ. Bà Vũ Thị Thịnh, vợ ông Long tâm sự: “Khi ấy cuộc sống của chúng tôi còn khó khăn nhưng bà con hàng xóm đều tin yêu. Trong những bộ hồ sơ chồng tôi xét xử, nhiều bộ còn kèm lá thư cảm ơn của đương sự”.
“Tôi rất thích đọc sách vì thế mong muốn có một cuốn sách nhỏ cho riêng mình, đồng thời cũng mong con cháu hiểu rõ hơn về truyền thống của các thế hệ cha anh, về cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”, CCB Nguyễn Văn Long kể.
Dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vừa qua, ông vinh dự được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Chiến tranh đã trôi qua hàng chục năm nhưng với CCB Nguyễn Văn Long và những đồng đội, ký ức về những năm tháng kháng chiến vẫn còn vẹn nguyên. Khép lại cuốn sách, chúng tôi thêm hiểu, đi qua những năm tháng hào hùng của lịch sử dân tộc, câu chuyện của CCB Nguyễn Văn Long và nhiều cựu binh khác sẽ luôn là khúc tráng ca bất diệt. Với thế hệ hôm nay, đó là những bài học quý giá về lòng yêu nước, ý chí quật cường chiến thắng mọi khó khăn.
Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)